Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm triển khai thực hiện Đề án bố trí, điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an cấp xã. Điều này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, công tác đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng được quan tâm.
Công an xã Cổ Lũng (Phú Lương) gọi hỏi, nắm thông tin các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. |
Thời điểm mới triển khai Đề án, việc đảm bảo kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, nhất là điều kiện làm việc, nơi ăn, ở, sinh hoạt, thường trực chiến đấu và huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn nhất định.
Cụ thể, 145/145 công an xã, thị trấn mới thành lập được bố trí vị trí làm việc tại trụ sở UBND, nhà văn hóa hoặc trạm y tế. Dù được chính quyền các địa phương quan tâm cải tạo, sửa chữa nhưng cơ bản nơi làm việc không đảm bảo, chưa có phòng tạm giữ hành chính, phòng lấy lời khai, nơi tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, hội trường giao ban, nơi ăn, ở khi trực...
Để từng bước khắc phục, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng công an xã, thị trấn giai đoạn 2021-2030. Trong đó xác định mục tiêu xây mới, cải tạo, sửa chữa 74 trụ sở làm việc công an cấp xã trong giai đoạn 2021-2025; đến năm 2030 xây mới 71 trụ sở còn lại, đảm bảo 100% công an cấp xã có trụ sở làm việc độc lập.
Các thành phố gồm: Thái Nguyên, Phổ Yên và Sông Công đã sớm ban hành nghị quyết, quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng 13 trụ sở công an cấp xã với tổng kinh phí 64,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Mới đây, trụ sở Công an xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) trở thành công trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh được khánh thành và đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư 4,1 tỷ đồng, được thiết kế là nhà làm việc 2 tầng, gồm các phòng: Tiếp công dân, trực ban, kho lưu vật chứng, phòng làm việc và phòng ngủ của cán bộ, chiến sĩ, nhà bếp cùng một số hạng mục phụ trợ.
Công trình đã giải quyết những khó khăn về nơi làm việc cũng như sinh hoạt, học tập; động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Đối với trang thiết bị và phương tiện, tính đến tháng 3-2022, công an cấp xã trong tỉnh đã được trang bị 292 xe mô tô cùng hơn 28.000 đơn vị sản phẩm là vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật tư, phương tiện, thiết bị văn phòng và các loại phục vụ công tác, sinh hoạt.
Đầu tháng 6-2023, Công an tỉnh đã bàn giao 32 xe ô tô tải do Bộ Công an cấp cho công an xã thuộc 7 huyện, thành là: Sông Công, Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương và Võ Nhai.
Theo lộ trình, các xã, thị trấn còn lại sẽ tiếp tục được trang cấp xe ô tô trong những đợt sau, đảm bảo công an mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 ô tô phục vụ nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Đại úy Trần Mạnh Linh, Trưởng Công an xã Định Biên (Định Hóa), chia sẻ: Việc được cấp xe mô tô và các trang bị, phương tiện nghiệp vụ giúp công an cấp xã thuận tiện hơn nhiều trong quá trình tuần tra, kiểm soát địa bàn và triển khai các hoạt động nghiệp vụ khác. Chúng tôi luôn quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Theo lộ trình, trong giai đoạn 2023-2025, công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ được trang bị 100% vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, định mức; trang bị quân trang, vật tư, thiết bị văn phòng theo đúng khung tiêu chuẩn, định mức hằng năm. Điều này sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác của lực lượng công an xã trong tình hình mới; góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ đắc lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin