Tin giả tiếp tay cho lừa đảo

Nguyễn San 10:49, 25/07/2024

Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi theo sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội. Từ việc tung tin giả, không ít đối tượng đã có thể lừa đảo thành công không chỉ với nhiều cá nhân mà cả các đơn vị, tổ chức. Tin giả, tin sai sự thật đang gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng và niềm tin của nhân dân.

Cách đây chưa lâu, trên Facebook của một số hội nhóm như: Otofun, Anh em lái xe Việt Nam, Taxi Mai Linh TP. Hồ Chí Minh xuất hiện thông tin có gắn clip chia sẻ một số nội dung về tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Hà Nội. Tuy nhiên, qua kiểm tra cụ thể, thông tin này hoàn toàn sai sự thật, thực tế chỉ là câu chuyện phiếm, trêu đùa bên bàn uống nước. Thông tin trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tạo dư luận xấu, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho Công ty. Sau đó, các nội dung này được Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam phối hợp chặn gỡ, xử lý.

Một trường hợp tung tin giả khác để lừa đảo vừa được lực lượng Công an TP. Hà Nội phát hiện và xử lý, đó là nhóm đối tượng sử dụng chiêu thức gửi đường link bình chọn cuộc thi ảnh trên Facebook để chiếm đoạt tài khoản, thông tin cá nhân nhằm mục đích vay mượn tiền. Lợi dụng cách làm trên, các đối tượng đã đưa những đường link giả mạo xâm nhập tài khoản cá nhân gửi lời mời bình chọn cho nhiều tài khoản khác là người thân, bạn bè của bị hại. Nếu ai chấp nhận yêu cầu tham gia bình chọn sẽ bị đánh cắp ngay toàn khoản cá nhân, từ đó các đối tượng mượn danh để đi lừa đảo.

Gần đây nhất, một chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện là treo thẻ có chứa mã QR trên xe hoặc trước cửa nhà với thông tin gắn kèm, nếu quét mã sẽ được nhận số tiền tương ứng ghi trên thẻ. Thông tin trên hoàn toàn sai sự thật vì nếu ai tin tưởng quét mã QR sẽ khiến điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển. Từ đó, đối tượng có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người quét mã để lừa đảo.

Những thông tin giả, tin sai sự thật, tin thất thiệt nói trên ngày càng biến tướng khó lường. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục có biện pháp cảnh báo, xử lý. Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) thường xuyên khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội tuyệt đối không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng.

Ngành Thông tin và Truyền thông không ngừng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp tung tin giả, tin thất thiệt. Cơ quan Công an cũng đã điều tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lừa đảo từ hình thức tung tin giả trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng tin giả, tin sai sự thật vẫn chưa thể kiểm soát và xử lý một cách triệt để.

Để hạn chế tối đa tin giả, tin sai sự thật phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Khi phát hiện tin giả, ngoài việc cảnh báo cộng đồng, người dùng nên lưu lại bằng chứng và gửi cho Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam qua website, email hoặc số điện thoại (18008108). Có thể lưu lại đường link, video, chụp màn hình tin, bài có dấu hiệu tin giả, sai sự thật. Không chia sẻ thông tin để tránh mắc bẫy tin giả và bị xử phạt theo quy định…

Được biết, Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 và Điều 5, Nghị định số 72 của Chính phủ quy định chi tiết về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng, trong đó có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.


Từ khóa:

tin giả

tiếp tay

lừa đảo