Thợ hồ mưu sinh ngày nóng

18:11, 16/07/2021

Tôi thấy trước mắt đầy đom đóm, người lạnh toát, vội ngồi thụp xuống giàn giáo… Mấy bạn thợ gần đó nhao lại, đưa xuống đất an toàn. Ông Trần Văn Quân (Phú Bình) kể lại lần bị say nắng khi đang tham gia thi công tại một công trình ở T.P Thái Nguyên.

Mấy bạn hồ của ông Quân lắc đầu: Nắng nóng kinh khủng. Hết đợt này sang đợt khác, nhưng vì mưu sinh mà phải cố gắng.

Ông Hoàng Xuân Tùng (xã Cao Ngạn) kể: Tôi làm phu hồ tại một công trình nhà cao tầng ở Hà Nội. Đợt nắng nóng gay gắt cuối tháng Sáu, 3 giờ chiều nhóm thợ chúng tôi mới trèo giáo. Làm việc được chừng nửa giờ, tôi thấy chân tay bủn rủn. Chưa kịp định thần thì ngã. Mở mắt nhìn xuống dưới thấy toàn ao rau muống. May là thắt dây an toàn, chứ rơi từ tầng 15 xuống chắc hết cứu.

Phải tận mắt chứng kiến những người thợ làm việc dưới hơi nắng ở nhiệt độ 38, 40 độ C, mới cảm nhận được nỗi cực nhọc của người thợ hồ.

Thấy chúng tôi tò mò về đời phu hồ, bà Dương Thị Chúc (Phú Bình) buông xe “rùa” xuống nền đất, dùng khăn vắt vai lau mồ hôi mặt, kể: Cả ngày đi làm oải hết người, về nhà vội lo cơm nước cho chồng, con. Dọn dẹp, giặt giũ, khuya muộn mới được lên giường. Chợp chưa đã mắt lại vùng dậy, lùa vội miếng cơm rồi tất tưởi đi làm…

Bà Chúc làm thợ phụ, hưởng công nhật. Có sức khỏe, lại thạo việc nên được trả công 300.000 đồng/ngày. Bà theo chồng đi làm phu hồ gần 20 năm nay. Tằn tiện làm lụng vợ chồng bà cũng xây được nhà 2 tầng ở quê. Anh con trai lớn đang học đại học năm 2 ở Hà Nội, tranh thủ kì nghỉ hè theo bố mẹ đi làm thợ hồ. Gặp đợt nắng, nóng gay gắt, mặt cháy nắng, đen nhẻm, nhưng phấn chấn, cố gắng theo kiếm thêm tiền đóng học.

Nhóm thợ hồ dùng lưới, bạt căng che chắn nắng.

Để cảm nhận đầy đủ hơn cái nắng và cái nóng cũng như sự cực nhọc, vất vả của người thợ hồ, tôi xin leo lên giàn giáo, cầm dao xây. Chỉ một lát mồ hôi chảy thành giọt, rơi vào viên gạch vừa đặt theo hàng.

Như để thử thách, người phụ trách công trình bảo tôi xuống giáo ném gạch. Tôi hào hứng ném từng viên cho người trên giáo bắt. Nhưng chỉ được mươi phút lưng áo ướt sũng, mồ hôi chảy vào mắt cay xè. Tôi vội lảng vào bên trong một gian phòng của công trình, gặp ở đó những người thợ quần cộc, mình trần.

Ông Đỗ Tấn Nam (Đại Từ) đang dùng cây thước dài trà qua trà lại chỗ vữa mới bả để lấy mặt phẳng. Thấy tôi, ông dừng tay bắt chuyện: Bác vào đây, bao nhiêu cảm cúm khỏi hết, vì chỗ này chắng khác nào lò xông hơi. Nói xong, ông châm thuốc lá hút ngon lành rồi tiếp tục: Chúng tôi đi làm, lâu dần thành thợ. Hầu hết đều chưa qua đào tạo nhưng có thể đọc bản vẽ, tính toán vật liệu, kết cấu công trình và xây dựng được nhà cao tầng.

Mấy thợ hồ gần đó cũng nghỉ giải lao tại chỗ. Họ cầm chiếc ca nhựa đen xỉn vục vào thùng nước đá, ngửa cổ uống ừng ực. Một bác nói: Phải uống nước đá, không cho đường mới đã khát. Rồi như một thói quen, các thợ hồ ném cho nhau bao thuốc lá và diêm..

Tôi nhận ra có rất nhiều thợ hồ thích hút thuốc lá, kể cả khi thời tiết nắng nóng cực đỉnh. Chợt một luồng gió ào tới, tôi quay lại thấy có chiếc quạt công nghiệp mới được chủ công trình mang đến. Sáng kiến tăng năng suất lao động. Tôi thở phào nhận ra những người thợ hồ luôn sáng tạo, khắc chế nghiệt ngã thiên nhiên để lao động hiệu quả. Như việc nhiều thợ hồ mặc áo chống nóng (loại áo được trang bị 2 quạt mini bên sườn). Hoặc dùng lưới, bạt căng che chắn nắng. Vào hôm nắng nóng gay gắt, các nhóm thợ tự thống nhất đến công trường sớm hơn vào buổi sáng, muộn hơn vào buổi chiều.