Liên tiếp lập đỉnh, cả vàng SJC lẫn vàng nhẫn trơn 9999 đều tăng giá bất ngờ trong hàng chục ngày trở lại đây và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, việc giá vàng tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, nhưng ít nhiều cũng tác động đến tâm lý và thu hút sự quan tâm của không ít người…
Người dân mua vàng tại Doji Thái Nguyên, trên đường Lương Ngọc Quyến. |
Không có biến động lớn về giao dịch
Đầu giờ sáng 12-3, giá vàng niêm yết tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji Thái Nguyên loại nhẫn tròn 9999 ở mức 69,9-71,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); vàng SJC ở mức 80,25-82,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Quý Tùng, nhẫn tròn 9999 có giá 68,8-70,2 triệu đồng/lượng; Vàng Kim Quy 9999 có giá 69,2-70,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đến hơn 14 giờ, giá vàng tại một số thương hiệu có điều chỉnh giảm 150-250 nghìn đồng/lượng cả chiều mua vào, bán ra đối với vàng SJC, còn vàng 9999 chỉ giảm ở chiều mua vào 100 nghìn đồng/lượng, còn vẫn giữ nguyên đối với chiều bán ra.
Mặc dù giá vàng liên tiếp tăng nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn TP. Thái Nguyên không có tình trạng khan hiếm và biến động lớn về giao dịch. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji tại Thái Nguyên, thông tin: Tại Doji Thái Nguyên những ngày gần đây không có nhiều biến động về giao dịch. Trên thực tế, số nhà đầu tư vàng trên địa bàn tỉnh không nhiều. Bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn lớn, cùng với đó là kinh nghiệm, thông tin đa chiều tốt. Còn nếu đầu tư theo phong trào thì rất rủi ro. Càng rủi ro đối với những ai có ý định đầu tư ngắn hạn, bởi giá mua và bán thường chênh lệch nhau khá cao, thông thường là trên dưới 2 triệu đồng/lượng. Cũng bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên số nhà đầu tư mới không nhiều, có chăng chỉ là những nhà đầu tư cũ, giảm tỷ lệ vốn ở một số lĩnh vực khác (bất động sản, chứng khoán) để ưu tiên nhiều hơn cho vàng trong thời điểm này.
Còn theo ông Phạm Ngọc Chiến, chủ Tiệm vàng Kim Quy, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên): Sau ngày Vía thần tài (ngày 19-2, tức mùng 10 tháng Giêng), vàng giảm giá đúng 1 hôm, sau đó tăng đến hôm nay và liên tục lập đỉnh. Số lượng giao dịch tại Tiệm vàng của chúng tôi trong những ngày qua tăng 2-3 lần cả chiều mua và bán, song khách hàng chủ yếu chỉ mua 1-2 chỉ, nhiều nhất là 1-2 cây (lượng).
Cũng theo ông Chiến, so với giá vàng SJC, giá vàng nhẫn tròn 9999 những ngày gần đây được người dân ưu tiên lựa chọn nhiều hơn vì nếu tính về tỷ lệ tăng giá, thì cao hơn SJC.
Giá vàng tăng tuy không tác động đến đời sống của người dân, nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý của không ít người. Chị Nguyễn Thị Nhường, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), có chút lo lắng: Năm ngoái, con tôi xây nhà nên đã vay vàng của họ hàng. Nếu giá vẫn tăng thế này thì đến lúc trả nợ sẽ rất vất vả.
Còn ông Đào Hữu Thực, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) - một người đi mua vàng trong sáng 12-3, cho biết: Mặc dù không kinh doanh mà chỉ để tích lũy, tiết kiệm nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi giá vàng. Tôi không nghĩ giá vàng lại tăng cao đến thế. Dù vậy, cứ có đủ tiền là vợ chồng tôi lại ra mua 1-2 chỉ để dành. Mặc dù không có ý định nhưng khi thấy giá hợp lý có thể tôi sẽ bán.
Người dân mua vàng tại Tiệm vàng Kim Quy, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên. |
Cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng
Lý giải về nguyên nhân khiến giá vàng SJC và vàng nhẫn liên tiếp lập định trong những ngày qua, các chuyên gia cho rằng ngoài việc giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới thì một yếu tố khác góp phần không nhỏ vào đà tăng của giá vàng nhẫn là do giá nguyên liệu tăng và nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các chuyên gia phân tích, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu, nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức của người dân ngày càng tăng. Việc thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và mỹ nghệ cũng đã được Hiệp hội Kinh doanh vàng cảnh báo từ nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu lại liên quan đến chính sách. Trở lại thời điểm hơn 10 năm trước (năm 2012), thị trường vàng diễn biến phức tạp, người dân đổ xô đi mua vàng, dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn “sốt giá” gây bất ổn trong xã hội.
Cùng với đó, hằng năm Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Việc nhập khẩu vàng với quy mô lớn đã ảnh hưởng đến tỷ giá, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Trước thực trạng này, ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP "Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng". Theo đó, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng SJC - thương hiệu vàng quốc gia. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành đơn vị gia công vàng miếng SJC dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, cung - cầu vàng miếng SJC tương đối cân bằng, thị trường vàng tự điều tiết, không còn tình trạng "làm giá", đã góp phần quan trọng ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nghị định 24 được cho là đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung quy định tại Nghị định này đã không còn phù hợp, dẫn đến tình trạng giá vàng liên tục lập đỉnh trong thời gian qua và đặc biệt là vàng SJC nhiều năm nay luôn có giá cao hơn vàng thế giới, phổ biến từ 13-15 triệu đồng/lượng.
Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, để “hạ nhiệt” thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa Nghị định số 24, cho phép nhập khẩu vàng, xóa bỏ độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC. Nhà nước chỉ kiểm soát nguồn cung, còn việc sản xuất nên để các doanh nghiệp khác cùng tham gia, sử dụng vàng dân cư để sản xuất vàng miếng, góp phần ổn định nhu cầu vàng miếng của thị trường.
Ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 06/CT-TTG, trong đó yêu cầu khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin