Đường về giải phóng Thái Nguyên và những câu chuyện chưa được nhắc nhớ!

11:48, 22/07/2021

Ngày 2-9-2016, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới nói với tôi rằng anh vừa cho đăng một bài viết về cuộc gặp với đại uý, thành viên “Biệt đội Con Nai” Archimede L.A Patty, nhân có cuộc gặp ông tại Hà Nội năm 1990. Năm đó chúng ta tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác và Patty là khách mời…

Anh Lợi cho biết: Biệt đội Con Nai của Mỹ, phiên chế trong Quân đội Đồng Minh, đồn trú tại Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc), có dấu ấn tại Tuyên Quang và Thái Nguyên, đặc biệt là Thái Nguyên trong ngày giải phóng, thành lập Chính quyền cách mạng 20-8-1945.

Biết đây là sự việc quan trọng và lý thú, tôi để ý chờ, thu thập tài liệu và dịp may đã tới. Ngày 14-6-2021 vừa rồi, tại Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam số 25 Tông Đản, tôi tiếp cận được tài liệu quý: Nhật ký của Đội Con Nai OSS, Nhật ký chiến sỹ Đại đội Việt - Mỹ... Nhân chuẩn bị kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 76 năm Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên (20-8-2021) xin giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện chưa mấy được nhắc nhớ.

Kỳ I: Sân bay Quốc tế Lũng Cò, Biệt đội Con Nai – OSS và Đại đội Việt Mỹ

Tôi xác định: Muốn biết kỹ, hiểu sâu về Sân bay Quốc tế Lũng Cò rồi từ đó nắm thêm tư liệu về Biệt đội Con Nai –OSS, Đại đội Việt - Mỹ thì phải về Minh Thanh. Ở đó, ngoài những lưu giữ về Sân bay quốc tế Lũng Cò còn có Di tích Nha Công an Trung ương.

Vậy là sáng ngày 17-6-2021, chúng tôi chạy xe từ Thái Nguyên, hành trình ngược lại với chuyến đoàn quân tiến về giải phóng Thái Nguyên, giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội (như nhật ký của sỹ quan Biệt đội Con Nai - OSS Allson Kent Thomas ghi) 76 năm trước. Mùa dịch, Di tích Nha Công an Trung ương và Sân bay Lũng Cò đều vắng. Tuy vậy, chúng tôi cũng được anh chị em quản lý Di tích tạo điều kiện thuận lợi nhất để khai thác tư liệu…

Giữa Thế chiến lần thứ hai, phe Đồng Minh chống phát xít đã phát triển rộng. Đoàn không quân 14 của Đồng Minh (do Mỹ đảm trách) đồn trú tại Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) hoạt động chống Nhật mạnh mẽ. Đầu năm 1945, máy bay của  Đoàn 14 do trung uý Sam lái bị phòng không Nhật bắn rơi và nhảy dù xuống Cao Bằng. Du kích Việt Minh bắt và báo cáo sự việc lên Bác Hồ. Do nắm được ý muốn quan hệ với Việt Minh của tướng Senon, Tư lệnh Đoàn không quân 14, Bác Hồ trực tiếp đưa viên phi công Sam sang trao trả.

Ngày 29-3-1945 tại Côn Minh đã diễn ra cuộc gặp, hội đàm giữa đại diện Việt Minh là Bác Hồ và đại diện Đồng Minh là Tướng Senon. Trong thoả thuận có việc Mỹ đưa chuyên gia sang giúp Việt Minh huấn luyện quân sự cũng như cung cấp vũ khí, điện đài cho Việt Minh. Việc xây dựng sân bay để bảo đảm liên lạc và tiếp tế cũng được bàn và quyết định. Ngày 4-5-1945, Bác rời Pác Bó (Cao Bằng) và sau 18 ngày luồn rừng cực nhọc theo con đường Nam Tiến mà Người vạch ra cho Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người về đến Tân Trào (Tuyên Quang) vào trưa ngày 21-5-1945.

Đầu tháng 6, Bác giao cho đồng chí Lê Giản (sau này làm Giám đốc Việt Nam Công an vụ) và Đàm Quang Trung (sau này là Phó Chủ tịch nước) chọn địa điểm để xây dựng sân bay cấp tốc. Phụ giúp 2 đồng chí có một viên thiếu tá thuộc lực lượng cứu trợ của không quân Mỹ (AGAS) mới nhảy dù xuống Tân Trào. Lũng Cò là một dải ruộng cao bên dòng suối rộng 4 ha, ở gần đó là bản Na Đon hơn chục nóc nhà. 200 dân công từ các xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc về đây phát dọn, san gạt, đầm nén… Sân bay hoàn thành nhanh chóng với chiều dài 400m và rộng 20m, đủ cho loại máy bay quân sự L5 U.S Air Force cất hạ cánh. Chuyến hạ cánh đầu mang theo thuốc men, vũ khí được đông đảo cán bộ và nhân dân chào đón với khẩu hiệu được hô vang: Việt Minh và Đồng Minh hợp tác chống Nhật. Bác Hồ đến ở Lũng Cò 10 ngày cuối tháng 7-1945 để chỉ đạo việc đón tiếp và làm việc với 8 nhân viên, sỹ quan Mỹ trong lực lượng Đồng Minh.

Cựu Đại tá Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn), chiến sĩ Giải phóng quân Phạm Hồng Thái trò chuyện với tác giả tháng 2-2021.

Sân bay Lũng Cò lúc này còn giúp Thái Nguyên một việc làm lịch sử… Ngoài các đội Cứu quốc quân, Thái Nguyên còn có Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái (Tiền thân là Đội Du kích Cao Sơn, Đội Du kích Tam Đảo), hoạt động từ năm 1940 trên sườn Đông Tam Đảo thuộc xã Quân Chu, Cát Nê, huyện Đại Từ. Đại tá Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) đội viên của Đội, năm nay đã ngoài 95 tuổi kể lại: Thực hiện chỉ thị của các đồng chí Chu Văn Tấn, Nhị Quý, Trung Đình, ngày 19-7-1945, Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái vượt sang bên kia núi đánh đồn Tam Đảo, giải cứu hơn 100 tù nhân Pháp và thường phạm do Nhật giam giữ. Số tù nhân là sỹ quan Pháp được Việt Minh đưa lên Sân bay Lũng Cò về Pháp. Việc làm trên có ý nghĩa to lớn, mở ra và bồi đắp mối quan hệ Việt - Mỹ; Việt Minh - Đồng Minh từ tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ. Nhật ký Biệt đội Con Nai- OSS viết: “Ngày 31-7-1945, Quân đội Việt Minh thuộc Đội Phạm Hồng Thái dưới sự chỉ huy của ông Thạch Sơn (Nguyễn Huy Minh) từ căn cứ Quân Chu (Đại Từ) đã tấn công đồn Nhật, giải phóng Tam Đảo, thành lập chính quyền cách mạng, giải cứu nhiều người Pháp, trong đó có vợ chồng Giáo sư Bécna. Chiến lợi phẩm, vũ khí, điện đài, máy chữ… được đưa về Tân Trào trang bị cho bộ đội Việt Minh, người thì được đưa ra nước ngoài từ Sân bay Lũng Cò…”.

Sân bay Lũng Cò do lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng giữa năm 1945, phục vụ máy bay Đồng Minh cất hạ cánh, tiếp tế vũ khí, thuốc men, đưa chuyên gia huấn luyện cán bộ, du kích Việt Minh hoạt động trong hai tháng nhưng có đóng góp cực kỳ to lớn. Có thể gọi Sân bay Lũng Cò là sân bay quốc tế đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam chúng ta.

                                                                              ***

Biệt đội Con Nai - OSS (The Deer Team) là tên một toán đặc nhiệm của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (The Office of Strategic Service) được hình thành vào đầu năm 1945 từ các cuộc trao đổi của Bác Hồ với đại diện Đồng Minh tại Côn Minh. Nhiệm vụ cụ thể là nhảy dù xuống căn cứ của Việt Minh tại Tuyên Quang, chuẩn bị đưa người, vũ khí, kỹ thuật, huấn luyện du kích và giúp Việt Minh chống Nhật. Một trang mới trong quan hệ Việt - Mỹ có thể mở ra nếu Pháp không xâm lược lần 2 và chính quyền Mỹ không thực hiện chính sách cực đoan với Việt Minh…

Khu vực là đường băng Sân bay Lũng Cò xưa.

Nhật ký Biệt đội Con Nai - OSS do chính thiếu tá Đội trưởng Allison Kent Thomas ghi: “Ngày 16-7-1945, những người có tên sau đây tự sẵn sàng cho nhảy dù: Thiếu tá Thomas, trung uý Mongpho; trung sỹ Đen-xki, trung sỹ Logots, binh nhất Pruynie và trung sỹ Phacs. Chúng tôi nhảy dù xuống Tân Trào và được ông Lê Giản lãnh đạo công an và ông Đàm Quang Trung cùng khoảng 200 chiến sỹ đón. Qua nhiều cánh rừng, qua một cổng trào bằng tre, khẩu hiệu bằng tiếng Anh “Hoan nghênh các người bạn Mỹ của chúng tôi”… Rồi chúng tôi được bố trí ở khu rừng Nà Nưa, gặp và hội đàm với ông Hồ, lãnh đạo của Đảng, ông tiếp chúng tôi ân cần…

Trong cuộc hội đàm ngắn vào ngày 17-7-1945, Bác khẳng định với Thomas: “Mặt trận Việt Minh là sự hợp nhất của tất cả các đảng phái chính trị được tổ chức ra với mục đích duy nhất là đánh đổ chính quyền của nước ngoài trên đất nước Việt Nam, đấu tranh cho tự do và hoàn toàn độc lập của Đông Dương”.

Tháng 6 và 7 năm 1945 là thời điểm bận rộn. Biệt đội Con Nai - OSS liên tục có mặt tại Sân bay Lũng Cò để đón người và vũ khí, khí tài, huấn luyện quân sự, qua điện đài chuyển tải thông điệp của Bác đến Chính phủ Pháp, Chính phủ Mỹ và Đồng Minh... Các ngày 27, 28, 29-7-1945, Thiếu tá Thomas, Binh nhất Pruynie cùng 6 người của Việt Minh thị sát tuyến đường đi Thái Nguyên, đường số 3 Thái Nguyên đi Hà Nội và khu vực Chợ Chu, nơi lính Nhật đồn trú (chuyến thị sát này rất quan trọng cho cuộc hành quân về giải phóng Thái Nguyên sau đó và chúng tôi sẽ nói kỹ ở phần tiếp bài viết). Đặc biệt, từ ngày 1 đến ngày 6-8-1945, những sỹ quan Đồng Minh cùng Việt Minh thành lập và huấn luyện cho Đại đội Việt - Mỹ (Đại đội do đồng chí Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng và thiếu tá Thomas làm Tham mưu trưởng).

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ngày 16-6-1945, những người lính Đồng Minh cùng Đại đội Việt Mỹ rời Tân Trào sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Với chính sách đối ngoại đa phương, tận dụng mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng, đây thực sự là sách lược mềm dẻo, linh hoạt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong bài báo “OSS và Hồ Chí Minh 1945: Đồng Minh bất ngờ”, giáo sư Ghi - Ben của Trường Đại học Washington viết: "Việt Minh là tổ chức lớn nhất trong các tổ chức dân tộc chủ nghĩa hoạt động ở vùng biên giới Việt – Trung. Đây là tổ chức duy nhất, nhờ biết dựa vào dân, đã duy trì được các khu du kích ở Bắc Kỳ. Tuy nhiên, chỉ khi Nhật hất cẳng Pháp, OSS mới nhận thức được tầm cỡ của cách mạng Việt Nam”…

(Còn nữa)