Như cánh chim trời, sau bao cuộc di cư, nhiều người Mông ở Lạng Sơn, “xứ sở” hoa Hồi và Cao Bằng, vùng đất có bạt ngàn rừng dẻ thơm hạt, đã về định chân ở vùng đất chè Thái Nguyên, tập trung nhiều trên các lũng núi của 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa. Chất ngất bốn bề, nhắm mắt vào cũng thấy đá. Hơn 1.500 hộ, gần 11.000 con người với đôi bàn tay bầm dập vì vỡ núi lấy đất tra hạt. Trong lúc khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, trở thành điểm tựa giúp đồng bào Mông vượt lên thiếu khó. “Đất lành chim đậu”, ngoảnh nhìn lại đã hơn 40 năm kể từ khi xóm người Mông đầu tiên có tên trên bản đồ hành chính của tỉnh. Hơn thế, người Mông trở thành 1 trong 8 dân tộc chính trong tổng số 51 dân tộc sinh sống ở Thái Nguyên.
Gần suốt tháng Ba và đầu tháng Tư, những triền núi đất, núi đá của Thái Nguyên chìm trong màn sương mỏng. Hơi nước đọng lại thành hạt, rơi lộp độp bên hiên nhà, đều đặn giống nhịp thở của chiếc đồng hồ treo tường trong nhà ông Vi Văn Sinh, 70 tuổi, ở xóm Pác Máng, xã Định Biên (Định Hóa). Nhìn từng vạt rừng mùa đua lộc, ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) thủ thỉ như kể chuyện cổ tích: Ở tỉnh Thái Nguyên, Pác Máng là vùng đất có bước chân người Mông về định cư sớm nhất, chủ yếu là ở Lạng Sơn di cư về từ năm 1972. Còn ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, hầu hết là người Mông ở Cao Bằng di cư về từ trước và sau năm 1980.
“Thương hải tang điền”, mới đó mà đã mấy mươi năm đi qua đời người, những vai núi xa khuất dần trở thành chòm xóm. Rừng hỗn giao thành nương ngô, ruộng lúa, bãi chè; khe núi thành hồ ao cho cá bơi lội. Trên những vai núi ấy có bao hộ đồng bào Mông cực nhọc vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Bà Ma Thị Na, vợ ông Vi Văn Sinh, thở dài: Vợ chồng tôi từng bỏ đất này dắt nhau vào miền Nam sinh sống từ năm 2002, đến năm 2017 lại trở ra... Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng phòng Dân tộc huyện thở dài: Huyện Định Hóa có 33 hộ người Mông, với 118 nhân khẩu, riêng Pác Máng có 22 hộ, còn lại ở rải rác tại 2 xã Bảo Linh và Lam Vỹ. Hiện nay, trong đồng bào còn hơn 30% số hộ nghèo cần được Nhà nước hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế…
Bà con người Mông ở xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò. Ảnh: N.C
Tập quán canh tác lạc hậu là nguyên nhân đồng bào Mông bỏ đất, phá rừng làm ruộng, rẫy. Tôi còn nhớ như in hình ảnh từng nhóm người Mông dắt díu nhau trên hành trình vỡ núi. Cả gia tài đeo trên lưng, đến con chó cũng quen với việc di dời nơi ở của chủ. Tất cả lầm lụi giống cách đi của con dê núi, các ngón chân tõe ra, bám vào đá tai mèo sắc lẻm. Sau những cuộc di cư mỏi mệt ấy là sự hình thành nên các xóm người Mông, với những cái tên mộc mạc như Khuổi Mèo, Chòi Hồng, Khe Mong, Tam Va, Bản Tèn, Na Sàng, Lũng Cà…, thoạt nghe đã thấy vời vợi một nỗi niềm khó khổ. Chị Lý Thị Phênh, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tâm sự: Người Mông đến đâu cũng trồng cây ớt. Khi quả ớt hết cay lại rủ nhau đi phá rừng lấy đất tra hạt bắp. Đời sau theo đời trước, nghèo đói triển miên nhưng vẫn phải đi.
Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ là một người gần gũi với cuộc sống của đồng bào Mông, luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông kể: Ở Khe Mong, những người Mông đầu tiên về đây lập xóm là 4 anh em họ Hoàng, gồm: Hoàng Văn Páo, Hoàng Văn Lầu, Hoàng Văn Thành và Hoàng Văn Cao. Khi đất mới cho hạt bắp, các ông trở lại quê hương Hà Quảng (Cao Bằng) rủ thêm họ mạc dời về đây sinh sống… Còn nói như đồng bào thì đều vì tình cờ mà bén duyên với vùng đất mới. Đồng bào “không nói nhiều”, cứ hồn nhiên đến ở rồi đi. Mỏi mệt trên bước đường cơm áo lại tìm về sinh sống trên một vai núi nào đó.
Già bản Hoàng Văn Phụng kể: Năm 1979, tôi kéo cả nhà từ Cao Bằng về Khe Mong. Được ít năm lại kéo nhau sang Na Sàng khai phá đất. Trong những cuộc di dời tìm đất mới của người Mông, hang núi là nơi trú ngụ tốt nhất. Để có tiền mua lương thực, muối mặn, dầu thắp sáng, đàn ông vào rừng hạ cây nghiến xẻ bán, đàn bà thì tìm đọt măng, lá rau rừng mang bán chợ phiên. Cơ cực nhất là trường hợp ông Lý Văn Sùng khi đi xẻ cây, không may bị đổ đà giáo, một khúc nghiến lao thẳng vào đầu, đẽo luôn một góc chán, phải sống thực vật chừng nửa năm mới dậy được, lại nhúc nhắc giúp vợ con việc nhà.
Hệ quả từ những đợt di dời đầy ngẫu hứng của đồng bào Mông về Thái Nguyên là gia tăng dân số cơ học nhanh. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số Việt Nam: Năm 1979, Thái Nguyên có 644 người Mông, năm 1989 có 2.264 người, năm 1999 có 4.831 người, năm 2009 có 7.230 người. Đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có gần 11.000 người Mông sinh sống, chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn. Ông Hoàng Văn Sào, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) nhớ lại: Đã gần 30 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được những ngày mới về đây định cư, bà con phải lấy hang làm nhà, nhiều tháng bột ngô chỉ dành cho trẻ nhỏ, còn người lớn ăn rau rừng, măng đắng.
Không riêng nhà ông Sào, nhiều gia đình phải sống dựa vào củ rừng, rau dại từ 3 đến 6 tháng/năm. Trên nhiều vạt núi, hố đào củ mài dày như mắt sàng. Đêm xuống, trai tráng đi xuyên rừng tìm con hon, con dúi, hoặc treo mình trên vách đá tìm bắt tắc kè cho vợ mang bán chợ phiên. Cùng thời gian, những sắc nhọn tai mèo mềm đi dưới bước chân người, thành đường mòn về từng ngôi nhà trống trải. Theo đó là cái đói dằng dai như con đỉa núi bám chặt vào lưng quần. Người xưa có câu: “Một lần dọn nhà bằng ba lần cháy”, ứng với cuộc di dời tìm về đất mới của đồng bào. Gian nan cơ khổ, vào đầu những năm 2000, hầu hết các hộ đồng bào Mông đều thuộc diện đói nghèo. Về việc này, già bản Đào Văn Lình, xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ) nói suy tư: Ngay như năm 2021 này, xóm có 87 hộ nghèo thì người Mông chiếm 69 hộ. 10 hộ được hỗ trợ tiền ăn Tết Nguyên đán thì 6 hộ là người Mông. Cả nước biết đến Mỏ Ba vì đói và đẻ. Cho đến bây giờ chưa có ai “phá được kỷ lục đông con nhất” được “xác lập” cho ông Ngô Văn Sùng, với 18 người con.
Đói và đẻ - “cặp song trùng” từng tồn tại qua nhiều đời trong các dòng họ đồng bào Mông ở Thái Nguyên. Già bản Lầu Văn Vừ, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) nhớ lại: Trong cảnh mở mắt ra là thấy khổ, thấy đói thì cán bộ Nhà nước theo đường mòn, ngược dốc “cõng” các chương trình, dự án của Nhà nước về hỗ trợ đồng bào. Nhiều hộ được nhận tiền hỗ trợ làm nhà ở, khai phá ruộng nương, mua lương thực ăn đợi vụ. Rồi những tuyến đường được mở mới lên các xóm đồng bào Mông. Theo con đường ấy là bao câu chuyện của đời thường, nghe kể như một chuyện cổ tích có hậu. Và, mang lại cho đồng bào cuộc sống no ấm, ổn định, bình đẳng không phải là ông tiên trên bầu trời xa xăm kia, mà từ việc tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bào Mông. Vâng! “Mưa lâu thấm dần”, nhận thức của đồng bào từng bước được nâng cao, không nghe theo “tà đạo” trái phép Dương Văn Mình; cùng đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới…
(Còn nữa)