Khi đến tìm hiểu công việc của cán bộ, chiến sĩ tại Trại tạm giam Công an tỉnh để viết về đề tài an ninh, tôi được lãnh đạo Trại bố trí cho gặp mấy cán bộ quản giáo, trong đó một quản giáo nữ khi gặp, tôi không nghĩ chị đã có hơn 20 năm làm việc tại đây. Qua trò chuyện, tôi mới biết công việc gắn liền với chị và các đồng nghiệp hằng ngày không chỉ là sự vất vả mà đôi khi còn cả nguy hiểm cận kề.
Ngồi trước mặt tôi là Trung tá Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó đội trưởng Đội quản giáo, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát năm 2000, chị được phân công về Trại và công tác suốt từ đó đến nay. Tôi mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi về cảm giác sau khi được điều về làm quản giáo tại Trại tạm giam, chị trải lòng:
- Là nữ cảnh sát, ai cũng muốn làm việc ở những lĩnh vực ít phức tạp như: Hộ khẩu, giao thông hay các công việc văn phòng khác. Mỗi lĩnh vực đều có sự vất vả khác nhau nhưng làm việc ở những bộ phận ấy thường theo giờ hành chính. Ở Trại tạm giam này, chúng tôi làm theo ca, trực đêm, đi tuần như các quản giáo nam, chưa kể đến diễn biến phức tạp của người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân ở các buồng giam mình được giao phụ trách.
- Vậy mà chị đã gắn bó hơn 20 năm ở nơi này.
- Vâng! Công việc nào rồi cũng quen anh ạ! Thoắt cái đã vài chục năm.
Thoắt cái, đấy là cái cảm giác ngoái lại của Trung tá Nguyễn Thị Thúy Hà, thực tế nó không hề nhẹ nhàng như thế. Tôi biết cách đây 20 năm, cảnh quan, đường sá khu vực này không phải đẹp đẽ phong quang như bây giờ. Nơi ăn, ở của cán bộ, chiến sĩ cũng như những người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Trại lại ở một nơi cách biệt với khu dân cư, xa đường, xa chợ, hẳn là những thanh niên đang đầy mộng mơ như chị Hà lúc đó sẽ chẳng thích thú gì. Có lẽ phải đấu tranh với chính mình nhiều lắm chị mới có thể yên tâm công tác được. Nói về công việc chị Hà bảo:
- Anh cứ hình dung công việc của chúng tôi ngắn gọn trong vài dòng thế này: Quản lý, bảo đảm chế độ tiêu chuẩn cho người bị giam giữ đúng quy định của Nhà nước. Theo dõi sức khỏe, tâm lý, động viên họ phục vụ tốt cho công tác điều tra để hoàn tất hồ sơ vụ án.
Nếu tóm lược lại chỉ có mấy dòng thế thật, nhưng công việc phải làm chẳng ngắn gọn chút nào. Tôi đã đọc những thông tư, nghị định của Chính phủ quy định đến từng chi tiết nhỏ như cái bàn chải đánh răng, thuốc men, thực phẩm, cả đến tiêu chuẩn ăn ở, học hành của con cái người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân. Rồi cả quy định về tiêu chuẩn bảo đảm tinh thần như sách báo, ti vi cho từng buồng, từng phòng. Quy định thăm nom cho từng đối tượng. Quy định của Nhà nước thì quá rõ ràng. Tiêu chuẩn ăn hàng ngày của người bị giam giữ đều có cân đong, tiền hay hàng lưu ký cũng phải giao nhận có chữ ký của hai bên, nhưng tôi chợt tò mò:
- Ở bên ngoài tôi vẫn nghe thấy chuyện ăn chặn hàng tiếp tế của nhau trong các buồng, thực hư chuyện này thế nào?
Trung tá Hà nhẹ giọng: -Chuyện ấy phần lớn do những người bị giam giữ tạo ra, đặc biệt là các quý tử con nhà giàu. Chúng làm như thế để đánh vào tâm lý người thân rồi vòi vĩnh họ gửi tăng thêm. Quản giáo chúng tôi ngày kiểm tra buồng mấy lần, làm sao có sự ăn chặn của nhau được.
Ngừng một lát, giọng chị chùng xuống: Các quy định luôn phải thực hiện, nhưng những phát sinh hàng ngày lại là một chuyện rất khác. Có người ra trại, vào trại nhiều lần nên khi vào trại họ còn cao giọng lấn át quản giáo để đòi hỏi, yêu sách. Lại có người dùng mánh khóe giả tự sát để dọa các quản giáo.
Tôi biết lúc này những câu chuyện về nỗi vất vả của người quản giáo nữ như chị Hà mới được bắt đầu, mỗi câu chuyện đều có một cái kết, cả vui, cả buồn, thậm chí có cả nỗi ám ảnh với chị…
Đó là chuyện về bị can Trương Thị Thưa ở xóm Huống, xã Thượng Đình (Phú Bình) giết chồng rồi ném xác xuống sông Cầu phi tang năm 2013. Khi được đưa vào Trại, Thưa ở trạng thái suy sụp hoàn toàn vì nghĩ mình khó thoát án tử, không ăn uống, lúc nào cũng tìm cách tự sát. Lúc đó, chị Hà phải giám sát chặt chẽ và luôn động viên để Thưa hiểu rõ về pháp luật, nhất là tình cảm với gia đình, con cái để yên tâm thi hành án.
Suốt vài tháng trời vất vả bên bị cáo, ngay cả ngày ra tòa, Trương Thị Thưa vẫn chưa trấn tĩnh hoàn toàn, nhưng đó lại là một trong những người cải tạo tốt, vẫn viết thư về cảm ơn các quản giáo. Trong cuộc thi “viết thư xin lỗi người thân và gia đình” tại Trại giam Phú Sơn, Trương Thị Thưa đã giành giải Nhất. Khi nhận tin này, Trung tá Hà vui như chính người thân của mình đoạt giải, sâu xa hơn là đã có thêm một người thực sự hoàn lương.
Trung tá Hà còn kể cho tôi nghe nhiều trường hợp buôn bán ma túy, đã nhiễm HIV ra vào đây mấy lần nên luôn tỏ ra bất cần đời. Đến buồng nào cũng chỉ im ắng một thời gian ngắn lại gây gổ, cãi lộn. Nay kêu cơm ít, mai kêu rau mặn. Rồi còn xé quần áo bện lại dọa tự sát. Có trường hợp tử tù đã bị tuyên án hơn chục năm nhưng Chủ tịch nước chưa ký quyết định thi hành, lúc nào cũng kêu gào yêu cầu… được thi hành án ngay. Với những trường hợp ấy, người quản giáo như chị Hà ngoài am hiểu luật pháp còn cần nắm bắt được tâm lý của họ để kiên trì thuyết phục.
Chị Hà bảo có phạm nhân là nữ công chức mắc tội lừa đảo, vào trại khi gặp quản giáo là lại lý luận rất bài bản. Lúc đó, chị Hà kiên trì ngồi chờ họ lý luận hàng tiếng đồng hồ rồi mới giải thích rành rọt về luật pháp. Chỉ từ khi ấy phạm nhân mới im lặng chấp hành. Thì ra, trong công việc này ngoài kiến thức về pháp luật còn cần ở người quản giáo sự kiên trì và luôn có tình người.
Đặc biệt, chị Hà kể cho tôi nghe câu chuyện về một nữ phạm nhân chỉ vào trại một tuần rồi chuyển trại, nhưng khiến chị bị ám ảnh một thời gian dài. Chị ta vào trại cùng ba đứa con nhỏ, còn gửi ông bà ngoại hai đứa con lớn. Hỏi chị ta sao không để hai đứa bé ở nhà cho hai đứa lớn đi theo cho đỡ khổ nó, chị ta trả lời ráo hoảnh: Để đứa bé ở nhà ông bà phải trông thì ai đi làm để có cái tiếp tế cho tôi. Tìm hiểu kỹ chị Hà mới biết nữ phạm nhân này đẻ mỗi năm một đứa, mỗi đứa… một bố để tránh đi cải tạo.
Kể đến đoạn này giọng Hà trầm buồn: Thấy chị ta quát nạt, hành hạ con mình khi đưa vào trại, chúng tôi bực lắm nhưng vẫn phải kìm nén cảm xúc. Nhìn những đứa trẻ vô tội, chúng tôi lại bảo nhau ngày ngày mở buồng đưa chúng ra ngoài chơi, rồi mua sữa cho chúng uống.
Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Nguyễn Thị Thúy Hà không nói gì về bản thân mình, nhưng trước khi đến đây tôi biết người bạn đời của chị làm cùng ngành, công tác tại Trại giam Phú Sơn. Mấy tháng nay do tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên anh phải trực tại đơn vị không được về. Một mình Hà gánh vác công việc cơ quan và chăm lo hai con học hành. Chị đã được tặng hai Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an năm 2018. Năm 2020 là cán bộ có thành tích xuất sắc trong phong trào Vì an ninh Tổ quốc…
Có lẽ câu chuyện của chúng tôi còn kéo dài nếu thời gian cho phép, nhưng cả chị và tôi còn công việc đang chờ, chia tay chị tôi cứ mông lung về những cuộc đời lầm lỗi. Và chợt nghĩ, nếu thiếu những con người đang hy sinh, nhẫn nại lặng thầm, giúp bao người tìm lại niềm tin cuộc sống, biết hướng thiện để trở về thì làm sao xã hội có được sự bình yên.