"Cầu nối" đưa pháp luật đến với người dân

Hoàng Anh 20:04, 17/10/2024

Là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, Hội Luật gia tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp... Đặc biệt, một trong những hoạt động nổi bật của Hội những năm qua là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua xét xử lưu động có sự tham gia của hội viên Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua xét xử lưu động có sự tham gia của hội viên Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh.

Hội Luật gia tỉnh hiện có 570 hội viên, với 11 tổ chức hội trực thuộc, trong đó có 5 hội cấp huyện và 6 chi hội ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Song song với việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, của Đảng, Nhà nước về công tác Hội, Hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, PBGDPL; tư vấn, trợ giúp pháp lý…

Ông Vũ Duy Hiển, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, khẳng định: Các tổ chức hội, chi hội là thành viên Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, huyện. Do đó, các đơn vị trực thuộc Hội luôn xác định thông tin, tuyên truyền, PBGDPL có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của các cấp hội và hội viên, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Hội và đơn vị trực thuộc.

Với ưu điểm là tổ chức thành viên có số lượng đông, thuộc các sở, ngành, địa phương nên hoạt động tuyên truyền, PBGDPL của Hội diễn ra đa dạng, đồng đều, phạm vi ngày càng được mở rộng, hình thức phong phú, đa dạng. Chẳng hạn như ở Chi hội Tòa án nhân dân tỉnh, việc truyên truyền, PBGDPL chủ yếu thực hiện thông qua công tác xét xử, hòa giải tại tòa. Bên cạnh đó, hằng năm, đơn vị lựa chọn hàng chục vụ việc để thực hiện xét xử lưu động tại các địa phương. Tại các phiên xét xử này, bị cáo và người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, phân tích hành vi vi phạm pháp luật. Người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, từ đó tôn trọng luật pháp, có ứng xử phù hợp…

Còn đối với Chi hội Sở Tư pháp, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức như: công chứng, chứng thực, tổ chức các hội nghị, điểm truyền thông tại cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật… Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL thường được đơn vị và các luật gia thực hiện tại các xóm, xã ở nông thôn, vùng sâu, xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức pháp luật của bà con hạn chế. Trong những buổi như vậy, các luật gia cung cấp, phổ biến đến người dân kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; đất đai; thừa kế tài sản; quy định về trợ giúp pháp lý; giải đáp một số thắc mắc của người dân về những vấn đề pháp lý liên quan đến đời sống hằng ngày…  

Những hoạt động như vậy cũng được các Hội Luật gia cấp huyện chú trọng thực hiện hằng năm. Ông Ma Công Trình, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Định Hóa thông tin: Hội hiện có 95 hội viên, riêng trong quý III năm 2024, Hội Luật gia huyện, các luật gia đã tham gia tổ chức 11 hội nghị triển khai văn bản pháp luật về cơ sở tại 11 xóm đặc biệt khó khăn với 1.100 lượt người tham dự, cấp phát 1.100 bộ tài liệu. Nội dung văn bản triển khai tập trung về Luật Đất đai năm 2024; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và tuyên truyền phòng chống lừa đảo trên không gian mạng…

Hội viên Chi hội Luật gia Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện Võ Nhai tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hội viên Chi hội Luật gia Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện Võ Nhai tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Một điểm nhấn khác trong những năm qua là Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, PBGDPL với nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với đặc điểm, nhận thức đối tượng tiếp nhận. Đặc biệt, các luật gia, luật sư đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho công nhân, đối tượng yếu thế ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hoạt động này được các cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đánh giá cao.

Theo ông Dương Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, công tác tuyên truyền, PBGDPL không chỉ có ý nghĩa đối với người dân, đối tiếp nhận mà nó còn thời kịp thời cung cấp cho các cấp hội, hội viên những kiến thức pháp luật mới; hình thành niềm tin, trách nhiệm và cách ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bởi vậy, các cấp Hội luôn đổi mới hình thức tuyên truyền sao cho gần gũi, dễ hiểu giúp người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội. Mục tiêu của Hội trong thời gian tới là tiếp tục phát triển tổ chức Hội ở 100% đơn vị hành chính cấp huyện và từ 1 đến 3 chi hội ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có đủ điều kiện. Từ đó phục vụ tích cực, hiệu quả hơn cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương.


Từ khóa:

Cầu nối

pháp luật

người dân