Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, máy cày thay trâu lội ruộng. Trâu hết cảnh “cổ cày, vai bừa”, không phải “thức khuya, dậy sớm” cùng chủ ra đồng, mà thong thả đi tìm cỏ, tối về được chủ bồi bổ thêm tinh bột, cỏ ngọt. Bỏm bẻm nhai, trâu lim dim mắt tận hưởng sự nhàn nhã mà tổ tiên loài trâu chưa bao giờ mơ tới.
Không có nghĩa trâu trở thành thú cưng, trâu vẫn giữ bổn phận là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông, bổn phận của chúng là ăn và lớn. Từ lâu, nông dân các vùng nông thôn, miền núi ở Thái Nguyên đã nuôi gột béo trâu bò, hoặc nuôi trâu bò sinh sản tạo thêm nguồn thu nhập. Cũng nhờ nuôi trâu bò, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lý Văn Thành, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) tâm đắc: Gia đình tôi có truyền thống chăn nuôi trâu bò thịt. Trong chuồng thường xuyên nuôi nhốt từ 5 đến 7 con trâu, bò. Lúc nhiều nhất là 12 con. Năm nào gia đình tôi cũng bán từ 2 đến 3 con, lãi bình quân 15 triệu đồng/con… Cầm nắm cỏ ngọt cắt thành từng khúc ngắn cho vào máng gỗ, ông Lý Văn Sinh, cùng ở xóm Phú Thọ cho biết: Chúng tôi tìm mua bê, nghé hoặc trâu, bò gầy với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Dong về, nuôi nhốt cách ly một thời gian mới cho nhập đàn, tránh lây lan dịch bệnh. Thời gian nuôi nhốt từ 3 đến 9 tháng được xuất bán, cá biệt có con cho lãi 30 triệu đồng.
Hầu hết các hộ dân trong lũng núi Phú Thọ đều đầu tư vốn cho chăn nuôi trâu bò. Cả như hộ kinh tế khó khăn như gia đình ông Hoàng Văn Thanh duy trì nuôi từ 1 đến 2 con trâu vỗ béo. Ông Thanh bảo: Mỗi lần bán trâu, gia đình lại mua trâu khác về nuôi. Số tiền dư dành cho các con ăn học. Năm 2018 gia đình tôi thoát nghèo cũng nhờ có con trâu… Ông Vũ Thăng Long, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Lương chia sẻ: Từ nhiều năm gần đây, chăn nuôi trâu, bò còn được coi là hướng đi xóa giảm nghèo bền vững trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Hơn thế, nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Nhà nước đã hướng cho nông dân đầu tư cho chăn nuôi trâu, bò để xóa giảm nghèo.
Tiếng mõ trâu lốc cốc dụ chúng tôi về xã Phủ Lý, hỏi chuyện chăn nuôi đại gia súc. Ông Hoàng Thanh Đoá, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 đã hiện thực được giấc mơ sở hữu “Đầu cơ nghiệp” cho hộ nghèo. Năm 2018, gần 50 hộ được Chương trình hỗ trợ với tổng vốn gần 650 triệu đồng cho bà con chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Trong tổng số 47 con trâu, bò được các hộ mua ban đầu, đã có 16 nái mẹ sinh hạ thêm bê, nghé, nâng tổng đàn trâu, bò của Chương trình lên 63 con hiện nay… Xoa nhẹ tay lên đầu con bò vàng, ông La Quang Giảng, xóm Na Dau bộc bạch: Nhờ có con bò, nhà có phân bón cho ruộng, lúa tốt, thóc mẩy. Mỗi sớm nhìn thấy con bò quật đuôi đuổi muỗi, mình có thêm nghị lực làm đồng áng, đi lấy thêm cỏ cho bò ăn. Tôi mới bán 1 con bê, và hiện bò mẹ đang chuẩn bị “ở cữ”.
Ông Trần Ngọc Phái, xóm 7, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu sinh sản.
Không còn kéo cày, song con trâu, bò trở thành phương tiện cho nông hộ nghèo được xóa tên trong danh sách cần được hỗ trợ, giúp đỡ tại địa phương. Ngay tại địa bàn T.P Thái Nguyên, bà Ngô Thị Hoa, xóm Huống, xã Huống Thượng cũng nhờ con trâu mà thoát nghèo. Bà Hoa kể: 5 năm trước, tôi được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi mua 1 con trâu nái với giá hơn 25 triệu đồng (5 triệu đồng là tiền bà Hoa tích lũy). Đến nay tôi có đàn trâu 3 con, chưa kế đã bán 1 con nghé…
Để có thêm thông tin về việc chăn nuôi trâu, bò xóa nghèo, chúng tôi ngược Quốc lộ 1B lên huyện vùng cao Võ Nhai, đến xóm người Mông trên lưng đá Thượng Nung, thăm vợ chồng ông Lý Văn Sinh, xóm Lũng Hoài. Ông Sinh dắt đàn bò 5 con ra ngoài cửa chuồng, bảo: Từ hơn 10 năm nay, nhà tôi duy trì ổn định số lượng từ 5 đến 7 con bò. Sang nhà ông Lý Văn Cường. Ông Cường cho biết: Nhà neo người, vốn ít, nên chỉ duy trì nuôi 2 con bò. Cứ bán bò to lấy tiền mua bò bé, tiền dư mua sắm thêm đồ dùng trong nhà.
Rời Thượng Nung sang Tràng Xá, về xóm Chòi Hồng chúng tôi gặp ông Dương Văn Xí và bà Dương Thị Trợ. Từ gần 20 năm trước, nhà ông Xí và nhà bà Trợ được Chương trình 135 hỗ trợ tiền vốn phát triển chăn nuôi. Ông Xí nói: 12 con trâu của nhà nhờ biết ăn, biết đẻ nên cuộc sống gia đình tôi khá ổn định về kinh tế. Bà Trợ nói: Tùy vào công việc của gia đình phải cần đến đồng tiền, mỗi năm tôi bán 1 con trâu nghé hoặc 1 con trâu thịt. Bán trâu, nhưng số lượng tổng đàn được bù đắp ngay nhờ trâu mẹ mắn đẻ.
Thế mới hay, ở thời đại bùng nổ công nghệ, con trâu vẫn là người bạn gắn bó với nhà nông, chia sẻ gánh nặng kinh tế với thân chủ. Bà Nguyễn Thị Nụ, xóm Gò Lớn, xã Lục Ba (Đại Từ) nói hình tượng: Tôi cũng như nhiều nông dân nhờ nắm được tay vào cái đuôi trâu, nên có thêm sức làm kinh tế, thoát nghèo. Năm 2018, bà được Chương trình 135 hỗ trợ 18 triệu đồng để mua trâu sinh sản, 1 năm sau bà có nghé con. Bà mới bán con nghé được 15 triệu đồng. Trâu mẹ hiện đang “mang bầu”, tiền bán trâu nghé bà đầu tư chăn nuôi thêm gà, lợn. Bằng cần, kiệm rồi cuộc sống cũng ổn định hơn.
Chia tay bà Nụ, chúng tôi lên “rừng đá” Lân Quan, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), hỏi chuyện xóa giảm nghèo, ông Sùng Văn Sinh, Chi hội trưởng Nông dân chia sẻ: Hầu hết các hộ trong xóm đều đầu tư cho chăn nuôi trâu, bò, điển hình phải kể đến các hộ: anh Thào Khua Pá, anh Hoàng Văn Lầu, anh Đào Văn Hồng và chị Ngô Thị Sài nuôi thường xuyên từ 8 đến hơn 10 con trâu, bò. Cách đây 5 năm, Nhà nước hỗ trợ cho bà con 51 gói hạt giống cỏ Super BMR, tổng trị giá hơn 12,7 triệu đồng. Bà con tận dụng đất bỏ trống, đất giáp giới giữa các bãi ngô của các hộ để trồng cỏ. Xóm Lân Quan không có đất bỏ trống, chỗ nào cây ngô không đẻ bắp thì trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò.
Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, chỉ cần nhìn vào số lượng đàn trâu, bò trong chuồng là biết tiềm lực kinh tế của gia chủ. Ông Trần Ngọc Phái, xóm 7, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) nói với tôi đây tâm trạng: Gần cả một đời mò mẫm đánh rọ tôm ven bờ hồ Núi Cốc, nhưng đến bây giờ (70 tuổi) gia đình tôi mới được xóa tên trong danh sách hộ nghèo… Được biết, gia đình ông Phái là 1 trong số 163 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 5 xã: Minh Đức, Phúc Tân, Thành Công (T.X Phổ Yên), Liên Minh, Tràng Xá (Võ Nhai) được Dự án “Ngôi Làng hy vọng” thuộc tổ chức Global Civic Sharing Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ, cho vay 26 triệu đồng/hộ để mua trâu sinh sản, với lãi suất 2%/năm. Sau 3 năm (2017-2020), từ gần 150 con trâu (nhiều hộ thêm vốn mua cả trâu mẹ và trâu nghé), đến nay tống đàn trâu của “Ngôi làng hy vọng” đã có hơn 200 con. Hầu hết các hộ tham gia Dự án đã thoát nghèo.
Bên triền rừng xóm 1, ông Nguyễn Văn Tuyên lúi húi rắc thêm muối vào cỏ cho trâu ăn. Khi được hỏi, ông Tuyên bộc bạch: 3 con trâu của gia đình thương lái đến tận nhà trả 100 triệu đồng. Nếu bán, trả vốn vay Dự án tôi còn lãi 74 triệu đồng. Nhưng là của để dành, tôi chỉ bán khi nhà thực sự có việc cần thiết.
Thấy người lạ, 3 mẹ con “chị trâu” nhà ông Tuyên hếch mõm lên nhìn, chợt mũi xùy mạnh như thể hiện tầm quan trọng của mình với gia chủ. Rồi trở lại với bản năng của loài trâu, bò, bỏm bẻm nhai lại cỏ trong miệng. Có lẽ chúng tự biết bổn phận của mình là phải ăn để lớn, để sinh nở đày đàn cho chủ nhân có thêm nhiều tài sản.