Vùng cao ngày cận Tết

16:16, 07/02/2021

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới Tân Sửu 2021. Ngày cuối năm, ở các bản, làng vùng cao của vùng đất nửa đồng nửa núi dù không nhộn nhịp như ở chốn thị thành nhưng vẫn mang một sắc thái vô cùng riêng biệt và đa sắc màu.

Dừng chân ở chợ Đình Cả (Võ Nhai), chúng tôi thấy rất nhiều các mặt hàng nông sản từ cam, quýt, bưởi diễn đến gà, vịt, lá dong, rau xanh… được bày bán. Nhiều nông dân, thay vì bán cho thương lái đã gánh cả thúng rau, quả mang ra chợ để kiếm thêm thu nhập lo Tết cho gia đình. Chị Lý Thị Mai, một người dân ở xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) hồ hởi: Dịp này, gia đình tôi thu hoạch được rất nhiều rau xanh như bắp cải, su hào, lơ… Mấy hôm nay, rau xanh bán đắt hàng lắm! Mỗi ngày tôi bán hết cả một tạ rau các loại, thu được trên dưới 1 triệu đồng, đủ để gia đình chăm lo cho cái Tết.

Nhìn khuôn mặt đôn hậu, chất phác của người phụ nữ dân tộc Nùng này, tôi thấy vui lây với niềm vui của chị. Năm nay là một năm đầy khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng những người nông dân vùng cao như chị Mai vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương.

Khi người nông dân vùng cao mừng vui vì bán được những sản vật “cây nhà, lá vườn” với giá cao hơn năm trước thì những “thượng đế” cũng bày tỏ sự hân hoan khi mua được toàn “đồ sạch”. Chị Nguyễn Thùy Trang, cư dân ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cận Tết là tôi và mấy người bạn lại ngược lên Võ Nhai tìm mua măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, rau xanh, trái cây tươi. Sáng sớm, khi đất trời vẫn còn chìm trong hơi sương, tôi đã dạo một vòng chợ Tràng Xá và giờ quay lại chợ Đình Cả. Mua nông sản ở vùng cao rất yên tâm vì bà con mình thật thà, chất phác. Họ sản xuất ra vừa để sử dụng, vừa để bán nên không lạm dụng các loại hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật… Đã sử dụng nông sản vùng cao, có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm quen rồi nên chúng tôi cũng “nghiện” lên vùng cao sắm hàng Tết.

Sau một hồi dạo qua thị trấn Đình Cả và các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, chúng tôi lại vòng về chợ Cúc Đường (Võ Nhai). Khi đến chợ đã là gần trưa nhưng hàng hóa vẫn được bày bán khá đa dạng. Không chỉ có các mặt hàng nông sản như măng tươi, thịt lợn…, ở khu chợ này còn bày bán khá nhiều bộ quần áo rực sỡ; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo. Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (Đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách…) khi đi chợ và đến nơi công cộng, đông người cũng được địa phương truyên truyền tích cực. Vì vậy, dù là những ngày cận Tết nhưng tại khu chợ vùng cao này đã không xuất hiện tình trạng tụ tập đông người ăn uống, vui chơi.

Rời khu chợ vùng cao “nhiều màu sắc”, chúng tôi cho xe chạy dọc theo xã Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc... Hai bên đường, những cây hoa đào nép mình bên những sườn núi, góc vườn đã nở bung rực rỡ, mang lại cho những xã nghèo nơi rẻo cao một nét chấm phá độc đáo. Thấp thoáng trên những nóc nhà ngói, nhà sàn của người dân vùng cao, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió xuân. Bên trong mỗi ngôi nhà ấy, lúa gạo vẫn còn đầy bồ; gà, vịt đầy chuồng… Ở góc bếp, đồng bào Tày, Nùng, Dao… đã chuẩn bị những can rượu ngô thơm lựng; những dây lạp xường hun khói và cả những món ẩm thực truyền thống như bánh khảo, chè lam, khâu nhục… để mừng đón xuân sang. Anh Vương Văn Tô, bản người Mông Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc nói: Theo phong tục, người Mông chúng mình thường ăn Tết vào ngày mồng 1 tháng Chạp, nghĩa là sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Trước đây, để chuẩn bị Tết thì các gia đình thường nuôi con gà, con lợn, đặc biệt nữa là chuẩn bị làm bánh dày cho các cháu. Thịt chuẩn bị cho Tết thường là 1 con lợn và 2 con gà… Nhưng bây giờ, việc đón Tết đã đơn giản hơn rất nhiều. Vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc (mùng 1, 2 và 3 tháng Giêng), người Mông chúng mình cũng vẫn tổ chức ăn uống, vui chơi theo các hoạt động của địa phương. Những ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có thịt gà, bánh chưng…

Đi theo tuyến đường từ Cúc Đường qua Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung, Thần Sa, La Hiên (Võ Nhai) rồi vòng về Quang Sơn (Đồng Hỷ), thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xe máy của người dân chở thêm chút trái cây, bánh kẹo… đang từ chợ về nhà trong niềm vui, háo hức chờ mong mùa Tết mới. Đã từ rất lâu rồi, khi lên vùng cao, dù là những bản, làng vùng cao xa tít như Lũng Luông, Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) hay bản người Dao Cà Đơ, xã Lam Vĩ (Định Hóa) - từng được mệnh danh là “Bản Dao giữa thung mây”…, chúng tôi đã không còn bắt gặp những đoàn người đi bộ, trên vai gồng gánh những chuyến hàng trĩu nặng nữa. Mỗi mùa Xuân mới về, người vùng cao càng thêm phấn khởi khi những cung đường vắt qua sườn đồi, sườn núi được cứng hóa đã giúp họ “chở Tết” về nhà thuận tiện hơn.

Những ngày cận Tết, lòng người vùng cao càng ấm hơn khi những gia cảnh còn nhiều khó khăn đã được nhận quà Tết với chăn ấm; bánh, mứt, kẹo; tiền mặt của các cấp, ngành và từ các đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh. Cụ Hoàng Thị Tư, xóm Nho, xã Liên Minh (Võ Nhai), hộ người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rưng rưng khi được nhận những món quà Tết mang nhiều ý nghĩa. Cụ cho biết: Cuộc sống của tôi khó khăn lắm! Vì vậy, nhận được những món quà này, tôi rất cảm động và không lo thiếu đói trong dịp Tết nữa rồi.

Chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021 nhưng người dân vùng cao vẫn không quên công việc đồng áng. Khi ruộng mạ bắt đầu lên xanh, thời tiết đã ấm hơn, bà con không còn bọc kín từng luống mạ bằng những mảnh nilon trong suốt mà để thật thoáng đãng cho bao nhánh mạ non được đón nhận hơi thở nồng nàn của đất, trời lúc xuân sang. Trên những thửa ruộng nước đã được đưa về sâm sấp mặt, tiếng máy làm đất chạy rền vang. Bà Nông Thị Thành, xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa) nói: Gia đình đã chuẩn bị Tết khá đủ đầy rồi. Giờ là lúc tôi phải thu xếp việc đồng áng, từ làm đất, chăm bón mạ… cho ổn thỏa để ra giêng, thời tiết ấm hơn sẽ cấy lúa vụ xuân.

Ngày giáp Tết, những vườn cây ăn quả như bưởi, cam, ổi… ở vùng cao cũng đã vơi dần khi tư thương khắp nơi đưa xe ô tô tải về tận bản làng thu mua để mang về miền xuôi cung cấp cho thị trường Tết. Vậy là vùng cao Thái Nguyên hôm nay đã mang những sắc màu tươi mới, ở đó có sự hiện hữu của một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn mươi, mười lăm năm trước rất nhiều.
Hộp số liệu: Thái Nguyên có hơn 300 nghìn người là đồng bào dân tộc thiếu số, chiếm 27% dân số toàn tỉnh, cư trú ở 124 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu là ở những xóm, bản vùng sâu, vùng xa thuộc địa bàn huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ... Với nhiều nỗ lực, những năm qua, người dân vùng cao ở Thái Nguyên đã có cuộc sống no ấm hơn và có những mùa Tết mới trọn vẹn hơn.