“Đánh thức” chốn thâm sơn

16:08, 28/09/2021

Là một trong 50 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh, nằm ở xa trung tâm xã, địa hình không bằng phẳng, giao thông khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với lối canh tác theo tập tục cũ… những điều đó khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình ở đây cứ mãi thiếu trước hụt sau. Nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Ở Hợp Nhất (Tràng Xá, Võ Nhai) hôm nay, với những tư duy mới, bằng nội lực của chính mình, người dân đang khiến nơi thâm sơn này “bừng giấc”.

Đường vào trung tâm xóm tuy không lớn nhưng đã được đổ bê tông sạch sẽ nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Nhiều vạt ruộng hoang hóa trước đây đã mướt xanh màu của chè, thanh long, bưởi và nhiều cây ăn quả khác.

Anh Chu Thanh Hải, Trưởng xóm Hợp Nhất phấn khởi chia sẻ: Khó khăn của bà con trong xóm còn nhiều lắm! Sau khi xóm cũ của chúng tôi (xóm Khuôn Ruộng) sáp nhập với xóm Tân Đào để tạo thành xóm Hợp Nhất thì xét về mọi khía cạnh Hợp Nhất đều rất khó. Nằm trong danh sách các xóm đặc biệt khó khăn, bà con trong xóm sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước hơn, nhưng chúng tôi chỉ coi sự hỗ trợ đó là động lực để tiến lên chứ không trông chờ ỷ lại.

- Hợp Nhất - tên xóm hình như cũng hàm chứa quyết tâm ấy? - Tôi hỏi anh Hải. “Được lời như cởi tấm lòng”, anh Hải vui vẻ kể: Năm 2018, khi có chủ trương sáp nhập 2 xóm Tân Đào và Khuôn Ruộng, xóm được cấp trên gợi ý lấy tên là xóm Hòa Bình. Nhưng khi họp xóm, bà con thống nhất và kiến nghị được lấy tên xóm là Hợp Nhất. Với ý nghĩa, dù có khó khăn nhưng khi hợp lại sẽ tạo thành sức mạnh thống nhất để vươn lên.

Cái khó của người dân trong xóm mà anh Hải nhắc tới có thể thấy phần nào qua tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Toàn xóm có 127 hộ, 540 nhân khẩu, trong đó có 18 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, tinh thần vươn lên của người dân trong xóm cũng được thể hiện rõ qua việc ngày càng nhiều các đồi cây ăn quả, các mô hình trồng trồng rau, quả trong nhà lưới được hình thành. Trong lĩnh vực này, một số người dân xóm Khuôn ruộng cũ có kinh nghiệm hơn, khi đi tiên phong tìm tòi, trồng thử nghiệm và rồi nhân rộng các mô hình.

Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, những nông dân này không giữ kinh nghiệm ấy cho riêng mình mà sẵn sàng chia sẻ, khuyến khích và giúp đỡ những người cùng xóm khi có nhu cầu.

Vợ chồng anh Hoàng Viết Văn vốn làm công nhân ở Bắc Ninh nhiều năm nay. Năm 2021, hai vợ chồng anh về quê. Được sự giúp đỡ, chỉ bảo của những người có kinh nghiệm đi trước, anh Văn cải tạo lại đồi bãi trước đó chỉ có phất phơ vài loại cây quả chẳng đủ để ăn, mạnh dạn trồng hơn 600 gốc thanh long ruột đỏ.

Anh Hoàng Viết Văn (bên trái) đang được Trưởng xóm Chu Thanh Hải chia sẻ kinh nghiệm giúp cây thanh long 6 tháng tuổi leo giàn.

Anh Văn chia sẻ: Thú thực, bao năm đi làm xa nhà, đồng lương cũng được coi là ổn định nhưng phải chi phí nhiều từ ăn ở, đi lại nên cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Bố mẹ già và con nhỏ cũng không chăm sóc được. Về làm kinh tế tại nhà, dù là lần đầu tiên trồng thanh long với số lượng cây lớn nhưng tôi rất tự tin vì có các chú, các anh có kinh nghiệm trong xóm giúp từ giống đến kỹ thuật. Có khi, các bác ấy còn lo cho vườn thanh long của tôi như của họ.

Xuống giống từ hồi tháng 3, đến nay 600 gốc thanh long của gia đình anh Văn đã vươn tới giàn. Anh tính chỉ khoảng 2 năm nữa, gia đình anh sẽ có khoản thu nhập khá từ vườn đồi.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các vườn cây ăn quả, anh Hải vừa nhẩm tính: Ngoài bưởi là cây trồng chủ công từ trước, cả xóm hiện nay có đến hơn 1 vạn gốc thanh long rồi. Có nhà trồng nhiều lắm, thu trên dưới 2 tấn/lứa, như nhà anh Chu Thanh Hùng hay Trần Văn Nga. Được cái đất ở đây lại hợp với giống này nên quả cho mã đẹp và chất lượng lại ngon nữa. Thương lái cứ đến mua kìn kìn. Ngoài ra, trong số 5ha chè của cả xóm, một số hộ đã chuyển đổi từ trồng chè ta sang chè cành. Giá chè khô trước đây chỉ khoảng 50 - 70 nghìn đồng/1kg thì nay đã tăng lên khoảng 100 - 150 nghìn/1kg tùy loại. 

 Ngoài trồng chè giống mới và mở rộng diện tích thanh long ra, trong sản xuất bà con xóm mình có áp dụng phương thức mới nào không?

- Có đấy, vài hộ hiện nay đang bắt đầu nuôi trâu gột (mua trâu gày hoặc non về vỗ béo trong thời gian ngắn rồi bán lại) và cải tạo ao thả cá. Đợt đầu năm nay, 3 công dân của xóm còn mạnh dạn thử nghiệm trồng rau, dưa trong nhà lưới, được hỗ trợ kinh phí trên 100 triệu đồng. Sản phẩm làm ra thành công ngoài mong đợi. 

Nhưng hình như anh kể thiếu tên mình trong danh sách những người đi tiên phong? Tôi hỏi vui vậy vì biết anh Hải khiêm tốn thôi chứ tôi đã có dịp tận mắt nhìn vườn thanh long rộng mênh mông, đỏ ối quả của anh khi vào độ chín. Anh Hải đưa tay gãi gãi đầu, nhỏ giọng: Nhà mình cũng trồng được gần 1 mẫu thanh long và cải tạo được 2 cái ao thả cá quãng chừng 4 - 5 sào. Vừa là để phát triển kinh tế gia đình, vừa làm để có kinh nghiệm còn đồng hành cùng bà con  trong xóm.

Chỉ tay về những mảng màu xanh ngăn ngắt phía xa, anh Hải thông tin thêm: Người dân trong xóm hiện giờ đã trồng thêm được 6ha nhãn nữa… Để giàu thì khó nhưng khó mấy cũng làm với mục tiêu trước mắt là quyết tâm cùng nhau thoát nghèo.