Biết tôi muốn tìm hiểu về Đền Cột Cờ - ngôi đền tọa lạc tại khu dân cư đông đúc (tổ 3, phố Cột Cờ, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên), ông Nguyễn Đức Liên, Phó Ban Quản lý Đền báo ngay tin vui: Ngày 22 tháng 5 (Âm lịch) vừa qua, Ban Quản lý Đền đã nhận lại bát hương cổ, bảo vật của Đền về thờ cúng…
Câu chuyện về di vật quý này được ông Liên kể như sau: Năm 1947, thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền phải “sơ tán” một số đồ thờ cúng. Khi đó, cụ Nguyễn Thị Chui, nhà ở cạnh Đền, đã giữ và thờ bát hương của Đền tại gia đình. Sau khi cụ Chui mất, các con cháu của cụ đã nhất trí bàn giao lại bát hương cho Đền quản lý.
Tận mắt chiêm ngưỡng bát hương quý đặt tại khu thờ Tam tòa thánh mẫu, tôi không khỏi thốt lên ngạc nhiên vì hình dáng đường bệ và những chạm khắc tinh xảo trên mặt bát hương đồng. Theo những người có kiến thức về khảo cổ thì bảo vật này đã vào khoảng 400 năm tuổi. Đây cũng là đồ thờ cổ nhất của Đền còn giữ được đến nay. Có lẽ do ở khiêm nhường trong ngõ nhỏ, bên ngoài là khu chợ đông đúc ồn ã ngày đêm nên Đền Cột Cờ, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng và mang đậm ý nghĩa lịch sử, vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Trên diện tích khoảng 250m2 được khoanh vùng bảo vệ, đền có cổng xây dựng kiểu tam quan, theo lối chồng diêm, tầng dưới có 3 cửa, nóc vòm cổng đắp nổi 4 chữ Hán: Cột cờ linh từ (Đền Cột Cờ linh thiêng).
Cổng Đền. Ảnh: MH
Dẫn tôi thăm đền, ông Liên giới thiệu tỉ mỉ cách sắp đặt và ý nghĩa của từng khu vực thờ phụng. Như nhiều ngôi đền khác, Đền Cột Cờ thờ tam Mẫu (Mẫu Thượng thiên - sáng tạo ra bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp; Mẫu Thượng Ngàn - trông coi miền rừng núi; Mẫu Thoải - vị thần trị vì sông nước). Đền cũng thờ Tứ phủ gồm: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ và Địa phủ, đồng thời thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Các pho tượng trong Đền được tạo dáng công phu, tinh xảo, đẹp hài hòa. Khuôn viên Đền có cây si, cây sung cổ thụ tạo nên cảnh quan thâm nghiêm, cổ kính.
Ông Liên chỉ bức tượng một phụ nữ mặc trang phục màu xanh trong tư thế ngồi đặt chính giữa hậu cung, kính cẩn giới thiệu: Đây là Bà Chúa Bản Tỉnh thời nhà Mạc. Để hiểu thêm về nhà Mạc, tôi đã tìm đọc cuốn “Vương triều Mạc” của tác giả Trần Hồng Đức và Trần Xuân Thanh (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2018). Các tác giả viết: “Cuối thế kỷ XV - đầu XVI, nhà Lê Sơ đã qua thời thịnh trị, bước vào giai đoạn suy thoái. Trong bối cảnh lịch sử đó, Mạc Đăng Dung đã sử dụng “nội lực bản thân” nắm lấy vận mệnh lịch sử để lên ngôi. Sự xuất hiện của vương triều Mạc là một tiến trình lịch sử tất yếu và cần thiết để ổn định và lập lại trật tự xã hội. Vương triều Mạc trải qua 5 đời vua trong khoảng thời gian tồn tại 65 năm. Trong giai đoạn này, nhà Mạc luôn ở tình trạng chống thù trong (phe phù Lê của Nguyễn Kim, nhà Trịnh và cuộc nội chiến Nam - Bắc triều), giặc ngoài (phong kiến nhà Minh ở phương Bắc). Nhưng, với những cải cách và chính sách hợp lý để xây dựng đất nước, khôn khéo trong ngoại giao… nhà Mạc đã bình ổn được tình hình, chấn hưng đất nước. Đặc biệt, nhà Mạc coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, thi tuyển công bằng và cởi mở, không phân biệt đẳng cấp hay giới tính. Chính vì vậy, suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam chỉ một lần xuất hiện trong thời nhà Mạc nữ tiến sĩ duy nhất tên là Nguyễn Thị Duệ - bà còn có tên là chúa Sao Sa (vừa xinh đẹp vừa sáng như một vì sao), sau này nhân dân vẫn thờ phụng tôn sùng. Về quân sự, nhà Mạc chú trọng tuyển lính, luyện thủy quân, sửa trại, trưng tập cựu thần, bố trí tướng giỏi tại biên giới…”. Những thông tin trên cho thấy vai trò của phụ nữ thời nhà Mạc được đề cao, nên việc xuất hiện một nữ chúa nhà Mạc tại Thái Nguyên cũng là điều dễ hiểu.
Theo hồ sơ còn lưu giữ tại Đền, thì vào thế kỷ XVI (khoảng 1592) khi quân nhà Mạc chạy từ Hà Nội lên phía Bắc lập căn cứ chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, có một nữ chúa cắm cờ lập doanh trại tại đây. Không chỉ luyện quân, bà Chúa còn hướng dẫn dân bản địa cách trồng trọt, cấy hái tích cóp lương thực. Khi nhà Mạc rút đi, người dân nơi đây đắp lên ngôi đền nhỏ bằng đất để tưởng nhớ nữ tướng này, tôn bà là Bà Chúa Bản Tỉnh (người đứng đầu tỉnh). Sau này, Đền được làm bằng tre lợp lá cọ, do cụ Bùi Văn Hòa, sinh năm 1889 trông coi. Năm 1941, cụ Hòa mất, giao lại Đền cho con gái tên là Đốc Công hương khói. Sau nhiều lần tu sửa, lần cuối vào năm 2012, Đền được giữ hiện trạng đến nay.
Tìm hiểu thêm tôi được biết, khu vực Đền Cột Cờ liên quan đến một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt của Thái Nguyên. Đền nằm trong di tích thành nhà Mạc dựng lên làm cơ sở đồn trú chống quân xâm lược. “Thành có chu vi 345 trượng, cao 9 thước, rộng 3 trượng, sâu 4 thước” (Sách Đại Nam nhất thống chí).
Ông Nguyễn Văn Nhung, 86 tuổi, cư dân lâu đời ở đây cho biết: Hồi tôi còn nhỏ có nhìn thấy một con hào, trên bờ hào là thành đất cao có móng bằng gạch vồ vuông, mỗi bề khoảng một gang tay. Giữa khu vực này có một ụ đất, tương truyền là nơi cắm cờ của quân Mạc. Có lẽ vì vậy mà phường Trưng Vương không chỉ có ngôi đền mang tên Cột Cờ, mà còn có phố Cột Cờ.
Gạch xây thành và vật dụng thời nhà Mạc. Ảnh: MH
Không riêng ông Nguyễn Văn Nhung, nhiều người dân tổ 3 (trước là tổ 6), phường Trưng Vương cũng nhìn thấy dấu tích nhà Mạc. Bà Dương Kim Liên (65 tuổi) cho biết, ngày nhỏ bà nhặt được những viên đá tròn, dùng để chơi chuyền, được cho là đạn đá thời nhà Mạc.
Đặc biệt, tại nhà ông Nguyễn Đức Liên tôi được tận mắt xem 3 viên gạch và 1 cái liễn sành gia đình ông thu thập được trong quá trình đào móng làm nhà năm 1996. Các viên gạch nặng trịch, rắn chắc không bị bở bục dù trải qua năm tháng. Chiếc liễn sành màu nâu đen, bề mặt trơn nhẵn, trang trí đường viền sắc nét. Ông Liên và những người dân khu vực này tin rằng đây chính là những viên gạch xây móng thành và cái liễn là đồ dùng của quân lính nhà Mạc.
Năm 1917 nổ ra Cuộc Khởi nghĩa Đội Cấn, đền là nơi tập kết lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Năm 1945 xảy ra nạn đói lịch sử, nhân dân quanh đền tổ chức thu gom cứu trợ người thiếu đói. Như vậy, Đền Cột Cờ còn là địa danh lưu giữ nhiều sự kiện khó quên của người Thái Nguyên.
Bà Trần Thị Oanh, thành viên Ban quản lý Đền kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện linh thiêng xảy ra ở đền, vì “Đền tuy nhỏ nhưng quyền năng lớn, ở đây thờ Bà Chúa Bản tỉnh - nghĩa là người to nhất tỉnh”. Do dịch COVID-19 nên khách tỉnh ngoài đến Đền năm nay ít hẳn, nhưng người dân quanh vùng vẫn dâng hương vào các ngày lễ, đặc biệt là ngày 24 tháng 8 (Âm lịch) đền tổ chức giỗ Bà Chúa Bản Tỉnh.
Điều thú vị là trong quá trình trị vì nhà Mạc đã cho xây đắp nhiều tường thành ở các tỉnh như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Yên... Tuy nhiên, câu chuyện về Bà Chúa Bản Tỉnh cắm cờ rèn lính, dạy dân làm ăn thì chỉ có ở Thái Nguyên.
Hiện diện từ vài trăm năm trước, ngôi đền nhỏ chứa nhiều huyền sử. Nhưng có một điều rõ ràng là Đền Cột Cờ đang là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, chứa trong nó nhiều giá trị văn hóa về tín ngưỡng thờ Phật, thờ Thần; là chỗ dựa tinh thần và khát vọng hướng tới cuộc sống bình yên hạnh phúc của mỗi người.