Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp và tinh vi. Thông qua mạng xã hội, các ứng dụng gọi và gửi tin nhắn miễn phí như: Zalo, Facebook hay các trò games cùng vô vàn trang mạng trên Internet, người dùng dễ dàng trở thành “miếng mồi” cho các đối tượng xấu. Điều này gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nhiều đến an ninh trật tự.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nơi phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội; người dân ít ra ngoài, thiếu thông tin và có nhiều thời gian “lang thang” trên mạng. Điều này cũng khiến không ít trường hợp bị các đối tượng xấu “bày binh bố trận” lừa đảo.
Chiêu trò cũ vẫn nhiều người “sập bẫy”
Mặc dù truyền thông, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã có nhiều cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua Internet và mạng xã hội, trong số đó có nhiều chiêu trò không mới. Tuy nhiên, số lượng nạn nhân “mắc bẫy” trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng gia tăng.
Tháng 8-2021, chị M.T.S, trú tại huyện Định Hoá đến trình báo cơ quan công an về việc bị lừa đảo do vay tiền qua mạng “Netfin credit”. Cụ thể, ban đầu bên cho vay yêu cầu chị đặt cọc 8 triệu đồng để giải quyết thủ tục khoản vay 80 triệu đồng. Chị S. đồng ý và đã chuyển vào tài khoản cá nhân có tên “Vu Thị Thu Tram”. Với nhiều lý do khác nhau, bên cho vay tiếp tục yêu cầu chị chuyển nhiều lần tiền, tổng cộng là 128 triệu đồng.
Tương tự, tháng 11-2021, anh D. trú tại phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) tải ứng dụng “Cho vay dễ dàng vay nhanh” vào điện thoại di động và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục vay 40 triệu đồng. Hoàn tất cài đặt ứng dụng, anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự nhận là nhân viên Công ty CP Thương mại tài chính Sao Mai StarCredit và hướng dẫn cách hoàn thiện hợp đồng.
Ngày 06-11, anh D. kết bạn với tài khoản Zalo của đối tượng trên và làm theo hướng dẫn. Sau đó, đối tượng yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục vay tiền; do tin tưởng nên anh đã chuyển tổng số 88 triệu đồng đến số tài khoản mang tên Khổng Thị Tuyết…
Cùng với thủ đoạn nói trên, các hình thức lừa đảo giả danh cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát; người nước ngoài kết bạn, nhắn tin qua mạng xã hội; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng…dù là chiêu trò đã có từ lâu nhưng vẫn có không ít nạn nhân mắc bẫy.
Mới đây, trên địa bàn T.P Thái Nguyên liên tiếp xảy ra một số vụ việc người dân bị mắc lừa như vậy. Cụ thể, từ ngày 10-10, chị L., (xã Quyết Thắng) có quen và thường xuyên nói chuyện qua mạng xã hội với một người đàn ông xưng tên là Eng Frank White đang làm việc tại Canada. Ngày 01-11, đối tượng nói đã gửi tặng một gói hàng cho chị L. Sau đó, chị nhận được điện thoại của một người tự nhận là nhân viên công ty chuyển phát nhanh quốc tế yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà. Do tin tưởng nên chị L. đã chuyển tổng số tiền 105 triệu đồng đến tài khoản tên “Tu Huynh Quang”.
Cũng trong tháng 10, bà N.T.N. (phường Trưng Vương) nhận được điện thoại từ số thuê bao 0844.789.317 tự xưng là nhân viên bưu cục Đà Nẵng phát hiện bà có gửi bưu kiện sang nước Anh, trong đó có nhiều thẻ tín dụng nên cơ quan điều tra giữ lại để xác minh. Sau đó là các cuộc điện thoại của nhiều đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát đề nghị bà N. cung cấp thông tin cá nhân. Đến ngày 14-10, tài khoản zalo “Trần Đức Dương” nhắn tin yêu cầu bà N. gửi tiền tiết kiệm của mình đến số tài khoản “Dinh Van Hieu” để xác minh. Bà N. tưởng thật nên đã đến chi nhánh Viettel (T.P Thái Nguyên) chuyển toàn bộ số tiền 56 triệu đồng mình có vào tài khoản trên.
Phát sinh nhiều thủ đoạn mới
Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thủ đoạn mới càng phát sinh nhiều; hoặc vẫn chiêu trò cũ nhưng kẻ gian thực hiện tinh vi hơn để tạo dựng lòng tin của người dân, khiến họ tự rơi “vào bẫy”.
Mới đây nhất, ngày 26-11, anh Đ.C.T (Đại Từ) đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) trình báo về việc nhận điện thoại của một đối tượng thông báo mình thuộc diện hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Người này gửi một tin nhắn vào điện thoại di động anh T. có nội dung: “Bạn đã đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, kèm một đường link, yêu cầu anh truy cập và khai báo tài khoản ngân hàng. Khi anh T. nhấn vào liên kết nói trên thì xuất hiện một trang web giả mạo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Anh điền thông tin cá nhân, tài khoản và mật khẩu ngân hàng rồi nhấn đăng nhập. Trang web giả này kiểm tra thông tin ngân hàng của anh T. và tiếp tục yêu cầu gửi mã OTP. Khi anh gửi mã thì chỉ chưa đầy 2 phút, số tiền gần 2 tỷ của mình có trong tài khoản đã bị rút toàn bộ.
Kể lại quá trình mình bị lừa, ông B.Q.U, 74 tuổi (phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên) vẫn không khỏi choáng váng. Cụ thể, vào tháng 8-2021, ông nhận điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an thông báo về việc bản thân liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền; yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra, xác minh tài khoản ngân hàng.
Ngay sau đó, ông U. đến chi nhánh ngân hàng Vietinbank tại phường Trung Thành chuyển số tiền 115 triệu đồng vào tài khoản có tên Phan Thi Dieu Anh. “Khi nhận được cuộc gọi tôi rất hoang mang. Chúng còn kết bạn qua mạng xã hội để gửi những giấy tờ như lệnh bắt bị can. Tôi đọc thấy có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có suy nghĩ làm theo để chứng minh mình không vi phạm pháp luật, ai ngờ…” - ông B.Q.U cho biết.
Theo một số chuyên gia công nghệ, lừa đảo qua tin nhắn kèm đường link đăng nhập (còn gọi là tấn công giả mạo) là một trong những hình thức phổ biến nhất trên mạng hiện nay. Theo đó, kẻ xấu sẽ tạo website có giao diện giống hệt trang chính thức của các tổ chức ngân hàng, dịch vụ tài chính, ví điện tử... để đánh lừa người dùng nhập thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu đăng nhập.
11 tháng năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã tiếp nhận 10 vụ việc (10 bị hại) đến trình báo về việc bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. |
Từ những thông tin này, chúng có thể thực hiện giao dịch chuyển hay rút tiền bất hợp pháp. Để tăng tính thuyết phục, kẻ xấu thường không chỉ giả mạo website, mà còn soạn tin nhắn, email, đôi khi cả cuộc gọi trực tiếp cho nạn nhân để tạo sự tin tưởng.
Thượng tá Vương Phạm Hoà, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khuyến cáo: Khi thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, người dân hết sức thận trọng và tỉnh táo. Đặc biệt không truy cập vào đường link, trang web độc hại do các đối tượng cung cấp. Cơ quan công an, cơ quan nhà nước có yêu cầu làm việc với người dân thì sẽ gặp trực tiếp, không liên hệ bằng cách gọi hay nhắn tin qua mạng xã hội, mạng viễn thông.
(Còn nữa)