Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) của các cơ quan đã có những chuyển biến tích cực. Các bản án, quyết định của tòa án được đưa ra thi hành kịp thời, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức THADS hiện vẫn còn một số sai sót làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết vụ việc cần khắc phục.
Đại diện Chi cục THADS huyện Phú Lương và Viện Kiểm sát nhân dân huyện trao đổi nghiệp vụ, thống nhất kết luận sau kiểm sát trực tiếp của cơ quan kiểm sát. |
Một trong những hạn chế đầu tiên là công tác xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44, Luật THADS: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên tiến hành xác minh…”.
Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, một số chấp hành viên còn làm chung chung, chưa rõ ràng, đầy đủ, cụ thể về tài sản, thu nhập; không xác minh trực tiếp tại nơi có tài sản, tại địa chỉ của người phải thi hành án mà chỉ xác minh tại UBND xã, phường.
Theo quy định, đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó.
Ngoài ra, có trường hợp chấp hành viên còn chậm xác minh theo định kỳ đối với những trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành hoặc đang chấp hành án phạt tù.
Những hạn chế tiếp theo phải nói đến là việc chưa hoặc chậm thông báo quyết định thi hành cho đương sự.
Theo quy định, việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, nhưng chấp hành viên chưa thực hiện đúng. Việc chưa kịp thời kết chuyển tiền đối với những tiền tạm thu, tạm ứng án phí, chậm nộp ngân sách nhà nước hoặc chưa kịp thời lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách theo quy định cũng là hạn chế thường gặp.
Ngoài ra, vấn đề chưa kịp thời ra thông báo về việc chấp hành xong nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự đang diễn ra khá phổ biến.
Để xảy ra những hạn chế, sai sót trên có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân chủ quan là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo một số đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, chưa chủ động trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ mà chủ yếu là giải quyết những vấn đề theo đề xuất của cấp dưới. Công tác kiểm tra vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tự kiểm tra.
Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa chủ động trong công việc, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Việc phối hợp giữa chấp hành viên và các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ, thiếu sự chủ động, còn có biểu hiện ngại va chạm...
Nguyên nhân khách quan một phần là do một số quy định về trình tự, thủ tục THADS còn chưa thực sự tinh gọn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác THADS trong giai đoạn hiện nay.
Trong thực tế, nhiều trường hợp qua xác minh đương sự không có điều kiện thi hành án, có trường hợp đi khỏi địa phương không xác định được nơi cư trú mới hoặc họ có tài sản nhưng không đủ để đảm bảo thi hành và chưa đủ điều kiện để được đưa ra xem xét miễn, giảm thi hành án.
Chưa kể, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là người phải thi hành án chưa cao. Nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Trước những hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên, ngành THADS tỉnh đã phân tích, nhận định, đánh giá và đưa ra những giải pháp khắc phục. Trước hết là thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để tổ chức thi hành án ngay sau khi nhận được bản án, quyết định của toà án; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ án phức tạp, tồn đọng, kéo dài, những vụ án lớn.
Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như đánh giá, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực nhiệm vụ. Chú trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra trong hoạt động nội bộ đơn vị, việc thực hiện công vụ của công chức, đặc biệt là kiểm tra việc phân loại án và tiến độ tổ chức thi hành án nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Các cơ quan THADS tiếp tục duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành, đồng thời tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo THADS để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Ngoài ra, một trong những vấn đề cốt lõi là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII), Cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó là luôn chú trọng phát huy dân chủ, sức mạnh tập thể và tăng cường đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị…
Khi những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả thì những hạn chế, sai sót tất yếu sẽ được khắc phục, đẩy lùi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin