No ấm bên dòng sông Bốc

09:42, 27/06/2021

Cúc Đường là một trong 4 xã có con sông Nghinh Tường chảy qua trước khi đổ ra sông Cầu. Người dân nơi đây thường gọi tên con sông Nghinh Tường là sông Bốc. Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc hai bên bờ sông đã khai thác hiệu quả diện tích đất bãi màu mỡ, được thiên nhiên ban tặng để phát triển nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nâng cao đời sống.

Khoảng 20 năm về trước, khu vực đất bãi ven dòng sông Bốc chảy qua xóm Tân Sơn dài hơn 2km có diện tích gần 100ha nhưng chỉ có một vài hộ dân canh tác, còn lại là bỏ hoang để cỏ dại, cây bụi, lau sậy mọc cao quá đầu người.

Thời gian dần trôi, đồng bào dân tộc Tày, Mông ở các xóm Trường Sơn, Mỏ Chì, Bình Sơn nhận thấy đất đai ở đây khá màu mỡ, có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên đã chuyển về đây lập nghiệp. Từ vài hộ dân ban đầu đến nay đã có trên 50 hộ. Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, những người nông dân đã “biến” diện tích đất bỏ hoang thành ruộng lúa, nương ngô, bãi cỏ voi bạt ngàn. Cuộc sống của người dân dần được nâng lên, “thóc đầy nhà, trâu, bò đầy chuồng”.

Chúng tôi cùng với cán bộ Văn hoá - Xã hội của xã đi trên con đường mòn dọc dòng sông Bốc để cảm nhận no ấm đang hiện hữu nơi đây. Hai bên bờ sông dưới những dãy núi đá là những nương ngô trĩu bắp, bãi cỏ voi xanh mướt và những ruộng lúa trĩu hạt đang cho thu hoạch.

Xen lẫn những màu xanh của ngô, của cỏ voi và màu vàng rực của lúa là những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Mông. Mặc dù đã gần trưa nhưng không khí lao động ở đây vẫn nhộn nhịp, người dân đang thu hoạch lúa, trồng cỏ voi, cả một khu bãi sông rộn rã tiếng nói, cười.

Hai vợ chồng đang cặm cụi trồng cỏ voi, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả chiếc áo đã bạc màu nhưng khi gặp chúng tôi ông Hoàng Văn Mão, 70 tuổi, người dân tộc Tày, vẫn nở nụ cười hồn hậu, ông kể: Trước đây tôi sinh sống ở xóm Trường Sơn, nhưng do gia đình thiếu đất sản xuất, lại đông con nên cách đây hơn 20 năm tôi với người con trai thứ hai chuyển về xóm Tân Sơn, ngay cạnh dòng sông Bốc để sinh sống và phát triển kinh tế. Cùng với việc mua lại đất sản xuất của người khác và khai hoang, đến nay gia đình tôi có gần 6 sào đất để canh tác ngoài bãi sông. Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng hiện nay tôi dành 3 sào để trồng cỏ voi chăn nuôi bò.

Nhờ có nguồn nước dồi dào từ dòng sông Bốc mà các loại cây trồng luôn phát triển tốt và cho năng suất cao. Cũng bởi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi nên 3 năm trở lại đây gia đình ông Mão đã đầu tư chăn nuôi 4 con bò sinh sản, trung bình mỗi năm thu về được hơn 30 triệu đồng từ việc bán bê con. Nhờ đó, cách đây 2 năm gia đình ông đã ra khỏi diện hộ nghèo và vươn lên trở thành hộ khá; có điều kiện để nuôi con cái ăn học, sắm sửa các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Chia tay ông Mão, tiếp tục xuôi theo dòng sông Bốc, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Giàng, dân tộc Mông đang nhanh tay xếp những bao thóc lên xe, thấy khách lạ hỏi chuyện ruộng đồng, anh vui vẻ nói: Nhà tôi đã có 3 sào ruộng nhưng thấy một số gia đình không có nhu cầu cấy lúa nên tôi đã nhận thêm 4 sào ngoài bãi sông này để cấy rẽ. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đạt trên 2 tạ/sào, gia đình tôi cũng thu về được gần 1,5 tấn thóc.

Trò chuyện với anh, chúng tôi mới biết trước đây gia đình anh Giàng sinh sống tận trên núi cao thuộc xóm Mỏ Chì, cách sông Bốc hơn 5km. Gia đình có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn một sào trồng ngô, vì thế vợ chồng anh phải làm thuê đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhận thấy 2 bên bờ sông Bốc có điều kiện phát triển kinh tế, cách đây 8 năm anh đã vay mượn tiền anh em, bạn bè mua đất ở, đất sản xuất và chuyển về đây sinh sống. Hiện nay, ngoài cấy lúa, gia đình anh Giàng còn trồng cỏ voi để chăn nuôi 1 con bò sinh sản, kinh tế khấm khá lên từng ngày.

Gia đình ông Hoàng Văn Mão đang nuôi 4 con bò sinh sản do chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ trồng cỏ voi.

Cùng với ông Mão, anh Giàng còn có 50 hộ dân khác đang sinh sống dọc hai bên bờ Sông Bốc. Để khai thác hiệu quả của vùng đất bãi ven sông, được thiên nhiên ban tặng, người dân đã đưa các giống ngô, lúa có năng suất, chất lượng cao vào trồng, gieo cấy như các giống lúa Nhị ưu 838, VL20, J02 và các giống ngô HN88, LVN99, B265... nhờ đó năng suất lúa đạt trung bình 52 tạ/ha, cao hơn so với các khu vực khác trong xã khoảng 2 tạ; năng suất ngô trung bình đạt 48 tạ/ha.

5 năm trở lại đây chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển một phần diện tích trồng ngô, lúa sang trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc. Đến nay, trung bình mỗi gia đình có từ 1-5 sào cỏ và chăn nuôi từ 3-4 con trâu, bò sinh sản, vỗ béo. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Chuyện về cuộc sống của người dân nơi đây, ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường nói như tâm sự: Trong số 50 hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Bốc chỉ có hơn 50% hộ có đường đi lại thuận tiện do có con đường liên xã chạy qua, còn phía bên kia sông mới chỉ có con đường mòn nhỏ, hẹp chỉ vừa một xe máy đi. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá nông sản đi tiêu thụ vừa qua xã đã giải phòng mặt bằng, mở rộng đường để chuẩn bị đổ bê tông trong thời gian tới.

Xã cũng đã xây dựng kế hoạch đưa vùng đất này thành vùng sản xuất cây nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất trồng. Đồng thời khuyến khích các hộ thành lập hợp tác xã chăn nuôi nhằm liện kết, tạo đầu ra ổn định. Ngoài ra, do các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông thuộc nhiều xóm khác nhau nên việc triển khai các chương trình của xã, của xóm đến từng hộ dân gặp nhiều khó khăn, do dó chính quyền xã cũng đang có hướng chuyển tất cả các hộ dân về xóm Tân Sơn để thuận lợi hơn.

Qua câu chuyện của chủ tịch xã Cúc Đường, chúng tôi còn được biết, để đánh thức tiềm năng vùng đất bãi ven sông Bốc, trong những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã chuyển từ hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo sang hỗ trợ gia súc. Đơn cử như năm 2020 đã hỗ trợ được 20 con bò với tổng số tiền 356 triệu đồng (người dân đối ứng 65 triệu đồng) cho 20 hộ nghèo sinh sống dọc hai bên bờ sông Bốc và các xóm khác trên địa bàn. Xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận vốn vay của của các ngân hàng, đồng thời phối với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân...