Ma trận “cạm bẫy” online (kỳ 2): Vay tiền qua mạng - coi chừng tín dụng đen

10:39, 03/12/2021

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay có nhiều biến tướng phức tạp hơn. Nổi lên là chiêu thức cho vay tiền thông qua các ứng dụng trái phép trên mạng xã hội với nội dung chào mời vô cùng hấp dẫn khiến nhiều người lao đao, lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”.

Nhan nhản app vay tiền

Vay tiền giờ quá dễ! Nhận định đó có phần nào đúng với các hình thức cho vay tín dụng online. Một vài năm trở lại đây, các app (ứng dụng) cho vay tiền trên điện thoại di động và trên các website nở rộ như nấm mọc sau mưa rào.

Hầu hết ứng dụng này thường có thông điệp gây sự chú ý như: “Không đi xa, vay tại nhà”, “vay tiền nhanh trong ngày online”, “có tiền mặt 30 phút”. Thủ tục thì rất đơn giản, người vay chỉ cần tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân gồm hình ảnh, hình chụp chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), số tài khoản ngân hàng và đồng ý các điều kiện trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn…

Điều hấp dẫn hơn cả là mức lãi suất thấp hơn ngân hàng, miễn phí tư vấn và dịch vụ, gần 100% hồ sơ được giải ngân. Thế nhưng, thi đăng ký vay tại các trang web này, nhiều người mới “chết đứng” bởi lãi suất cao “cắt cổ”.

Cho vay ngang hàng (P2P lending) là cách cho vay trực tiếp giữa người vay và người cho vay thông qua nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến mà không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng.

Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động này. Bất kỳ tổ chức tài chính nào muốn thực hiện cho vay qua app đều phải có giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã sử dụng một tài khoản mạng xã hội Facebook để tìm hiểu trình tự, thủ tục vay tiền online. Đăng một đoạn thông tin ngắn lên nhóm với nội dung: Do dịch COVID-19 nên bị mất việc và có nhu cầu vay vốn thủ tục nhanh gọn, lập tức chúng tôi nhận được nhiều tin nhắn hướng dẫn tải ứng dụng vay tiền về điện thoại.

Thử cài đặt một ứng dụng có tên “Sieudong”, app này yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí để tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ; hình chụp giấy tờ tùy thân và khuôn mặt trên ứng dụng này để đối chiếu. Số tiền được vay là từ 8-10 triệu đồng. Cài đặt tới đây, chúng tôi từ chối các điều khoản và xoá ứng dụng.

Từng vay tiền online, anh C.H.T, sinh viên một trường đại học trên địa bàn T.P Thái Nguyên chia sẻ: Nhiều người không để ý rằng, khi đã cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ thì kẻ xấu sẽ biết hết bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người vay và dùng chính những mối quan hệ này để đe dọa nếu trả nợ không đúng hạn.

Dễ vay…, dày nợ

Với mức lương công nhân chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng, chị N.T.V. phải cố gắng rất nhiều mới có thể chu toàn mọi sinh hoạt trong gia đình. Từ tiền điện, nước, thực phẩm đến đóng học phí cho 2 con. Do dịch COVID-19, công ty chỉ bố trí làm việc 50% quân số nên nguồn thu nhập của chị giảm chỉ còn một nửa. Cuộc sống vốn eo hẹp nay lại càng khó khăn hơn.

Trong thời gian ở nhà, chị V. có nhiều thời gian vào mạng và tìm hiểu một số app vay tiền. “Tôi làm hồ sơ vay 10 triệu đồng và không nghĩ thủ tục lại đơn giản như vậy. Tuy nhiên, thực tế số tiền giải ngân chỉ là hơn 7 triệu đồng. Họ giải thích rằng, số tiền gần 3 triệu giữ lại là khoản thu lãi, bảo hiểm và các loại phí liên quan. Sau thời gian một tuần tôi phải trả đầy đủ 10 triệu” - chị V. nói. Đến thời hạn, chưa có tiền để trả nên các đối tượng tiếp tục giới thiệu chị nhiều app cho vay khác để trả vào khoản nợ ban đầu.

Cũng vì cần tiền trang trải một công việc nên chị H. - một viên chức tại T.P Thái Nguyên đã vướng vào app vay “tín dụng đen”. Làm việc trong cơ quan nhà nước nên chị chỉ biết âm thầm chịu đựng mà không dám chia sẻ cùng ai. Lợi dụng điều này, đối tượng cho vay nặng lãi giới thiệu cho chị nhiều app mới. Cứ vay được app này, chị lại dùng để trả lãi các khoản trước đó. Từ vài triệu đồng ban đầu, đến nay chị H. đã vay của hơn chục app trên mạng, tổng số tiền dư nợ và lãi quá hạn lên tới hàng trăm triệu đồng. Cứ vài ngày lại bị chủ nợ đòi, bản thân chị chưa biết cách nào giải quyết và cũng không còn tâm trạng để tập trung vào công việc.

Theo quy định của Luật Dân sự và các văn bản liên quan, khi vay thì mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng trong khuôn khổ pháp luật. Thoạt nhìn các ứng dụng vay tiền, có cảm giác mọi thứ rất minh bạch: Lãi suất phù hợp với khả năng chi trả, theo quy định pháp luật. Thế nhưng, người vay lại ít để ý các chính sách liên quan như phí dịch vụ, phí quản lý...

Một số người dù tìm hiểu kỹ và biết đó là cái “bẫy” nhưng vì nhu cầu cấp thiết nên đành nhắm mắt thực hiện. Đa số những người vay có tâm thế là muốn nhanh chóng tất toán khoản vay nhưng họ quên mất là nếu trong thời gian thoả thuận, việc trả trước khoản vay cũng bị phạt với mức phạt rất cao.

Gây áp lực với khách hàng

Không chỉ đặt ra những cái bẫy với lãi suất “cắt cổ”, hình thức siết nợ khách hàng vay online ở các app cho vay cũng theo kiểu “khủng bố”, thậm chí còn tàn khốc hơn so với tín dụng đen truyền thống.

Khi cài đặt các app, khách hàng phải khai báo thông tin cần thiết, cho phép ứng dụng truy cập danh bạ, dữ liệu ảnh hay mạng xã hội. Trường hợp chậm trả theo quy định, ngoài việc liên tục gọi điện, phía cho vay hoặc bên thứ 3 là công ty đòi nợ được uỷ quyền sẽ thường xuyên làm phiền người thân, bạn bè, đồng nghiệp; tấn công vào trang mạng xã hội của người vay hoặc bạn bè liên quan bằng những bình luận, hình ảnh khiếm nhã theo kiểu xã hội đen trá hình. Ban đầu là những lời lẽ thô tục, độc ác; nếu người vay vẫn không thanh toán nợ, chúng tiếp tục dùng mạng xã hội để "tấn công" bằng cách cắt ghép hình ảnh của người vay và gia đình với hình ảnh gái mại dâm hoặc các đối tượng phạm tội để làm nhục họ. Thậm chí có trường hợp chúng sử dụng hình ảnh nạn nhân đặt lên ban thờ, cho vào quan tài hay dán cáo phó đưa lên mạng xã hội.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên: Người dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh hoạt động này. Chúng tôi khuyến nghị người dân tiếp cận qua kênh tín dụng của ngân hàng chính thống để được đáp ứng nhu cầu vay vốn, kể cả các khoản vay nhỏ phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh; tránh rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của “tín dụng đen”.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã ký quy chế phối hợp trao đổi thông tin với Công an tỉnh để kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Trở lại trường hợp chị H. chúng tôi đề cập ở trên, khi thời hạn vay quá hạn, mỗi ngày chị phải nhận hàng chục cuộc gọi đòi nợ. Không những vậy, một số đối tượng còn sử dụng “chiêu” trò gây áp lực thông qua mạng xã hội bằng cách ghép hình sex, ghi thêm dòng chữ "nhận đi khách” kèm số điện thoại để biến nạn nhân thành gái bán dâm… Hoảng loạn, chị phải khoá tài khoản Facebook, Zalo cá nhân và tới trình báo cơ quan công an. Nhưng cuộc sống của chị vẫn không được yên ổn vì bên cho vay liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa người thân của chị. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều bị đảo lộn.

Không riêng chị H., vì vướng vào vòng luẩn quẩn vay - trả - nợ nần trên app, nhiều người bị khủng hoảng tinh thần vì các đối tượng ngày đêm gọi điện, nhắn tin đe doạ đến tận nhà giết vợ/chồng con cái hoặc gây tai nạn… Vì không chịu nổi áp lực, đã có trường hợp tìm đến cái chết để được giải thoát.

(còn nữa)