Bổ trợ tư pháp (BTTP) có vai trò quan trọng trong cải cách tư pháp và là công cụ hỗ trợ đắc lực, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được tiến hành nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động BTTP. Vì vậy, Sở Tư pháp Thái Nguyên luôn nỗ lực làm tốt vai trò, trách nhiệm đối với các lĩnh vực BTTP.
Hoạt động tại Văn phòng Công chứng Trung Thành (TP. Thái Nguyên). |
Hoạt động BTTP gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, thừa phát lại và quản lý, thanh lý tài sản. Đây không đơn giản chỉ là hoạt động dịch vụ pháp lý, liên quan trực tiếp đến lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Trưởng Phòng Bổ trợ - Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp): Tổ chức tốt hoạt động BTTP là cơ sở, tiền đề để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tránh phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước. Bởi vậy, trước yêu cầu thực tế, Sở Tư pháp đã từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế về BTTP, gắn cải cách tư pháp với cải cách hành chính, thực hiện quản lý các lĩnh vực BTTP một cách toàn diện, đưa vào nền nếp, nhất là đối với các lĩnh vực đang phát triển theo hướng xã hội hóa.
Có thể thấy, một trong những nội dung BTTP quen thuộc, phổ biến với người dân là hoạt động công chứng. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội công chứng tỉnh ký kết quy chế phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn. Sở tổ chức quán triệt, triển khai các quy định của nhà nước về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng các loại thuế, phí.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, với 45 công chứng viên. Định kỳ hằng quý, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị giao ban với các tổ chức hành nghề công chứng để trao đổi những vướng mắc trong hoạt động.
Song song với đó, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót. Nhờ vậy, hoạt động công chứng được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức và cá nhân.
Giám định tư pháp tại Trung tâm Pháp y tỉnh. |
Tương tự trong hoạt động của luật sư, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các chỉ đạo, quy định của Trung ương, của tỉnh đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Sở luôn tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề luật sư phát huy vai trò tự chủ trong các hoạt động và tích cực tham gia trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật.
Các thủ tục hành chính trong việc đăng ký hoạt động luật sư được công khai, minh bạch, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ chặt chẽ và đảm bảo đúng thời hạn quy định.
Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh đã ký kết và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp công tác về quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo hai bên thường xuyên tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh...
Những lĩnh vực khác như giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại... cũng đã đi vào nền nếp. Sở Tư pháp luôn tạo mọi điều kiện để các tổ chức trên địa bàn tỉnh phát triển, hoạt động thuận lợi, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, dần khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của đời sống xã hội.
Đơn cử như hoạt động giám định, đã đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng, các tổ chức giám định và cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh thực hiện giám định gần 1.000 vụ việc.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cũng như quán triệt các quy định, luật về BTTP cũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát luôn được tăng cường.
Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, khẳng định: So với thời kỳ trước, việc xã hội hóa, phát triển các nghề trong lĩnh vực BTTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Hoạt động BTTP có bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức và hiệu quả, góp phần vào việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, giúp chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc. Từ đó góp phần nâng cao vai trò, vị trí của ngành Tư pháp cũng như sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin