Thời gian qua, việc quản lý mạng xã hội (MXH) và các nền tảng xuyên biên giới đang gặp không ít khó khăn. Mới đây, khi kiểm tra MXH Tiktok tại Việt Nam, chúng ta mới giật mình thấy rằng, có một thực thể thứ ba là Tiktok Singapore đang trực tiếp vận hành việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Vì thế, việc kiểm soát MXH và các nền tảng xuyên biên giới không hề đơn giản. Do vậy cần phải siết chặt quản lý với các chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính pháp lý cao.
Vẫn xin lấy trường hợp của Tiktok Việt Nam làm ví dụ. Sau khoảng 5 tháng kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã có kết luận chính thức đối với hoạt động của Tiktok tại Việt Nam.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tiktok Singapore khi cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đã vi phạm quy định về lưu trữ thông tin, khiến xuất hiện các thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động, thông tin gây hại cho trẻ em. Quy trình kiểm duyệt của nền tảng này chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Tóm lại, Tiktok đã vi phạm một số quy định hiện hành về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…
Cùng với Tiktok, các nền tảng MXH khác cũng có những lỗ hổng nhất định khiến cho việc kiểm soát thông tin xấu, độc gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường các biện pháp rà quét, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Gần đây, Bộ này đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, Tiktok… ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, nhiều nhóm có nội dung thiếu lành mạnh và không ít tài khoản giả mạo tổ chức, cá nhân. Đồng thời cũng ngăn chặn các kênh phản động, không cho truy cập từ Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Google đã gỡ hơn 4.900 video vi phạm trên Youtube, chặn 2 kênh Youtube phản động; Tiktok đã chặn và gỡ gần 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, tiêu cực, trong đó có gần 200 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta; Facebook đã chặn và gỡ bỏ trên 2.260 bài viết đăng thông tin sai sự thật, chống phá cách mạng, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức và 8 tài khoản chuyên đăng các nội dung xuyên tạc, gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn…
Để quản lý một cách chặt chẽ, bài bản các nền tảng xuyên biên giới và MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định mới trình Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý, nghị định yêu cầu tất cả các MXH trong nước và xuyên biên giới phải xác thực người dùng, cung cấp thông tin xác thực người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Chỉ các tài khoản đã xác thực mới được viết bài, bình luận, livestream. Chủ MXH chịu trách nhiệm xác thực người dùng, quản lý nội dung livestream và có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, nhất là đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới mọi hình thức.
Có thể nói, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kỹ thuật, kinh tế, truyền thông và cả ngoại giao để đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới và MXH phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đáp ứng ở mức cao nhất các yêu cầu về ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến uy tín tập thể, cá nhân và an ninh, an toàn mạng quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin