Phòng, chống tham nhũng: Không có “vùng cấm”

07:07, 22/11/2021

Cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có “vùng cấm”. Nguyên tắc này trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhằm “chặt đứt” gốc rễ tham nhũng.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Một số vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên, người có chức vụ đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong 2 năm 2014, 2015, Phạm Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã chỉ đạo rút ngắn thời gian, thời lượng học nghề của 31 lớp nghề. Lộc cùng 8 cán bộ của Trung tâm có hành vi tạo lập giả mạo, khai gian tài liệu kế toán để thanh quyết toán chi phí 31 lớp nghề cho đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp để rút số tiền chênh lệch trên 679 triệu đồng chi tiêu, sử dụng vào việc khác trái quy định của Nhà nước.

Hành vi của các đối tượng trên đã vi phạm Luật Kế toán, hao tổn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đào tạo nghề dành cho các đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mới đây, vụ án đã được đưa ra xét xử, 9 đối tượng đã nhận các bản án thích đáng.

Ngày 17-6-2021, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử công khai vụ án tham ô tài sản tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam có trụ sở tại phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên. Dựa vào nhiệm vụ được giao, từ tháng 3 đến tháng 6-2019, Tạ Thị Hoa, Nguyễn Tiến Huy và Vũ Văn Khá là nhân viên của Công ty TNHH Glonics đã thống nhất cùng nhau lập chứng từ thanh toán khống việc mua nguyên liệu sản xuất là các loại hạt nhựa nguyên sinh, chiếm đoạt số tiền thanh toán của Công ty trên 2.139 triệu đồng.

Hành vi phạm tội của các đối tượng này là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, Tạ Thị Hoa nhận bản án 17 năm tù; Vũ Văn Khá 10 năm tù và Nguyễn Tiến Huy 8 năm tù.

Trong năm qua, các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, án tham nhũng đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời. Năm 2021 (tính đến 30-9-2021), Tòa án hai cấp trong tỉnh thụ lý 11 vụ với 29 bị cáo; số tiền các bị cáo chiếm đoạt, gây thất thoát là trên 4,5 tỷ đồng; đã xét xử 7 vụ với 24 bị cáo; số tiền đã thu hồi được đến thời điểm xét xử là trên 3,5 tỷ đồng. Còn 4 vụ với 5 bị cáo, Tòa án hai cấp đang thụ lý, chuẩn bị xét xử.

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và nhiệm vụ của công tác nội chính PCTN được cụ thể hóa trong Nghị quyết lần thứ XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020”; mới đây là Đề án số 01-ĐA/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2021-2025”.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được thực hiện một cách đồng bộ. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

9 tháng năm 2021, ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 951 cuộc thanh, kiểm tra; phát hiện 688 cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm; kiến nghị xử lý về kinh tế gần 11 tỷ đồng.

5 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp… đã ban hành 350 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thanh tra; đã tổ chức 827 cuộc thanh tra, trong đó có 735 cuộc theo kế hoạch và 92 cuộc đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện tổng số sai phạm về kinh tế trên 134 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi trên 84 tỷ đồng; xử lý khác (phạt vi phạm hành chính, giảm trừ quyết toán) trên 50 tỷ đồng; phát hiện sai phạm về đất đai là 117.531,7m2 đất; đã xử lý về kinh tế trên 126 tỷ đồng, trong đó thu hồi vào ngân sách nhà nước trên 76 tỷ đồng, về đất đai đã xử lý xong; phát hiện 6 vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, dấu hiệu tội phạm khác và đã chuyển cơ quan điều tra.

Căn cứ mức độ sai phạm của các tập thể, cá nhân, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm minh. Cụ thể: Về kỷ luật đảng đã kỷ luật Khiển trách 2 tập thể; về cá nhân xử lý kỷ luật 28 trường hợp (Khiển trách 16; Cảnh cáo 6; Khai trừ 6), 32 cá nhân bị xử lý kỷ luật về chính quyền; xử lý hình sự 2 vụ, 13 đối tượng.

Điều đáng ghi nhận là trong công cuộc đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các cơ quan chức năng còn có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin, tố cáo các sai phạm, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng trên địa bàn.