Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Phú Bình xuất hiện nhiều trường hợp học sinh lên mạng xã hội tìm mua các loại hóa chất để tự chế tạo pháo nổ. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, mà còn có thể gây ra những mối nguy hiểm khôn lường.
Ngày 16-12, Công an thị trấn Hương Sơn vận động 3 học sinh giao nộp 2,1kg pháo tự chế và một số vật dụng liên quan. |
Ngày 19-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Phú Bình) tiếp nhận, xử lý 1 vụ việc liên quan đến hành vi “Sản xuất pháo trái phép”, do 3 học sinh ở xã Lương Phú thực hiện. Cụ thể, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Công an xã Lương Phú phát hiện L.T.K (sinh năm 2010), trú tại xóm Việt Ninh, đang tàng trữ 1 quả pháo tự chế, có gắn ngòi nổ là dây cháy chậm. Tại cơ quan Công an, K. khai nhận, khoảng tháng 10-2023, K. cùng N. T. N (sinh năm 2010), trú tại xóm Phú Lương và N. V. N (sinh năm 2009), trú tại xóm Lương Tạ 1, rủ nhau mua các nguyên liệu chế tạo pháo trên mạng xã hội và đã chế tạo được 34 quả với tổng khối lượng 10,3kg.
Tiếp đó, N. T. N cũng tự đặt mua các nguyên liệu chế tạo pháo về tự chế được 5 quả, có tổng khối lượng 1kg. Sau khi bị cơ quan Công an phát hiện, các đối tượng đã tự nguyện giao nộp toàn bộ số pháo tự chế được và các nguyên liệu, vật dụng có liên quan.
Theo thông tin từ Công an huyện Phú Bình, thời điểm đơn vị phát hiện, thu giữ được các loại pháo tự chế nhiều nhất trong năm là dịp gần Tết Nguyên đán. Đối tượng sử dụng, sản xuất các loại pháo này phần lớn là học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi.
Nắm rõ quy luật này, Công an huyện đã chủ động tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, mua bán, tàng trữ pháo trái phép; đồng thời phối hợp với các địa phương, trường học trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, thu hồi pháo; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về pháo. Trong đó chú trọng tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trực tiếp ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi đã từng xảy ra các vụ việc liên quan đến pháo...
Nội dung được Công an huyện Phú Bình nhấn mạnh trong các buổi tuyên truyền là: Mức xử lý hành chính, hình sự đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng pháo nổ; vận động giao nộp pháo, vật liệu nổ; một số vụ tai nạn điển hình do pháo tự chế gây ra và những hiểm họa khôn lường khi sử dụng, chế tạo pháo...
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng học sinh mua bán, chế tạo pháo trái phép trên địa bàn. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này, các em thường có tâm lý hiếu kỳ, thích thể hiện, khám phá nhưng lại chưa lường hết các tác hại, nguy hiểm của pháo tự chế.
Hơn nữa, việc quản lý con em của một số gia đình chưa thật sự sát sao. Phụ huynh chưa giám sát được con mình lấy tiền từ đâu ra và sử dụng tiền vào mục đích gì... Chỉ tính từ khi Công an huyện Phú Bình thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 15/12/2023-29/2/2024) đến nay, công an các cấp của huyện đã phát hiện 3 học sinh có hành vi sản xuất pháo trái phép với tổng khối lượng 11,3kg; vận động 8 học sinh giao nộp tổng số trên 12kg tiền chất, gần 400 vỏ pháo và hơn 14kg pháo nổ tự chế.
Tại cơ quan Công an, đa số các học sinh đều khai nhận đã lên mạng tìm kiếm các video hướng dẫn cách chế tạo pháo. Sau đó, các em tự đặt mua những loại hóa chất như Lưu huỳnh, Kaliclorat... về pha trộn để tạo thuốc pháo và dùng các loại giấy báo cuốn lại thành nhiều quả pháo có kích cỡ to, nhỏ khác nhau.
Chính việc dễ dàng tìm kiếm các loại tiền chất tạo pháo và những thông tin hướng dẫn chi tiết cách làm pháo trên mạng xã hội càng khiến nhiều học sinh thêm tò mò, quyết tâm làm bằng được. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố, mẹ đi vắng.
Thượng tá Trần Xuân Nghiệp, Phó Trưởng Công an huyện Phú Bình, cho biết: Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, thuốc pháo trái phép, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà trường thì các gia đình cần chú ý giáo dục, quản lý con em mình; tuyệt đối không để các em tự ý mua bán, chế tạo thuốc nổ, pháo nổ.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất là từ 8-15 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là từ 5-10 năm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin