Kháng nghị phúc thẩm hình sự là một trong những quyền năng pháp lý quan trọng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND). Thông qua thực hiện chức năng này, nhiều bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm hoặc thiếu sót đã được Viện KSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên kháng nghị và được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, đảm bảo đúng tội danh và khung hình phạt.
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện KSND cùng cấp về việc tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Nam ở xã Trung Hội (Định Hóa) với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Cụ thể, vào ngày 29-11-2020, Nam không có bằng lái theo quy định và đã uống rượu nhưng vẫn điều khiển ô tô BKS 20A-384.40 chạy tốc độ cao, lấn làn và đâm vào xe mô tô do anh Lý Việt Phúc điều khiển, chở phía sau là cháu Lý Hải Uy. Địa điểm xảy ra tai nạn là khu vực tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Hậu quả, cả anh Phúc và cháu Uy đều tử vong sau đó, các phương tiện bị hư hỏng nặng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND huyện Định Hóa tuyên phạt Bùi Văn Nam 6 năm tù giam. Tuy nhiên, xét thấy hành vi của bị cáo Nam là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng và tài sản người khác, qua công tác kiểm sát bản án, Viện KSND tỉnh cho rằng tòa án sơ thẩm đã bỏ lọt tình tiết định khung tăng nặng; đề nghị áp dụng thêm điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt bị cáo Bùi Văn Nam.
Tương tự, Viện KSND huyện Phú Lương cũng vừa có kháng nghị phúc thẩm hình sự đối với bản án của bị cáo Trần Thị Loan về tội “trộm cắp tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, tháng 10-2019, nhóm 4 người gồm: Trần Thị Loan, Trần Văn Ninh, Nguyễn Thị Anh và Lê Thị Thùy Dương thực hiện hành vi trộm cắp hơn 4 tấn than thành phẩm của Mỏ than Phấn Mễ (có trị giá khoảng 13,7 triệu đồng) thì bị phát hiện, bắt quả tang.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Loan bị tuyên phạt 18 tháng tù giam. Qua nghiên cứu các tình tiết, Viện KSND huyện Phú Lương cho rằng: Mức án của Trần Thị Loan là đúng người, đúng tội và tương xứng với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo là phụ nữ có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không cần thiết phải cách ly với xã hội. Do vậy đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm và đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm cho bị cáo Loan được hưởng án treo…
Từ đầu năm tới nay, Viện KSND hai cấp trong tỉnh kháng nghị phúc 9 bản án sơ thẩm hình sự, trong đó 7 trường hợp đã xử phúc thẩm; toàn bộ đều được TAND tỉnh chấp thuận kháng nghị.
Bà Đàm Thị Hoàn, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (phòng 7) VKSND tỉnh cho rằng: Để đảm bảo chất lượng công tác kháng nghị đòi hỏi kiểm sát viên phải có trình độ nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải xem xét đối chiếu giữa kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, nhất là xem xét, đối chiếu nội dung bản án về tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Không chỉ trực tiếp tham gia kháng nghị, lãnh đạo Viện KSND tỉnh cũng phân công những kiểm sát viên có năng lực giải quyết những vụ án phức tạp; yêu cầu kiểm sát viên cấp tỉnh phụ trách địa bàn phối hợp với Viện KSND cấp huyện kiểm sát chặt chẽ các bản án và việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Việc xác định chính xác, kịp thời những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và nội dung bản án sẽ là căn cứ để báo cáo lãnh đạo Viện KSND xem xét, quyết định kháng nghị hay không theo thủ tục phúc thẩm. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm sát viên nhằm nâng cao kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của TAND, bảo đảm việc xét xử được chính xác, công bằng và theo đúng quy định của pháp luật.