Từ thành phố Thái Nguyên đi theo tuyến Quốc lộ 3 về phía Bắc khoảng 8km, bạn sẽ đến Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Nghề làm bánh chưng ở đây có lịch sử phát triển từ năm 1960, do có chất lượng thơm ngon đặc biệt nên bánh đã nổi tiếng khắp vùng, không những trong tỉnh mà cả ở ngoài tỉnh Thái Nguyên. Hiện làng nghề bánh chưng Bờ Đậu có trên 50 hộ làm bánh. Năm 2015, trong cuộc thi các sản phẩm tiêu biểu do tỉnh tổ chức, làng nghề đã đoạt giải xuất sắc.
Mỗi ngày, trung bình làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho ra lò hàng nghìn chiếc bánh, phân phối đi khắp các tỉnh khu vực phía Bắc, Hà Nội và Hải Phòng. Nghề làm bánh đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Để làm được một chiếc bánh chưng ngon, phải rất kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến.
Với gạo nếp, người dân nơi đây phải tìm mua từ Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên) và phải là loại gạo nếp thuần chủng.
Nhân bánh là thịt ba chỉ tươi, thái dày, trộn đều với hạt tiêu Bắc.
Điều góp phần làm nên sự khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu là kỹ thuật nắm nhân với đỗ được mua từ vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình.
Lá dong gói bánh phải là loại lá lấy từ vùng núi của huyện Định Hóa, lá bánh tẻ, to bản, màu xanh ngắt, được rửa sạnh và hong kỹ lưỡng.
Mặc dù không có khuôn, nhưng dưới bàn tay khéo léo của người dân, những chiếc bánh chưng ở đây đều vuông thành sắc cạnh. Trung bình mỗi ngày, một quán bánh ở đây xuất bán được trên 100 chiếc.
Bánh sau khi gói xong được đưa vào luộc trong khoảng từ 10 đến 12 giờ, giữ đều lửa, nhiệt độ trong nồi ở mức trên 100độ C và bánh luôn phải ngập trong nước.
Một chi tiết rất quan trọng làm nên thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu thơm dẻo với màu xanh đặc trưng, đó là nước luộc bánh phải lấy từ ngọn núi phía sau làng, nếu lấy nước khác để luộc, bánh sẽ không ngon.