Mang trên mình nhiều thương tật, hai chân bị teo, quẹo ra phía sau, gù cột sống lưng, cánh tay có nhiều chỗ nổi cục, sưng tấy khiến mọi sinh hoạt gặp khó khăn…, đã có lúc anh thấy mình tuyệt vọng trước cuộc sống. Nhưng anh lại thức tỉnh, lại đứng dậy bước tiếp, vượt lên nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần để tìm hạnh phúc và khẳng định giá trị bản thân. Nhiều người gọi anh với cái tên thân mật “Bình gù”. Anh là Dương Văn Bình, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang (T.P Sông Công).
Trong ngôi nhà nhỏ nằm ven đường vào trung tâm thành phố Sông Công, anh Bình đang cần mẫn sửa các thiết bị điện, còn vợ anh ngồi kế bên chăm chú cắt may những chiếc vỏ bọc ghế sofa. Mấy đứa trẻ con đang líu lo dạy nhau học chữ… Thấy có khách đến, anh nở nụ cười rạng rỡ, từ từ di chuyển đến bàn để pha nước.
Với chất giọng khỏe khoắn, anh nói: Trở về từ chiến tranh chống Mỹ, bố tôi mang trong mình chất độc da cam. Thứ chất độc ấy, cứ âm thầm ngấm vào cơ thể của 4 anh em chúng tôi, trong đó tôi là anh cả chịu ảnh hưởng nặng nhất. Tuổi thơ tôi lớn lên với một thân hình dị dạng, đôi chân không thể tự bước đi, đôi tay làm việc một cách khó nhọc. Khó khăn là vậy nhưng tôi luôn khát khao được đi học, tìm cho mình một việc làm ổn định nuôi sống bản thân và gia đình.
Ngày đó, con đường tìm chữ của anh phải đánh đổi bằng máu và những vết chai sạn trên đôi chân bò lê đến trường, bằng những giọt nước mắt bởi tủi hổ về thân hình và nghèo khó. Nhưng rồi với nỗ lực không ngừng của bản thân và sự trợ giúp của gia đình, bạn bè, thầy cô, anh đã theo kịp chúng bạn học hết cấp II, rồi cấp III.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào trường cao đẳng nghề, rồi tiếp tục theo học hơn một năm ở Khoa Điện tử Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chính tại nơi này, may mắn đã mỉm cười với anh. Anh được các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức khám và phẫu thuật chân dị tật. Từ đó đôi chân của anh đã quay về phía trước, có thể đi lại khá dễ dàng bình thường.
Ngay sau khi ra trường, anh đã đi làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa đồ diện ở Hà Nội để kiếm tiền và lấy kinh nghiệm. Khi tích cóp được chút vốn liếng, anh về quê mua đất và xây dựng cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng. Tính tình cởi mở, hiền lành, hay giúp đỡ người khác cộng với tay nghề giỏi, uy tín nên ngày càng nhiều khách hàng đến cửa hàng của anh.
Có việc làm, có thu nhập song anh vẫn mặc cảm với những khiếm khuyết của cơ thể mình, không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng. Thế nhưng có một người con gái, chị Tạ Thị Thu Hà, quê Phổ Yên, làm công nhân may gần đó, từ lâu đã mến mộ, cảm phục nghị lực của anh. Chị đã mặc những những gièm pha, phản đối từ gia đình để xây dựng hạnh phúc riêng với anh.
Đến nay, hai anh chị đã có một mái ấm gia đình với ba đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Có gia đình riêng, anh Bình càng hăng say phát triển kinh tế để cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy. Anh bảo: 4 năm trước, vợ chồng tôi mở cơ sở hàng may mặc gia công đồng phục học sinh; bán buôn, bán lẻ mặt hàng chăn, ga, gối đệm, tạo việc làm cho 4 người, trong đó có 2 người khuyết tật. Nhưng giờ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các đơn hàng ít, khó thu nợ nên cơ sở may tạm ngưng.
Ngoài các hình thức kinh doanh, từ năm 2012, vợ chồng anh duy trì chăn nuôi hàng chục con lợn thịt. Năm 2018, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, cũng như bao người, gia đình anh buộc phải tiêu hủy đàn lợn. Không nản lòng, anh lại vay 150 triệu đồng để cải tạo, đầu tư chuồng lợn thành chuồng bò rồi mua 5 con bò 3B về nuôi thử nghiệm, đến nay có 30 con; chuyển đất đồi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, trồng chè…
Anh cười tươi, cuộc sống của tôi đơn giản thế thôi, quanh đi quẩn lại, đất không nghỉ, người không hết việc.
Tôi theo anh nửa cây số thăm khu chuồng trại. Chiều muộn, đàn bò đói thấy chủ về kêu rống lên. Vừa chống xe, anh vội lấy chổi quét dọn lối đi, máng ăn, trộn đều cám, bã đậu rồi ra vườn cắt thêm cỏ.
Nhìn người đàn ông thân hình nhỏ thó, lưng cao ngang đầu, khuôn mặt rám nắng, đôi tay thoăn thoắt hết việc này sang việc kia, tôi nghĩ thành công không phải điều gì đó xa xôi, mà đơn giản chỉ là tập trung cao độ vào công việc của mình, tìm được công việc phù hợp với khả năng ấy là hạnh phúc.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Sông Công cũng nói về hội viên của mình với đầy vẻ tự hào. Anh Bình là một tấm gương nạn nhân da cam đã vượt lên số phận, là cá nhân điển hình của thành phố trong mọi phong trào, hoạt động. Mới đây, anh là một trong 2 nạn nhân da cam tiêu biểu của cả nước về tham gia chương trình “Hành trình khát vọng” do kênh Truyền hình Quốc phòng Việt nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam.
Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu, anh Bình còn tích cực tham gia công tác xã hội tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang và hiện là Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố.
Với vai trò ấy, anh luôn tận tâm giúp đỡ người khuyết tật trong khả năng có thể như tạo việc làm, sửa chữa miễn phí đồ điện, cho vay vốn... Anh cũng đề xuất, kiến nghị với các ngành liên quan thực hiện những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người khuyết tật, nhất là trong việc tiếp cận kiến thức, nguồn vốn, tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm... giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng, nuôi sống bản thân.
Đặc biệt anh luôn động viên anh chị em cùng cảnh ngộ chấp hành tốt các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương. Anh bảo với họ: “Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều rồi, bản thân chúng ta phải vượt khó vươn lên, chỉ có thế ta mới tìm thấy hạnh phúc, bình yên thực sự.
Từ những nỗ lực trong hành trình vượt lên số phận của mình, anh Bình đã nhiều lần được vinh danh, khen thưởng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ Việt Nam, UBND tỉnh, thành phố Sông Công...