Tình trạng ném đá vào các phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước thời gian qua khiến nhiều cơ quan chức năng phải đau đầu và vào cuộc tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, chế tài xử phạt các đối tượng đang trong độ tuổi vị thành niên không đủ sức “răn đe” khiến cho “vấn nạn” này chưa có dấu hiệu dừng lại, người tham gia giao thông đang phải mang nặng tâm lý hoang mang, lo lắng.
*Hành động bộc phát
Vừa qua, dư luận xã hội xôn xao khi thấy cơ quan chức năng công bố thủ phạm gây ra những vụ mất an toàn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ như đá ném vào tàu hỏa ở Đắk Lắk, ném gạch vào xe khách ở cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Cao Lãnh… đều trong độ tuổi vị thành niên, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Gần đây nhất lại xuất hiện 4 học sinh cá biệt nhảy ra giữa đường, chặn ô tô đang chạy với tốc độ cao trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để ném đá, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Phân tích nguyên dẫn đến hành vi táo tợn này, cơ quan điều tra cũng như các đơn vị liên quan đều khẳng định, giả thiết cho rằng các hãng xe khách cạnh tranh thị phần nên thuê những đối tượng xấu hành động đều bị bác bỏ do không có căn cứ. Những động cơ khác như tư thù cá nhân, chiếm đoạt tài sản… cũng không đúng vì thủ phạm không hề tiếp cận với phương tiện hay người bị hại sau khi “gây án”. Mục đích cuối cùng của hiện tượng này, được các cơ quan chức năng kết luận, là do hành động bộc phát của các đối tượng lông bông, thiếu giáo dục, không có việc gì làm nên lấy đá ném xe cho đỡ… buồn.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cho biết: Các đối tượng vi phạm đều là học sinh hư trên địa bàn, thường xuyên bỏ học, tụ tập chơi game, quậy phá, gia đình buông lỏng quản lý… nên đã xảy ra tình trạng trên.
Các đối tượng sau khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra trong vụ ném đá trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào tối 13/5 vừa qua, đều nói rất ân hận về hành vi của mình nhưng thái độ lại rất thản nhiên, không hề có chút sợ hãi. “Chẳng có ai xui cháu cả. Sau khi chơi game, chúng cháu không biết làm gì nên rủ nhau đi chơi, lên gần đường cao tốc thấy buồn chân tay nên lấy đá ném vào xe cho vui, nhưng vì ở xa nên ném mãi vẫn trượt. Bọn cháu rủ nhau nhảy qua hàng rào, vào đường chặn xe lại ném cho dễ” –Nguyễn Văn Hiếu, 14 tuổi, ở thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, kể lại “chiến tích” của mình một cách hào hứng.
Trưởng Công an huyện Bình Giang Nguyễn Hoàng Long khẳng định, hành động của các đối tượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật, cách xử lý cuối cùng của cơ quan công an cũng chỉ là phạt hành chính, gửi hồ sơ về chính quyền xã để giáo dục tại địa phương chứ chưa thể xử lý hình sự do các đối tượng đều dưới 16 tuổi.
* Người dân lo lắng, bất an
Kết quả xử lý đó chưa được đông đảo người dân tán thành, hay nói đúng hơn, dư luận vẫn hoài nghi về hiệu quả của việc áp dụng các chế tài dành cho lứa tuổi vị thành niên. Phản ứng của xã hội có thể khắt khe với trẻ em, nhưng rõ ràng ai cũng cảm thấy bất an khi thường xuyên phải lưu thông trên các tuyến cao tốc.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh, nhà ở Yên Phụ, tuần nào cũng lái xe đưa vợ con về quê ở Quảng Ninh là một trong nhiều người rất bức xúc và không tin tình trạng trên sẽ chấm dứt dù cơ quan chức năng đã làm đúng luật. “Vấn đề là chúng tôi không biết khi nào mình trở thành nạn nhân của những trò nghịch dại đó. Vừa lái xe vừa mang tâm trạng bất an thực sự rất nguy hiểm”, anh Mạnh lo lắng cho biết.
Đồng tình với chia sẻ của anh Mạnh, lái xe đường dài Phan Văn Thắng cho biết, do tính chất công việc, thời gian anh có mặt trên đường cao tốc nhiều hơn ở nhà. “Chúng tôi thực sự thấy hoang mang, hy vọng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết hữu hiệu để những người lái xe yên tâm khi đi làm”, anh Thắng tâm sự.
Phân tích rộng hơn về vấn đề này, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - đơn vị quản lý khai thác tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay, các tuyến đường cao tốc mới xây dựng thường chạy qua khu vực nông thôn, đồng ruộng vắng người. Đây cũng là nơi các đối tượng lông bông thường xuyên tụ tập, bày ra nhiều trò phá hoại. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, những trò nghịch dại của các thiếu niên đó liệu có chấm dứt hay chúng lại được đà lấn tới. “Xe đang chạy với tốc độ cao nếu gặp sự cố rất dễ bị mất lái, có thể kéo theo tai nạn liên hoàn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”. Ông Trần Anh Tú lo lắng.
* Khó xử lý triệt để
Theo luật sư Phạm Hồng Bách, Công ty luật Bross và cộng sự cho biết: Điều 12, Bộ luật Hình sự quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng .” Vụ việc các học sinh ném đá vào xe ôtô trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng gây thiệt hại ước tính khoảng hơn 160 triệu đồng. Hành vi này đã phạm vào tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ”, với tình tiết định khung là “ gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng ”, khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, đây mới chỉ là trường hợp phạm tội nghiêm trọng.
“Theo các quy định nêu trên, các đối tượng vi phạm đều dưới 16 tuổi nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Điều 89 và Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012”, luật sư Bách nhấn mạnh.
Như vậy, dẫu muốn xử lý mạnh tay để làm gương cho các đối tượng khác cũng rất khó thực hiện do “vướng” phải quy định của pháp luật. Một trong những giải pháp khả quan nhất thời điểm này được đưa ra vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các đối tượng trong lứa tuổi vị thành niên.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cho biết, sẽ phối hợp với phòng Tuyên truyền, Cục cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới các gia đình có con em đang tuổi học sinh để nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như sự nguy hiểm trong việc vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Trung tá Đoàn Thanh Phúc, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 2, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết sẽ tiếp tục tuần tra kiểm soát chặt chẽ vào ban đêm, để phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi phá hoạt gây ảnh hưởng đến người và tài sản lưu thông trên cao tốc.
Đại diện đơn vị khai thác, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam cho biết, để ngăn chặn tình trạng ném đá vào phương tiện, Công ty đã đầu tư gắn thêm nhiều camera trên các trục đường, đặc biệt là khu vực cầu treo và những nơi xa dân cư; đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm sát hành lang an toàn giao thông, bổ sung nhân lực dọn dẹp sạch sẽ gạch đá hai bên đường tránh trường hợp các đối tượng xấu lại “buồn tay” mà gây ra hành động xấu.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tú khẳng định sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền tại trường học, trên loa phát thanh, phát tờ rơi… nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên hiểu được hành vi nhảy qua hàng rào bảo vệ, ném đá vào phương tiện không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.
Việc không thể xử lý hình sự do pháp luật quy định là một trở ngại rất lớn nhằm giải quyết tình trạng gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu để đưa ra chế tài phù hợp nhằm ngăn chặn triệt để những hiểm họa khó lường có thể xảy ra, giúp người dân yên tâm hơn khi tham gia giao thông./.