Trợ giúp pháp lý trong các vụ án: Không chỉ là điểm tựa

Hoàng Hải 10:13, 26/09/2024

Vừa tuyên truyền, tư vấn pháp luật vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý (TGPL) là những điểm nổi bật trong hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh. Với đội ngũ trợ giúp viên, luật sư giàu kinh nghiệm, Trung tâm đã trở thành điểm tựa pháp lý cho những người yếu thế trong các vụ án.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tham gia bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tham gia bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa.

Mới học đến bậc THCS, Phan Công L. (sinh năm 1990, ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) phải bỏ ngang chừng để đi làm thuê kiếm tiền. Do công việc hằng ngày, L. phải đi lại bằng xe máy nhưng lại chưa có giấy phép lái xe hạng A1 nên đã thuê người làm giả một giấy phép lái xe. Trong một lần lái xe vi phạm lỗi, L. bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe, sau đó bị phát hiện là giấy tờ giả. L. đã bị truy tố trước pháp luật về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Là đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí, L. đã được Trung tâm TGPL tỉnh cử trợ giúp viên tham gia tố tụng để tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ giai đoạn đầu. Khi ra tòa, luật sư đã đưa ra đầy đủ luận cứ bào chữa cho bị cáo L. để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt và không phải chịu tình tiết tăng nặng. Kết quả, L. bị xử phạt 9 tháng tù được hưởng án treo (mức thấp nhất trong khung hình phạt) và không phải chịu hình phạt bổ sung.

Còn Đ.X.D. và D.Đ.H. cùng sinh năm 2007, đang là học sinh và là người dân tộc thiểu số, sống tại huyện Định Hóa, phạm tội sản xuất hàng cấm (pháo nổ) bị truy tố, cũng đã được Trung tâm TGPL tỉnh cử trợ giúp viên để bào chữa. Trước đó, vì muốn có pháo đốt dịp Tết Nguyên đán năm 2024 nên H. đã tìm hiểu, đặt mua vật liệu để làm pháo nổ rồi rủ D. đến làm tại nhà H. Sau một thời gian, hai người đã làm được 39 quả pháo nổ, nhưng sợ bị phát hiện nên mang đi cất giấu.

Trên đường đi, D. và H. bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang và truy tố trước pháp luật. Tại phiên xét xử, trợ giúp viên pháp lý đã nêu những luận cứ bào chữa, phân tích những tình tiết đề nghị tòa áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo… Cuối cùng, hai bị cáo được tòa áp dụng hình phạt ở mức thấp nhất trong khung hình phạt theo quy định của pháp luật. 

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm người được Trung tâm TGPL tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự, dân sự thời gian qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến ngày 14/9/2024, Trung tâm TGPL tỉnh đã cử trợ giúp viên, luật sư tham gia tố tụng 846 vụ án, tư vấn pháp luật 208 vụ và đại diện ngoài tố tụng 22 vụ việc.

Theo ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, trong mỗi vụ việc, căn cứ vào các yếu tố, Trung tâm đánh giá, phân tích đặc điểm từ đó cử trợ giúp viên, luật sư có năng lực, am hiểu tâm lý đối với từng đối tượng để tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Bởi trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, người thực hiện TGPL đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan… Từ đó giúp bị can, bị cáo và các đương sự khác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tin tưởng vào sự phán quyết của tòa án.

Là người đã và đang trực tiếp tham gia TGPL cho nhiều đối tượng, trợ giúp viên Lê Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, chia sẻ: Khi thực hiện TGPL cho đương sự, chúng tôi luôn phổ biến và giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; hướng dẫn, giúp đỡ họ làm các thủ tục cần thiết để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng.... Bên cạnh đó là hướng dẫn người được trợ giúp cách thức làm việc với các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Sau khi kết thúc vụ việc vẫn giữ mối liên hệ với người được TPPL để tiếp tục hỗ trợ họ khi cần thiết.

Có thể thấy, thông qua hoạt động TGPL, đặc biệt là quá trình tham gia tố tụng trong các vụ án, trợ giúp viên pháp lý đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng. Không những vậy, trợ giúp viên, luật sư còn phổ biến, giáo dục pháp luật giúp họ và người thân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giải tỏa vướng mắc pháp luật, giảm khiếu kiện vượt cấp. Điều này cũng giúp các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời.