Tình trạng tội phạm liên quan đến hành vi làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có xu hướng gia tăng, phức tạp. Đáng chú ý là sự tinh vi của các đối tượng phạm tội khi sử dụng công nghệ hiện đại để “hô biến” giấy tờ giả giống y như thật, đáp ứng yêu cầu của người mua, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng công chứng trong việc xác minh thật - giả.
Công an TP. Thái Nguyên lấy lời khai đối tượng trong vụ án liên quan đến sử dụng giấy tờ, tài liệu giả. |
Có "bằng đại học" sau 2 ngày
Trở lại quá trình thâm nhập vờ mua bằng đại học giả chúng tôi đề cập ở bài trước, ngoài những lời ngon ngọt mời chào, nhóm phóng viên được tài khoản Facebook “Nguyễn Ánh” cam kết chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng, sau 2 ngày có ngay bằng đại học như thật không phải thi cử, miệt mài học tập vất vả, tốn kém trong 4-5 năm.
Khai thác thêm thông tin từ một số tài khoản chuyên mua bán giấy tờ giả, chúng tôi được biết: Để đảm bảo thời gian giao hàng cho khách được nhanh nhất, các đối tượng thường có liên kết sẵn với những “lò” chuyên sản xuất, làm giả giấy tờ. Khi nhận được thông tin của khách, người bán nhanh chóng chuyển về “lò” để thiết kế theo yêu cầu của người mua. Không chỉ bằng đại học, mà ngay cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ nếu người mua muốn, các đối tượng cũng có thể giao hàng sau 2 ngày.
Tin nhắn “chào hàng” của đối tượng cung cấp giấy tờ giả với phóng viên. |
Riêng một số giấy tờ như giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, giấy nghỉ việc... thậm chí người mua nhận ngay sau vài tiếng đặt hàng. Sở dĩ có thể làm giả nhanh như vậy vì đây là “mặt hàng” có sẵn và dễ cung cấp nhất.
Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0585.869.***, được để công khai trong nhóm Facebook “Giấy khám sức khỏe nhanh”, sau vài hồi chuông, một nam thanh niên nghe máy. Biết chúng tôi muốn mua giấy khám sức khỏe nhận ngay trong ngày, người này đồng ý và đề nghị cho địa chỉ tại Hà Nội để mang đến, nhận và kiểm tra “hàng” xong mới phải thanh toán. Còn nếu ở tỉnh khác thì người mua chuyển khoản thanh toán trước để người bán tìm xe ô tô gửi giấy đi ngay trong ngày.
Lấy lý do sợ bị lừa nên không chuyển tiền, chúng tôi đề nghị người bán liên lạc với một người bạn của tôi ở Hà Nội để nhờ nhận giúp. Do đã được thông báo trước nên người bạn của chúng tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ hẹn gặp để nhờ cầm hộ “tài liệu” nói đang đi công tác và từ chối.
Sau nhiều ngày “nằm vùng” trong các nhóm chuyên mua bán giấy tờ, bằng cấp giả trên mạng xã hội và vờ “đặt hàng” với nhiều tài khoản Facebook, chúng tôi nhận thấy, để sở hữu được một chiếc bằng hay 1 loại giấy tờ giả rất nhanh, gọn, đơn giản. Đa số, bên bán đều cam kết, sử dụng phôi thật của các trường đại học. Khi khách hàng đồng ý, bên bán gửi mẫu thông tin gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, loại bằng, trường, ngành, xếp loại để khách tự điền vào. Rồi thông tin được gửi đến các cơ sở chuyên làm giả giấy tờ in ra là xong.
Thời gian giao hàng nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhu cầu của khách. Bình thường, người bán sẽ hẹn giao giấy tờ trong vòng từ 2-3 ngày, nhưng nếu người mua muốn nhận ngay, thì chỉ cần tăng số tiền lên từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng là đã có thể nhận giấy tờ trong ngày, thậm chí nếu ở gần sẽ được ship hàng trong 30 phút.
Công nghệ “hô biến” giả như thật
Để làm ra được các loại giấy tờ giống y như thật, độ chính xác cao, các đối tượng sử dụng các loại máy móc hiện đại và tỉ mỉ thiết kế bằng máy vi tính theo từng chi tiết nhỏ, tùy từng loại giấy tờ. Những thiết bị hỗ trợ các đối tượng phạm tội gồm: Máy tính, máy in mầu, máy scan, máy photocopy, máy dập chữ, máy in thẻ nhựa, máy cắt, máy ép nhiệt…
Điển hình như trong vụ án đối tượng Vũ Quốc Hội (sinh năm 2001, ở xã Tiên Hội, Đại Từ) cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bị cơ quan chức năng huyện Đại Từ phát hiện năm 2023. Để “hô biến” những giấy tờ giả y như thật, Hội đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy móc, thiết bị như: Máy tính, các loại máy in, máy photo, máy cán màu và nhiều công cụ, thiết bị.
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2023, Hội và đồng bọn đã in ấn, làm giả nhiều tài liệu của cơ quan, tổ chức, gồm: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe và nhiều giấy tờ khác tùy theo nhu cầu người mua, kiếm lời bất chính trên 80 triệu đồng.
Trước đó, khi đột nhập “hang ổ” của cơ sở sản xuất giấy tờ giả của đối tượng Trần Minh Sơn, ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang và tổ dân phố Xuân Gáo, phường Cải Đan (TP. Sông Công), lực lượng Công an tỉnh phát hiện trong căn phòng rộng chừng 10m2 ngổn ngang những loại giấy tờ và các công cụ, thiết bị phục vụ cho việc làm giả giấy tờ.
Cụ thể, ngoài 69 giấy tờ giả các loại gồm: Giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy chứng sinh, giấy ra viện… lực lượng chức năng còn thu 9 con dấu giả các loại, 1 máy in mầu, 1 máy tính xách tay. Sơn khai đây là những công cụ, phương tiện để làm giả các loại giấy tờ nói trên.
Những lời quảng cáo “có cánh” của các đối tượng trong một trang web nhận làm bằng cấp giả. |
Theo đó, ở mẫu phôi từng loại giấy tờ, các đối tượng thường sử dụng máy in có độ phân giải cao, những màu mực chính không pha tạp và in bằng phương pháp, công nghệ cao. Đối với chữ ký, đối tượng sử dụng các phượng tiện kỹ thuật để sao chép chữ ký thật sau đó in phun màu, in laser lên giấy tờ giả.
Hay như về hình dấu, các đối tượng sử dụng hình dấu thật trên các văn bản để sao chụp, chỉnh sửa lại hoặc vẽ mới bằng phần mềm đồ họa, rồi dùng máy in phun màu lên giấy tờ giả... Hầu hết các loại giấy tờ, bằng cấp giả đều được sản xuất rất tinh vi, nên hình dáng, đặc điểm, màu sắc bên ngoài rất rõ nét, gần như giống hoàn toàn so với các loại giấy tờ thật, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là giả, đâu là thật.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên, Đội trưởng Đội An ninh (Công an Phú Bình), cho biết: Từ năm 2023 đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện đã phát hiện, ngăn chặn sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả đối với 10 trường hợp. Phần lớn các loại giấy tờ giả người dân giao nộp tại cơ quan Công an đều rất giống với giấy tờ thật. Việc sản xuất giấy tờ giả với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, nếu nhìn bằng trực quan sẽ không thể nhận biết được. Muốn phát hiện ra các đặc điểm khác nhau giữa chữ ký giả và thật thì cần các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng, hiện đại.
Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) trao đổi về vụ việc một số đối tượng sử dụng giấy tờ giả. |
Quy tắc “hai không”
Trong quá trình thâm nhập thực tế, khi chúng tôi đề nghị được trò chuyện, gặp gỡ trực tiếp các đối tượng rao bán giấy tờ giả để trao đổi cụ thể thì đều bị các chủ tài khoản từ chối với lý do “chỉ nhận chuyển hàng theo hình thức thuê người mang đến cho khách hoặc vận chuyển qua đường bưu điện”.
Từ những tin nhắn qua lại với nhiều tài khoản khác nhau, chúng tôi nhận ra, dường như các đối tượng đều thực hiện ngầm quy tắc “hai không”: Đó là không gặp mặt, không trò chuyện trực tiếp. Như trường hợp của Trần Xuân Dũng (tổ dân phố Lân 2, thị trấn Đu, Phú Lương) là một ví dụ. Do có nhu cầu tìm việc làm, Dũng đã tìm trên mạng để đặt mua 1 tấm bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Toàn bộ quá trình mua, Dũng chỉ liên hệ qua Facebook mà không hề gặp người bán lần nào, thậm chí không biết bất kỳ thông tin nào về người này, ngoài tài khoản Facebook mà đối tượng làm giả dùng để giao dịch.
Thâm nhập các trang, hội nhóm làm giấy tờ giả, chúng tôi phát hiện, các tài khoản Facebook, Zalo đối tượng dùng để nhắn tin giao dịch với khách hàng đa số là tài khoản ảo, truy cập vào trang chính của các tài khoản này đều không tìm kiếm được bất kỳ thông tin cá nhân nào trên đó. Chỉ có rất ít người nghe máy khi chúng tôi gọi đến, nhưng cũng không tiếp những câu chuyện “ngoài lề”, chỉ tập trung vào cách thức mua, bán loại giấy tờ mà chúng tôi đã đề cập.
Một số đối tượng khi thấy chúng tôi hỏi quá nhiều thông tin thì nghi ngờ và chủ động chấm dứt cuộc nói chuyện. Có đối tượng còn hỏi ngược lại một số câu như: Không sợ bị lộ à? Đã đi mua giấy tờ giả còn muốn gặp mặt để làm gì?...
Theo Đại úy Lê Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP. Phổ Yên: Cùng với quy tắc “hai không”, trong quá trình thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, các đối tượng thường cấu kết với nhau tạo thành đường dây kín kẽ, thông qua nhiều “chân rết” và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng, điện thoại, mạng xã hội, hợp đồng với các công ty bưu chính viễn thông. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng triệt để mạng xã hội, lập các tài khoản ảo thực hiện hành vi trái pháp luật, dùng tài khoản ngân hàng mua trên mạng để giao dịch chuyển tiền. Việc giao nhận văn bằng, chứng chỉ giả cũng được thực hiện thông qua dịch vụ giao hàng, chuyển phát nhanh và ngụy trang dưới hình thức hàng hóa hoặc tài liệu khác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để giao dịch nhằm tránh bị phát hiện…
Như đã nói ở trên, đương nhiên người bán muốn “bí mật” thân phận của mình, cả phía người mua cũng muốn được bảo mật thông tin khi sử dụng, nên đã lập tài khoản ảo để giao dịch. Đa số những bài viết của người mua đăng tải trong các nhóm, ngoài việc nêu rõ nhu cầu cần mua loại giấy tờ gì, ở bài đăng họ còn cho biết muốn tìm được nguồn bán tin cậy, uy tín để không bị “tiền mất tật mang” và lộ lọt thông tin cá nhân ra ngoài.
Do đó, việc giao dịch chỉ được diễn ra qua tin nhắn riêng và người mua cũng rất hạn chế bình luận vào bài viết của mình. Toàn bộ quá trình giao dịch các loại giấy tờ giả đều có phương thức chung là thực hiện trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại, gây khó khăn cho cơ quan chức năng lần ra dấu vết của các đối tượng này.
Sản xuất và sử dụng các loại giấy tờ giả đều là những hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hậu quả, song để đạt được mục đích của mình, nhiều người đã bất chấp vi phạm. Hệ lụy của tình trạng sử dụng giấy tờ giả ra sao, mời độc giả đón đọc phần tiếp theo trên Báo Thái Nguyên…
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin