Những năm gần đây, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp nằm nâng cao chất lượng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm sát viên, thanh tra viên. Trong đó, việc đào tạo thông qua tổ chức các hội thi nghiệp vụ, phiên tòa rút kinh nghiệm, thi đua sáng kiến… đã cho thấy hiệu quả cao và sát thực tế.
Chị Lê Thị Yến, chuyên viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Võ Nhai, thuyết trình nội dung thi xây dựng báo cáo án hình sự bằng sơ đồ tư duy. |
Ngành Kiểm sát tỉnh vừa tổ chức cuộc thi nghiệp vụ về xây dựng báo cáo án hình sự bằng sơ đồ tư duy. Theo đó, mỗi đơn vị cử cán bộ lựa chọn một vụ án hình sự phức tạp đã giải quyết hoặc đang thụ lý giải quyết để xây dựng sơ đồ tư duy khái quát nội dung; kết hợp các tài liệu, chứng cứ (chữ viết, âm thanh, hình ảnh, vật chứng…) để phản ánh sinh động, trực quan diễn biến vụ án.
Việc báo cáo bằng hình ảnh và video về vụ án ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo phản ánh đúng, khách quan, toàn diện các hành vi phạm tội của từng đối tượng. Ngoài thuyết trình, thí sinh còn trả lời trực tiếp các câu hỏi tình huống từ ban giám khảo.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, kiểm sát viên sơ cấp của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Phổ Yên, cho biết: Đây là dịp để chúng tôi phát huy tính chủ động, sáng tạo và biết cách ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn.
Được biết, hằng năm ngành Kiểm sát tỉnh đều tổ chức các cuộc thi nội bộ nhằm tạo sân chơi về nghiệp vụ cho kiểm sát viên và thanh tra viên. Cụ thể như: Xây dựng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (năm 2020); xây dựng cáo trạng (năm 2021); viết luận tội (năm 2022)... Đồng thời khuyến khích phong trào thi đua sáng kiến, áp dụng các chuyên đề vào thực tiễn công việc; trung bình toàn Ngành có 40-50 sáng kiến mỗi năm.
Sáng kiến “Kỹ năng phát hiện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc kinh doanh thương mại, lao động của tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Nguyên” của nhóm tác giả Phùng Đức Tiến, Lý Văn Huấn, Đỗ Quang Chung và Nguyễn Thị Lan Anh là một trong những sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả.
Ông Đỗ Quang Chung, Trưởng Phòng 10 VKSND tỉnh, cho biết: Thông qua chuyên đề, chúng tôi làm rõ thêm kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân để đề ra cách thức, biện pháp nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động của tòa án; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của viện kiểm sát. Giải pháp của sáng kiến tập trung vào nghiên cứu bản án, quyết định một cách khoa học và kết hợp các nguồn khác để kiểm sát viên phát hiện sai sót, từ đó ban hành kháng nghị phù hợp; nâng cao kỹ năng, nhận diện trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác kiểm sát các loại án.
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, trong đó nhấn mạnh đến tự đào tạo, đào tạo tại chỗ, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án, phân công kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm kèm cặp cán bộ trẻ thông qua các hoạt động nghiệp vụ như khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, hỏi cung hay dự thảo cáo trạng.
Cùng với đó, các phòng chuyên môn của VKSND tỉnh tích cực tham mưu cho lãnh đạo Viện tăng cường kiểm tra đột xuất việc lập hồ sơ kiểm sát xét xử hình sự, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát biên bản, bản án, quyết định của tòa án… để kịp thời chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn bản lĩnh, tác phong, lương tâm nghề nghiệp đã góp phần giúp ngành Kiểm sát tỉnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nhiều năm liên tục, các nhiệm vụ theo chỉ tiêu của Quốc hội, Viện KSND tối cao giao Ngành đều đạt và vượt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin