Trong những năm gần đây, tình trạng mua và sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) không do cơ quan có thẩm quyền cấp - GPLX giả diễn ra khá nhiều. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời gây nhiều ảnh hưởng xấu đến xã hội, vì vậy cần lên án và có giải pháp triệt tận gốc nạn mua bán, sử dụng GPLX giả.
Dễ dàng mua… bằng
Theo giới thiệu của một người bạn, chúng tôi nhắn tin đến một số điện thoại 0848468*** và đặt vấn đề mua GPLX hạng B1. Ngay lập tức, chúng tôi nhận được phản hồi với mức giá 1,2 triệu đồng. Tiện thể, họ còn giới thiệu thêm: Chỗ em nhận làm GPLX máy, tô tô, hạng nào cũng có. Ngoài ra, còn có làm các loại bằng cấp 3, trung cấp, cao đẳng, đại học cùng các loại giấy tờ, chứng chỉ theo nhu cầu, đảm bảo y như thật, không bị phát hiện.
Đồng thời, người này cũng báo giá từng loại giấy tờ. Tùy vào từng loại giấy tờ, có các mức giá khác nhau, từ 200 nghìn đến 2 triệu đồng. Người có nhu cầu làm các loại giấy tờ này chỉ cần gửi những thông tin cần thiết vào địa chỉ email được cung cấp, rồi giấy tờ sẽ được chuyển đến tận nơi, khi giao “hàng” mới thu tiền…
Hiện nay, hình thức làm giả GPLX này khá phổ biến, các đối tượng chuyên làm giả ngang nhiên nhắn tin vào điện thoại hoặc đưa lên trang mạng xã hội để quảng cáo, mời chào.
Chị Nguyễn Phương Chung, tổ 8, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) bức xúc nói: Có thời điểm, cứ cách 2-3 ngày, tôi lại nhận được tin nhắn mời làm các loại giấy tờ giả, trong đó có GPLX. Họ còn nhắn luôn cả số điện thoại để liên hệ nếu có nhu cầu. Việc làm phi pháp mà họ quảng cáo rất ngang nhiên.
Cũng giống như chị Chung, anh Nguyễn Hoàng Long, tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ, cho biết: Những lời quảng cáo thì đủ kiểu, nào là hỗ trợ 24/24h; GPLX giả như thật, bao soi, bao quét mã QR…
Việc mua được tấm GPLX giả khá đơn giản, chỉ cần liên hệ với một trong những số điện thoại nhắn tin quảng cáo, hoặc chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “làm GPLX giả” là chúng ta có ngay hàng loạt địa chỉ cung cấp. Việc quảng cáo tràn lan, ngang nhiên GPLX giả trên thị trường gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Đội trưởng Đội xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: Có cung ắt có cầu, người sử dụng GPLX giả có 2 kiểu đó là: Không học, không thi mà mua GPLX và người có GPLX nhưng muốn nhân ra nhiều bản để sử dụng.
Từ năm 2019 đến nay, Phòng CSGT đã phát hiện trên 50 trường hợp sử dụng GPLX giả. Đây mới là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lẽ, từ trước tới nay, chưa có cuộc tổng kiểm tra nào trên diện rộng để phát hiện, xử lý người sử dụng GPLX giả. Đa phần những trường hợp sử dụng GPLX giả nói trên khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra giấy tờ, mới phát hiện được.
Những hệ lụy
Người mua và sử dụng GPLX giả có nhiều lý do khác nhau, phần lớn chưa học lái xe tại các trung tâm đào tạo đủ điều kiện, hoặc có học nhưng chưa thi, thi trượt... Vì vậy chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, chi phí cũng là một nguyên nhân, để sở hữu một tấm GPLX hạng B2 do cơ quan chức năng cấp, phải tham gia học và thi sát hạch với chi phí trên 10 triệu đồng, còn mua GPLX chỉ mất từ 2-4 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu như tham gia học và sát hạch, người học sẽ mất ít nhất 3 tháng, trong khi mua GPLX giả chỉ mất vỏn vẹn 1 ngày. Một nguyên nhân nữa là theo quy định, người tham gia học lái xe phải đủ các điều kiện về sức khỏe, tuổi đời, trong khi mua GPLX thì không cần.
Vì những yếu tố trên, nên thay vì tham gia khóa đào tạo lái xe nhiều người đã liều mua GPLX giả, đặt làm giả, hòng qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.
Trường hợp V.T.A, sinh năm 1995, cư trú tại xã Bản Ngoại (Đại Từ) là một ví dụ. Tháng 7-2021, qua tuần tra, lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện lái xe ô tô 20C-17664 vi phạm Luật Giao thông đường bộ, sau khi kiểm tra, ngoài một số lỗi vi phạm, tài xế này trình GPLX số: 190200017956, mang tên V.T.A, cấp ngày 02/11/2020. Bằng kinh nghiệm, lực lượng CSGT phát hiện một số điểm nghi vấn, từ đó đã gửi công văn đề nghị Sở Giao thông - Vận tải xác minh. Sau khi kiểm tra thông tin hồ sơ giấy phép lái xe, Sở Giao thông - Vận tải trả lời Sở không cấp GPLX có số và tên như trên.
Dù là lý do gì, người điều khiển các phương tiện giao thông loại nào mà chưa có GPLX tương ứng, nghĩa là chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông đó; chưa đủ nhận thức về pháp luật cũng như kỹ năng lái xe, xử lý các tình huống trên đường.
Chính vì thế, việc sử dụng GPLX giả chắc chắn đã và sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh xảy ra gần 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, bị thương 90 người. Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn sử dụng GPLX giả.
Nghiêm trọng hơn, việc mua, sử dụng GPLX giả là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các đối tượng làm giả giấy tờ, trục lợi bất chính, gây ra những tiêu cực, bức xúc trong xã hội.
Cần xử lý tận gốc
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh khẳng định: Bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng CSGT không khó để phát hiện ra đâu là GPLX giả mặc dù chúng được làm bằng kỹ thuật sao chụp chữ ký, dấu tròn khá tinh vi. Tuy nhiên, quy trình thực hiện, chúng tôi vẫn phải xác minh ở cơ quan cấp GPLX.
Hiện nay, những trường hợp sử dụng GPLX giả bị áp dụng xử phạt lỗi không có GPLX với chế tài xử phạt khá nhẹ nhàng. Mức phạt hành chính từ 800 nghìn đồng đến 6 triệu đồng, tùy từng loại phương tiện, đồng thời tịch thu GPLX. Mức xử phạt này chỉ có thể giải quyết được “phần ngọn” mà không thể truy ra nơi sản xuất, nhằm triệt phá tận gốc những ổ, nhóm, đường dây cung cấp GPLX giả.
Để giải quyết tận gốc tình trạng mua, bán, sử dụng GPLX giả, trước tiên cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, mở đợt kiểm tra chuyên đề về GPLX nhằm phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX giả, từ đó có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, lực lượng CSGT và cơ quan điều tra cần phối hợp chặt chẽ để làm rõ các ổ, nhóm, đường dây cung cấp GPLX giả để triệt phá tận gốc.
Pháp luật quy định, người sử dụng GPLX có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự ở một số trường hợp. Ngoài ra, người làm giả GPLX cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và có thể bị truy tố cả tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có những biểu hiện lừa đảo.
Một giải pháp không thể thiếu nữa là tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của việc mua và sử dụng GPLX giả, các hình thức xử lý, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Cùng với cố gắng của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, sử dụng GPLX đúng quy định theo loại xe mình điều khiển đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông an toàn, tránh để tiền mất, tật mang, làm ảnh hưởng xấu cho cộng đồng…