Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021, là một giải pháp, tạo cơ chế pháp lý để các đương sự tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính. Sau gần 1 năm triển khai áp dụng Luật, tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh đã từng bước triển khai, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp. Từ đó dần khẳng định được tính ưu việt của Luật cũng như đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của Ngành về cải cách hành chính tư pháp.
Ông Lương Văn Hiển, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Ngay từ trước khi Luật có hiệu lực thi hành, TAND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản có liên quan dưới nhiều hình thức như: Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan báo chí xây dựng nội dung bài viết tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tòa án hai cấp…
TAND tỉnh đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chuẩn bị nhân sự như: Tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm hòa giải viên tại tòa để triển khai Luật theo chỉ đạo của TAND tối cao; thành lập 10 hội đồng tư vấn tuyển chọn hòa giải viên.
Theo đó, Chánh án TAND tỉnh đã ra quyết định bổ nhiệm 22 hòa giải viên tại TAND 2 cấp của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, các hòa giải viên của TAND 2 cấp đã thực hiện hòa giải nhiều vụ việc có kết quả tích cực. Hàng trăm vụ việc tranh chấp, khiếu kiện dân sự đã được hòa giải, đối thoại thành công.
Tính đến hết tháng 9-2021, TAND 2 cấp của tỉnh đã hoàn giải thành theo Luật Hòa giải, đối thoại trên 150 vụ việc. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt áp lực công việc xét xử cho tòa án.
TAND huyện Đồng Hỷ là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt Luật Hòa giải, đối thoại thời gian qua. Tính đến hết tháng 9-2021, TAND huyện đã thụ lý, giải quyết 60 vụ việc dân sự, trong đó, ra quyết định công nhận hòa giải thành công 32 vụ việc.
Vụ việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản giữa ông T.V.H. (trú tại xóm Bảo Nang) và ông L.C.S (trú tại xóm Cầu Đã) cùng thuộc xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) là một ví dụ. Sau khi nhận được đơn khởi kiện của ông H. nhận thấy sự việc đủ điều kiện để giải quyết theo Luật Hòa giải, đối thoại, TAND huyện đã hướng dẫn công dân lựa chọn hòa giải thể giải quyết. Lúc đầu đến tòa, hai bên tỏ ra khá căng thẳng. Tuy vậy, sau khi được tuyên truyền, giải thích về sự hơn thiệt, phân tích một cách thấu tình, đạt lý, hai bên đã tự thống nhất, giải quyết vụ việc một cách ôn hòa.
Chia sẻ về công việc của một hòa giải viên, ông Vũ Tiến Dũng, Hòa giải viên TAND huyện Đồng Hỷ cho biết: Đối với từng vụ việc, hòa giải viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ cũng như các quy định của pháp luật liên quan trước khi tiến hành hòa giải. Trong quá trình hòa giải cần làm sao cho các bên thấy rõ những lợi ích thiết thực của việc hòa giải so với “cái mất” khi phải xét xử, từ đó các bên thống nhất lựa chọn hòa giải.
Một điển hình nữa trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải đối thoại là TAND huyện Đại Từ. Ông Đào Ngọc Hài, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đại Từ thông tin: Tính đến ngày 30-9-2021, chúng tôi đã tiến hành hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại 131 vụ việc. Trong đó, trên 70 vụ việc đã được hòa giải thành. Khi hòa giải thành công, thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thỏa thuận dân sự giữa các bên. Quyết định này có giá trị pháp lý như một một bản án mà không phải tiến hành các bước tố tụng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lương Văn Hiển khẳng định: Nếu như trước đây, khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chưa được thi hành, các vụ việc đều được đưa ra phiên tòa xét xử, thì nay hòa giải, đối thoại đã trở thành một lựa chọn tốt cho đương sự đối với những vụ việc đủ điều kiện giải quyết. Việc hòa giải, đối thoại không yêu cầu phải trải qua đầy đủ các bước, thủ tục tố tụng như xét xử nên giúp giải quyết vụ việc nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, của Nhà nước.
Cũng theo ông Lương Văn Hiển, không những vậy, hòa giải, đối thoại còn góp phần hóa giải mâu thuẫn, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội. Bởi bản chất của hòa giải, đối thoại là dành quyền tự quyết, tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện cho các bên. Hòa giải viên chỉ đóng vai trò trợ giúp cho các bên như phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án giải quyết vụ việc, hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.