Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Năm 2022, lượng hàng phục vụ Tết của Siêu thị GO!Thái Nguyên khoảng 2,4 triệu sản phẩm, năm 2023 dự kiến lượng hàng dự trữ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: T.L |
Sở Công Thương đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai một số biện pháp đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa phục vụ nhân dân, như: Lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu bố trí kho dự trữ các mặt hàng thiết yếu và sắp xếp mạng lưới cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là hàng có biên độ biến động mạnh về giá để cơ cấu hợp lý, hiệu quả danh mục hàng hóa của đơn vị, xác định nhóm mặt hàng chủ lực.
Sở đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trái pháp luật về lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh gồm 140 chợ và hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 67,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin