Tháng Sáu, về xã Phú Xuyên (Đại Từ), tôi cảm nhận vùng đất này dường như ngày dài hơn đêm. Tận khi đứng dưới tán cây đa đôi cổ kính, chứng kiến những hối hả trên trục lộ 37, thong thả tiếng còi tàu về ga, tôi chợt à lên: Mùa Hạ đã buông trên khắp đồng đất này, mặt trời cũng thức dậy sớm hơn, và đi ngủ muộn hơn.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, đến nay 100% số xóm của xã có đường bê tông, nhà văn hóa, hiện 100% số xóm đạt tiêu chí xóm văn hóa. Với Phú Xuyên thì đó là một nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền nhân dân. Tất cả cùng đồng thuận tham gia phong trào thi đua yêu nước, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hiện toàn xã có hơn 230ha chè, năng suất đạt 125 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 2.700 tấn/năm. Sau khi chế biến thu được 540 tấn chè búp khô. Với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, mỗi năm cây chè mang lại cho người dân Phú Xuyên số tiền 135 tỷ đồng. Ngoài cây chè, Phú Xuyên còn có hơn 320ha đất ruộng thuận nước cấy 2 vụ lúa và gần 1.000ha đất lâm nghiệp. Được người dân đầu tư chăm sóc, năng suất lúa đạt 58 tạ/ha, sản lượng cả năm đạt hơn 3.700 tấn.
Thóc làm ra đủ giải quyết lương thực tại chỗ cho hơn 2.000 gia đình, với 7.600 nhân khẩu của xã. Còn trồng rừng hằng năm cơ bản phủ xanh đất trống, đồi trọc. Bà Hoàng Thị Nụ, xóm 11 nhẩm tính: Nếu hết 1 chu kỳ rừng 7 năm, với loại rừng có sản lượng khá, 1ha bán được 100 triệu đồng, chia bình quân chưa được 15 triệu đồng/năm. Vì thế, rừng không thể trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế hộ. Với riêng gia đình tôi, đất đai hoa lợi không nhiều, song 4 sào ruộng cấy 2 vụ, 1 năm thu hơn 1,5 tấn thóc, đủ gạo ăn. 4 sào chè chăm bón tốt, có tiền dư dật sắm sanh đồ đạc, đóng tiền học cho các cháu. Còn 1ha rừng vợ chồng trồng được 6 năm nay coi như của để dành.
Nông dân Phú Xuyên không đơn độc trên hành trình xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hằng năm cùng hàng tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi, là đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện, phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức mở lớp tập huấn về kinh nghiệm sử dụng vốn; kỹ năng đầu tư; xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Rồi các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng. Các lớp tập huấn thu hút gần 1.000 lượt người tham gia/năm. Qua tập huấn, trình độ canh tác của người dân được cải thiện, nâng cao. Theo đó là các mô hình cấy giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao; các mô hình sản xuất chè theo quy trình ViệtGAP đang ngày một nhân rộng. Nhiều hộ đầu tư sản xuất, chế biến chè đặc sản, với giá bán đạt hơn 2 triệu đồng/kg.
100% số xóm của xã Phú Xuyên đã có đường bê tông. Ảnh chụp tại xóm 3, xã Phú Xuyên.
Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng xóm Chính Phú 1 cho biết: Xóm có gần 80 hộ, với hơn 300 nhân khẩu đều sống nhờ cây chè. Từ chè chúng tôi có tiền mua lương thực, thực phẩm, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và tiền đóng học cho con cháu. Vì thế, chè là cây được người dân quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Chính Phú 1 là vùng đất nông nghiệp, nhưng là một trong những xóm duy nhất của huyện Đại Từ không có ruộng. Người dân ở đây sống nhờ cây chè, chăn nuôi nhỏ và từ 3 năm gần đây được mở rộng sang phát triển thêm cây ăn quả. Hiện, xóm có gần 30ha chè, trong đó có 20ha chè kinh doanh; 5ha cây ăn quả. Do đầu tư chăm bón, thu hái, chế biến chè theo quy trình ViệtGAP, chè cho năng suất ổn định, đời sống của người dân được đảm bảo. Hầu hết các hộ trong xóm xây được nhà ở chắc chắn, nhiều hộ mua được ô tô làm phương tiện đi lại.
Qua mấy nương chè đang mùa thu hái, chúng tôi đến xóm 3, gặp bên đồi ông Nghiêm Văn Này, một trong những hộ làm chè giỏi ở xã. Ông nói như đúc kết: Làm chè, đồng nghĩa với việc hằng ngày tiếp cận với thị trường. Giản đơn như việc bán chè tươi, chè khô hoặc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi ngày bà con đều có sự trao đổi về giá cả thị trường liên quan đến cây chè… Qua câu chuyện chúng tôi biết: Gia đình ông Này có 1ha đất trồng chè, mỗi năm gia đình thu hoạch được hơn 3 tấn chè búp khô, trừ chi phí các khoản đầu tư còn có dư hơn 60 triệu đồng/năm. Cũng như bà con trong vùng, gia đình ông thực hiện sản xuất chè theo quy trình ViệtGAP, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Ngoài các giống chè mới như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI 777… được đưa vào trồng thay thế trên diện tích chè già cỗi, một số hộ dân mạnh dạn trồng chè giống mới VN 15 Nhật Bản. Diện tích mô hình thực nghiệm đạt 1ha. Hiện, chè VN 15 Nhật Bản phát triển tốt, chuẩn bị cho thu lộc vụ đầu.
Vùng đất Phú Xuyên đang động cựa, thức dậy những tiềm năng. Những tuyến đường đất lầy lội năm nào đã đi vào quá vãng. Những ngôi nhà xây chắc chắn theo kiến trúc hiện đại thế chỗ nhà tạm. Nhiều nông hộ sắm được ô tô làm dịch vụ. Nông thôn Phú Xuyên đang từng ngày phố hóa, vươn vai rũ bỏ khó nghèo, hòa nhịp phát triển chung của tỉnh. Tôi nghĩ như thế bởi được chứng kiến máy cày lội ruộng thay trâu; các công đoạn chế biến chè như vò, sao, sấy đều được sử dụng bằng máy. Nhiều hộ chủ động mua máy đóng gói, máy hút chân không để đóng gói sản phẩm chè. Trên từng túi chè ghi rõ địa chỉ gia đình, vừa để người tiêu dùng yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời quảng bá thương hiệu chè của đất Phú Xuyên.
Ghé thăm cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Vũ Xuân Hào, xóm 1 chúng tôi thấy rất nhiều mặt hàng tiêu dùng được bày bán. Ông Hào khiêm tốn: Đối tượng phục vụ của cửa hàng toàn bà con lân cận, nên chủ yếu bán các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày. Nhiều người đến mua, hẹn hôm sau bán được chè sẽ mang tiền trả. Gia đình ông Hào là 1 trong số hơn 200 hộ tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ, như thu mua chè; dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lương thực, thực phẩm, bán hàng tạp hóa… Ngoài ra còn có 3 doanh nghiệp, 73 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động là người dân địa phương.
Người Phú Xuyên đang từng ngày tạo dựng nên một diện mạo mới ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ghi nhận trong thời gian 10 năm gần đây, xã có hơn 1.000 lượt hộ hiến hơn 40.000m2 đất. Ngoài hiến đất, bà con còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hơn 8 tỷ đồng đối ứng cùng Nhà nước xây dựng hoàn thiện các công trình phúc lợi công cộng, như đường bê tông, nhà văn hóa, kênh mương dẫn thủy nhập điền.
Mải chuyện, ráng chiều đã đổ dài bên nương chè từ khi nào. Tôi giật mình nhận ra giữa hối hả, bận rộn của bà con còn có những nhàn tản của du khách tìm về, thăm cây đa đôi, ghé núi Thiện, núi Điệng, vào thác Ba Giội, đến hồ Vai Bành ghi hình kỷ niệm. Thế mới hay rằng ở huyện Đại Từ còn có một Phú Xuyên thân thiện, cởi mở, hòa nhập để phát triển; hướng đến một xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa.