“Mây khói tan rồi, còn lại mẹ tôi”

18:46, 19/07/2021

Tôi xin mượn lời bài hát “Người mẹ của tôi” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng để viết về Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những người mẹ vĩ đại đã hiến dâng cho Tổ quốc niềm hy vọng thiêng liêng nhất của cuộc đời - Đó là những người con quả cảm.

Để ngày đất nước thanh bình thì các con của mẹ đã “Lần lượt ra đi... đi mãi mãi”. Và… “Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con”.

Tôi đã có những hành trình xuyên Việt, tận mắt nhìn trên rộng dài quê hương đất nước, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Để một chiều tháng Bảy, lòng dưng dưng trước bia mộ ghi: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Các anh đã chiến đấu, đã nằm lại để bao người mẹ vò võ chờ trông. Chiến tranh đã khép lại, quê hương Thái Nguyên có hơn 10.000 liệt sĩ, gần 8.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 580 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 186 nghĩa trang, đài, đền nhà bia tưởng niệm, ghi danh liệt sĩ. Nhiều người mẹ có 3 con là liệt sĩ; có gia đình Nhà nước vinh danh 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thời gian không là phép nhiệm màu. Những người mẹ anh hùng điềm đạm bước trên dòng trôi của cuộc đời, cùng lặng lẽ đi về miền cực lạc. Nhưng tên mẹ con đây, con cháu các thế hệ tạc vào trời đất lớn rộng bằng câu chuyện kể thường ngày, và bởi truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của một dân tộc không chịu khuất phục trước cường quyền bom đạn.

Đó là mẹ Đặng Thị Thái, xóm Hoa 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương). Mẹ là một trong rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đi vào câu hát: “3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”. Ngày nhân dân cả nước hòa vang câu hát hòa bình, bao đoàn quân phấp phới cờ, sao trở về trong tư thế của người chiến thắng. Trong giờ khắc hân hoan mừng đất nước thống nhất, mẹ Thái cũng như hàng vạn người mẹ của một đất nước từng chịu nhiều đau thương của đạn bom, nụ cười chợt héo đi, bởi trong hàng quân mẹ không gặp được khuôn mặt quen thân ruột thịt. Các con của mẹ đã đi về miền thiên thu, thịt da hòa vào mảnh đất của non sông gấm vóc. Tờ giấy báo tử mẹ nhận được, ngoài dòng tên, tuổi, địa chỉ là vỏn vẹn dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”.

Nghĩa trang Trường Sơn, và những nghĩa trang liệt sĩ nằm dọc dài trên nền Tổ quốc: “Sớm ngăn bão giông/ Chiều ngăn nắng lửa” mà câu ca dao vẫn ngân lên, buốt đau đến đáy trái tim mỗi con người. Vì hòa bình, vì độc lập tự do, vì chủ quyền đất nước tránh sao khỏi hy sinh, mất mát khi bờ cõi thiêng liêng bị quân thù dày xéo.

Vâng! Chiến tranh, người đôi bờ chiến tuyến buộc phải lấy bom đạn ra để thể hiện sức mạnh. Nhưng ở Việt Nam, sức mạnh là ở tinh thần yêu nước. Sức mạnh làm nên chiến thắng được nuôi dưỡng bằng truyền thống anh hùng, bất khuất. Lời Bác dạy năm nào chợt vẳng bên tai: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Chợt nhớ ít năm trước, tôi được chứng kiến mẹ Lâm Thị Tư, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) chống gậy đứng bên hài cốt con trai được gia đình đón về từ một vùng rừng núi Tây Ninh. Mẹ thủ thỉ: “Tội nghiệp, bao năm nằm lại trong núi thẳm, nay con mới về bên mẹ”. Mẹ lặng đi, nén hương trên ban thờ khẽ lay động, từng quầng khói trắng nhẹ nhàng, thoảng thơm như an ủi vong linh người chiến sĩ, và làm người mẹ an lòng.

Con trai của mẹ Tư, và  hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, xây nền đất nước. Hàng triệu người gửi lại nơi chiến trường một phần thân thể. Có những người lính ngày trở về phải suốt đời chung sống với nỗi đau của chiến tranh, đó là thứ chất độc hóa học do quân đội Mỹ trải xuống chiến trường miền Nam.

Trong những chuyến về nguồn tri ân các Anh hùng liệt sĩ; tri ân người có công với cách mạng và thân nhân người có công dịp lễ, Tết và ngày 27-7 hằng năm, tôi đã nhiều lần nghe câu nói của những người Mẹ: Mẹ không muốn làm Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng vì tiếng gọi của non sông, đất nước, mẹ hiến dâng tất cả những gì mẹ có cho Tổ quốc.

Tôi cúi đầu, lắng nghe, cảm động và chỉ biết nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của mẹ. Là người Việt Nam, có ai cầm được nước mắt khi nghe một người mẹ già kể chuyện đã lần lượt tiễn các con lên đường vào nơi hòn tên, mũi đạn, để phía sau lưng là làng quê yên bình. Rồi những người mẹ ấy lại bươn trải, lo toan và lúc tấm lưng còng xuống như dấu hỏi, lại lần lượt nhận được tin con đã hy sinh ngoài mặt trận. Mẹ Nguyễn Thị Tý, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương (Định Hóa) nhận được 3 tờ giấy báo tử trong cùng 1 ngày, gồm 2 con trai và 1 con rể. Mẹ Lê Thị Gừng, xóm Bãi Chẩu, xã Vạn Phái (Phổ Yên) có 2 con trai là liệt sĩ. Mẹ Ngô Thị Tựu, xóm Ngoài, xã Xuân Phương (Phú Bình) có chồng và con trai là liệt sĩ. Chồng mẹ hy sinh thời kháng chiến chống thực dân Pháp, con trai mẹ hy sinh thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt như gia đình ông Hoàng Tú, tổ 17, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), phụng thờ 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các mẹ đã thầm lặng hy sinh, thầm lặng cống hiến, góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của Tổ quốc. Cho dù thời gian có lạt màu, nhưng đức hy sinh của các mẹ như ngọc sáng, tỏa ánh hào quang, nhắc nhở cháu con đời đời gìn giữ non sông gấm vóc của Tổ quốc. Đền đáp công ơn mẹ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Để “Mây khói tan rồi còn lại mẹ tôi”.