Trong quá trình sử dụng xe, có những kỹ năng sửa chữa ô tô rất cơ bản mà người dùng nếu biết sẽ không cần đến các gara mà vẫn có thể tự mình xử lý được.
Theo các chuyên gia sửa chữa ô tô, bất kể là một người lái xe chuyên nghiệp lâu năm hay vừa mới mua xe, hãy nắm vững những kỹ năng kiểm tra, sửa chữa ô tô cơ bản sau đây. Điều này không quá khó để tiếp thu kiến thức và thực sự có ích cho người dùng trong quá trình sử dụng xe hằng ngày.
Thay lốp xe
Việc thay lốp xe là một trong những kỹ năng sửa chữa ô tô cơ bản nhất. Biết cách thay lốp xe một cách an toàn có thể giúp bạn tiết kiệm được thời gian và sự lo lắng, nhất là trong trường hợp thủng lốp ở những khu vực hoang vắng, ít người qua lại và khó tìm được gara sửa chữa.
Hãy làm theo các bước như sau:
- Lấy bộ dụng cụ thay lốp, thường nằm ở khu vực phía dưới khoang hành lý. Nới nhẹ các ốc cố định bánh xe cần thay.
- Đặt vị trí kích để bộ phận nâng xe đúng với vị trí thường có mũi tên chỉ dẫn ở dưới gầm xe gần khu vực lốp cần thay.
- Dùng kích thủy lực nâng xe sao cho bánh xe cách mặt đất từ 7-10cm. Tiếp tục nới các ốc cho đến khi tháo bánh xe ra khỏi trục.
- Lắp lốp dự phòng và vặn lại ốc theo thứ tự đối nhau, chưa cần siết chặt. Hạ kích thủy lực xuống và cuối cùng siết ốc chặt thêm một lần nữa.
Kiểm tra và thay ắc quy
Việc kiểm tra tình trạng của ắc quy khá dễ dàng khi có thể kiểm tra bằng mắt thường xem các vị trí cực âm và dương có dấu hiệu bị ăn mòn hoặc oxy hóa hay không. Nếu xe khó khởi động, có thể sẽ phải thay ắc quy. Ắc quy sẽ cần thay thế khi quá thời gian sử dụng (2-3 năm).
Trước khi thay bình ắc quy, người dùng cần tắt máy hoàn toàn. Sau đó tháo từng vít cọc bình theo thứ tự cọc âm trước sau đó mới đến cọc dương. Cọc âm màu đen hoặc không có màu, có thể có kí hiệu (-), còn cọc dương thường có nắp chụp màu đỏ hoặc đen, kí hiệu dấu (+).
Sau khi lắp đặt bình ắc quy mới, người dùng lắp vào theo trình tự ngược lại. Cách làm này chỉ áp dụng cho xe phổ thông, còn xe cao cấp thường có yêu cầu cao hơn về bình ắc quy chuyên biệt nên sẽ phải mang đến các gara sửa chữa.
Thay lọc gió động cơ
Nếu lọc gió động cơ bị bẩn, tắc nghẽn có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ khiến xe ô tô đi có cảm giác bị ì và tốn nhiên liệu hơn. Do đó, việc cần làm là phải thay thế bộ phận này.
Để thay bộ phận lọc gió động cơ, đầu tiên cần cần rút giắc cảm biến gió. Thông thường có các lẫy trên hộp lọc gió động cơ. Hãy mở lẫy rồi mở hộp lọc gió, sau đó tháo lọc gió ra và thay vào lọc gió mới. Cuối cùng đậy nắp hộp lọc gió và cắm lại giắc cảm biến gió trước đó đã tháo ra.
Thay lọc gió điều hòa
Lọc gió điều hòa nếu bị bụi bẩn bám lâu ngày sẽ khiến khả năng làm mát của điều hòa ô tô bị suy giảm, khi lấy gió ngoài bụi bẩn sẽ thổi vào bên trong khoang lái gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trong. Điều hòa phải hoạt động liên tục dẫn tới xe cũng bị tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.
Đối với lọc gió điều hòa, thông thường bộ phận này được bố trí ở khu vực hộp chứa đồ bên ghế phụ, có thể ở bên dưới hoặc ẩn phía sau hộc chứa đồ. Dùng tua vít để nhấn nút nhựa ở bên cạnh hộc chứa đồ để tháo hẳn ra.
Khi tháo hộc chứa đồ, lọc gió điều hòa sẽ được bố trí ở trong ngăn của cụm dàn lạnh cùng quạt gió, có nắp đậy. Người dùng hãy lật ra và lấy lọc gió ra ngoài. Có thể vệ sinh hoặc thay mới bộ phận này.
Cuối cùng, đưa lọc gió điều hòa đã vệ sinh hoặc thay mới vào ngăn của cụm dàn lạnh và lắp lại hộp chứa đồ trở lại nguyên vị trí ban đầu.
Thay cần gạt nước
Cần gạt nước tuy là một bộ phận nhỏ trên xe ô tô nhưng lại đóng vai trò quan trọng khi di chuyển trong những ngày mưa, nhiều sương mù hay kính xe bụi bẩn cần rửa kính lái.
Khi lưỡi gạt nước bị mòn, rách không thể gạt sạch hết bụi bẩn hay nước trên kính lái sẽ khiến tầm nhìn của người điều khiển bị cản trở. Lúc này người dùng nên cần biết kỹ năng thay thế lưỡi gạt mưa.
May mắn thay, việc thay thế cần lưỡi gạt nước rất đơn giản và giá bán của phụ kiện này cũng phải chăng, trung bình dao động từ 150.000-400.000 đồng.
Khi tiến hành thay thế, người dùng sẽ thấy trên cần gạt nước thường có các lẫy, hãy bấm vào lẫy đó để tháo lưỡi gạt mưa cũ ra. Sau đó lấy lưỡi gạt mới đặt lại vào vị trí khe rãnh vừa tháo lưỡi gạt cũ, sập lẫy xuống. Các bước thực hiện rất đơn giản.
Kiểm tra nước làm mát, nước rửa kính
Việc kiểm tra nước làm mát và nước rửa kính cũng là kỹ năng rất cơ bản mà những người sử dụng xe cần nắm. Đối với nước làm mát và nước rửa kính, bình chứa các loại dung dịch này đều thể hiện bằng các mức độ đầy và vơi bằng vạch Min-Max.
Người dùng xe chỉ cần nhìn vào đó để biết được tình trạng hiện tại của các loại dung dịch này. Nếu vạch ở giữa Min-Max hoặc ở mức Max thì chứng tỏ ô tô vẫn đủ dung dịch. Còn nếu mức dung dịch ở vạch Min, người dùng cần đổ thêm dịch dịch làm mát, nước rửa kính vào đúng các bình đã được quy định bằng các biểu tượng.
Kiểm tra dầu động cơ
Đối với dầu động cơ, người dùng rút que thăm dầu nằm trên mặt động cơ và thường có màu vàng, lau sạch phần dầu thừa bám trên que thăm dầu. Lắp lại que thăm dầu vào ống, sau đó tiếp tục rút que thăm dầu ra một lần nữa.
Quan sát que thăm ở cả hai mặt, nếu màng dầu nằm ở dưới vạch tối thiểu thì cần thêm dầu để đảm bảo chất lượng vận hành của xe ô tô. Ngoài ra, nếu quan sát thấy dầu có màu mật ong thì chất lượng dầu vẫn tốt, còn nếu thấy màu ngả đen và hơi sệt thì người dùng nên thay dầu động cơ mới.
Chú ý, trước khi bổ sung thêm dầu động cơ và dung dịch làm mát, người dùng cần tắt máy, chờ động cơ nguội hoàn toàn rồi mới tiến hành các bước trên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin