Tân Quang – Đất cằn lên phố

12:43, 06/09/2021

Tân Quang cơ bản là một xã thuần nông, điều ấy là chắc chắn từ cách đây đôi năm trở về trước. Chỉ cách trung tâm thành phố trẻ Sông Công chưa đến 10km, có cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên chạy qua, gần Quốc lộ 3 cũ lại giáp ranh với các phường phát triển khá như Bách Quang, Lương Sơn (T.P Sông Công) và Tân Thành (T.P Thái Nguyên), nhưng Tân Quang lâu nay bị coi như “vùng trũng” về nhiều mặt.

Giờ thực tế đã khác. “Tân Quang” là từ khóa khá thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, xã thuần nông này đang chuẩn bị cho một cuộc “cất cánh”…

Tháng 8, đã bước vào Thu nhưng trời vẫn nắng như đổ lửa. Tiết trời oi bức không làm giảm khí thế lao động trên đại công trường xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II. Máy xúc, máy ủi, xe tải hạng nặng tổng cộng đến cả trăm chiếc và nhiều công nhân vẫn miệt mài, hối hả làm việc.

Nguyễn Đức Tuấn là một chỉ huy công trường còn khá trẻ, anh liên tục chạy qua chạy lại đôn đốc công nhân và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thi công. Doanh nghiệp mà anh đang “đầu quân” trúng gói thầu san lấp trên 10ha, thuộc vị trí mà một nhà đầu tư thứ cấp đã đăng ký mặt bằng để xây dựng nhà máy từ gần 2 năm trước.

Doanh nghiệp thứ cấp cần mặt bằng nên thúc ép chủ đầu tư hạ tầng (Ban Quản lý các KCN tỉnh) bàn giao đất, chủ đầu tư giục giã chính quyền quyết liệt vào cuộc gỡ vướng mặt bằng. Rồi mặt bằng được giải phóng đến đâu chủ đầu tư thúc nhà thầu làm nhanh đến đó. Cả công trường như một guồng máy, một dây chuyền vận hành không ngừng nghỉ hơn 2 năm qua.

Tuấn gạt vội những giọt mồ hôi trên mặt, dụi mắt sau màn bụi từ chiếc xe tải vừa chạy qua rồi bảo: Trước đó bọn em vừa làm vừa phải chờ mặt bằng, giờ mặt bằng mới được bàn giao nhiều nên huy động tổng lực làm liên tục, không kể ngày đêm. Chạy với thời gian, đua với thời tiết để kịp tiến độ…

Những phần diện tích cuối cùng thuộc 250ha của KCN Sông Công II đang khẩn trương được san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng để bàn giao cho các nhà đầu tư.

Địa hình Tân Quang đặc trưng của vùng bán sơn địa, phần lớn đất đai không màu mỡ. Máy xúc chỉ gạt qua khoảng 20-30cm đã hết lớp phong hóa và đến đất củ màu vàng, đỏ lẫn đá sỏi. Chả thế mà trong phạm vi 250ha của quy hoạch KCN Sông Công II ngoài một phần diện tích là ruộng, ao thì nhiều quả đồi thấp trước đó người dân chủ yếu trồng rừng và để vườn tạp. Không ít nhà có cả héc ta đất mà đời sống kinh tế vẫn chật vật.

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tân Quang luôn trăn trở, xoay xở thử nghiệm, áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng khoai tây, bưởi diễn… nhưng hiệu quả kinh tế còn “khiêm tốn”.

Trong “dòng chảy” phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của 2 đô thị lớn nhất tỉnh là T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công, vùng đất Tân Quang nằm ở giữa như bị lãng quên và vẫn “thờ ơ đứng ngoài cuộc”. Nửa phố, nửa nông thôn, lao động nông nghiệp trên địa bàn ngày càng thiếu hụt vì lớp trẻ đổ xô đi làm công nhân tại các nhà máy. Trong rất nhiều năm trước đó, về phát triển kinh tế, Tân Quang gần như không có một điểm nhấn nào đáng kể, đành chấp nhận tụt lại phía sau so với các xã, phường khác của thành phố.

Dự án KCN Sông Công II nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Tân Quang được đẩy mạnh triển khai từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 thực sự như một luồng sinh khí mới đủ khiến mảnh đất cằn này “tỉnh giấc”.

250ha thuộc quy hoạch KCN liên quan đến 5/10 xóm của xã, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Không ai muốn cuộc sống bị xáo trộn, phải di chuyển chỗ ở, phải bắt đầu lại nhiều thứ… nhưng người dân Tân Quang hiểu rõ họ sẽ được nhiều hơn mất. Được một khoản tiền bồi thường, hỗ trợ không nhỏ trước mắt để chuyển đổi nghề, “ly nông bất ly hương” là điều mà những người nông dân vốn “chân lấm tay bùn” không ai không mong muốn; họ có thể chuyển sang làm nhiều nghề dịch vụ phù hợp, xây nhà trọ cho công nhân thuê; xin vào làm tại các nhà máy được xây dựng trên chính mảnh đất trước kia họ trăn trở hằng năm về việc trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo.

Đại diện chủ đầu tư hạ tầng và nhất là các nhà thầu đều chung một đánh giá, đại đa số người dân Tân Quang rất đồng thuận với Dự án xây dựng KCN, từ việc chấp hành giải phóng mặt bằng đến tạo điều kiện thuận lợi cho thi công. Dù rằng, quá trình triển khai một dự án lớn như vậy đã và vẫn đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ: Bụi bặm, tiếng ồn, đường sá lầy lội, nhiều diện tích bị ngập úng khi hệ thống kênh mương cũ bị ảnh hưởng trong khi hệ thống mới chưa được xây dựng…

Khu tái định cư Tân Tiến đã mang dáng dấp của một khu đô thị hiện đại.

Nhận thức, ý thức từ chính những người dân là điều quan trọng nhưng không thể không nhắc đến sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền sở tại.

Cuối nhiệm kỳ trước, tức là khi KCN Sông Công II bắt đầu triển khai, Đảng ủy xã Tân Quang đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, vận đông, giúp đỡ người dân giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, ông Dương Văn Đức nhớ lại: Đảng ủy chỉ đạo chính quyền xã xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập Tổ công tác thường trực, làm việc không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ hành chính.

Giờ thì nhiều kết quả đã thấy rõ, hơn 240ha/250ha đã được giải phóng mặt bằng, dù còn ngổn ngang, bụi bặm nhưng một KCN tầm cỡ, hiện đại đã có hình hài rõ nét. 100% diện tích tại đây đã được các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký, trong đó có những dự án với số vốn đầu tư vài trăm triệu USD đã cơ bản hoàn thiện xây lắp dây chuyền sản xuất, chờ ngày vận hành. Khu tái định cư Tân Tiến phục vụ giải phóng mặt bằng KCN Sông Công II hiện được đầu tư hạ tầng khá hoàn chỉnh, hàng chục hộ dân đã chuyển đến ở, đã mang dáng dấp của một khu đô thị hiện đại.

Đường 36m nối từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II đã hoàn thành, khang trang, hiện đại, xe cộ qua lại nườm nượp. Hai bên đường, các loại hình dịch vụ được mở ra ngày càng nhiều; Khu dịch vụ tiện ích, đô thị cũng sắp được triển khai. Trục đường rất quan trọng này được xây dựng hoàn toàn mới trên những khu vực trước đó là đồi núi cằn cỗi và ruộng trũng, là sự phủ định cái cũ, cái lạc hậu trong triết lý về phát triển.

Tuyến đường nối từ trung tâm hành chính xã Tân Quang ra trung tâm T.P Sông Công cũng đang được thi công với số vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Mới đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch KCN Sông Công II mở rộng (thêm 300ha)…

Tân Quang đang phát triển, đang khác rõ qua từng ngày. Xã thuần nông đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành một trọng điểm về phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều đang hội tụ. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết và kế hoạch nâng cấp xã Tân Quang thành phường trong nhiệm kỳ này.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang tự tin: Hiện xã đã đạt nhiều tiêu chí của phường, những tiêu chí còn lại cũng không quá đuối. Chúng tôi làm được!