Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 18/5/2016, Chính phủ còn chưa ban hành 3 nghị định quy định chi tiết đối với 3 luật đã có hiệu lực. Từ ngày 01/7/2016, 11 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực nhưng còn 32 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh này chưa được ban hành để bảo đảm nguyên tắc có hiệu lực cùng với hiệu lực của luật, pháp lệnh. Việc xây dựng, trình ký ban hành văn bản đang rất chậm, số văn bản chưa được ban hành đúng thời gian còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi hành các quy định của luật, pháp lệnh đã có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực.
*Trước ngày 1/7/2016, 35 văn bản phải được ban hành hết
Để khẩn trương khắc phục tình trạng trên đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với đơn vị, cá nhân của Bộ, cơ quan để diễn ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
Chậm nhất đến ngày 30/5/2016, Bộ trưởng các Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản thuộc trách nhiệm của từng Bộ để trước ngày 01/7/2016, 35 văn bản nói trên phải được ban hành hết. Sau thời hạn này, Bộ trưởng nào chưa ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản đã được phân công sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải giải trình trước công luận.
*Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành cần cải tiến việc thực hiện trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản. Thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn trả lời theo Quy chế làm việc của Chính phủ, quá thời hạn quy định, nếu không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý với dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Những văn bản có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thủ tục này.
Bộ Tư pháp tập trung nguồn lực, ưu tiên thẩm định các văn bản nói trên; phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chủ trì soạn thảo để rút ngắn thời gian và bảo đảm chất lượng thẩm định; có văn bản thẩm định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo văn bản.
Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, soạn thảo, xử lý kịp thời các vướng mắc; tập trung thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; đề xuất tăng số lượng dự thảo nghị định trình Phiên họp Chính phủ xem xét, thông qua.
Đối với những dự thảo văn bản còn ý kiến khác nhau về các vấn đề lớn, quan trọng, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì, tổ chức họp với các cơ quan, tổ chức liên quan để thống nhất xử lý. Trường hợp không thống nhất, phải kịp thời báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo xử lý.
Đối với những dự thảo nghị định đã cơ bản hoàn thành thủ tục thông qua bằng gửi Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ hoặc đã được phiên họp Chính phủ thông qua, thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Chính phủ thông qua, Văn phòng Chính phủ phải chủ động tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan để cùng cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thành việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sẽ không xem xét đề nghị của các Bộ về việc xin lùi tiến độ trình ban hành các văn bản nêu trên./.