Trời đã sang Thu, nắng vàng như rót mật trên quê hương Thái Nguyên. khi những cánh đồng lúa đương thì con gái mướt mát xanh thì những đồi quả cũng đang vào vụ thu hoạch. Với phòng trào ‘trồng cây mới” trên đất cũ, gần chục năm nay, nhiều loại quả ngọt ngon đã được người dân Thái Nguyên nhân giống thành công như nhãn, thanh long ruột đỏ, bưởi… Tuy nhiên, những thứ quả thật sự thơm, ngon trong mùa Thu, mang “thương hiệu” Thái Nguyên thì chỉ có quả na La Hiên (Võ Nhai); ổi Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) và trám đen Hà Châu (Phú Bình).
Quả na thanh mát, ngọt ngào
Đầu tháng 9, đã vào cuối vụ, nhiều vườn na ở La Hiên không còn nhộn nhịp tư thương vào ra như trước nhưng dọc hai bên Quốc lộ 1B, na vẫn được bày bán khá nhiều. Với khoảng 300ha, mỗi năm, La Hiên thu khoảng 3.000 tấn quả, doanh thu ước đạt trên 70 tỷ đồng. Nhờ trồng na, nhiều hộ dân trong xã La Hiên có thu nhập khoảng 200 đến 250 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm nay là một năng đáng nhớ với người trồng na La Hiên khi mà giá bán na có giảm hơn so với năm ngoái.
Do vùng tiêu thụ na lớn nhất của Thái Nguyên là Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội; quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khá ngặt nghèo đối với những người đi từ tỉnh ngoài vào Thái Nguyên nên đầu ra không được thuận lợi như mọi năm, giá bán na rẻ hơn. Đầu vụ, giá mỗi kg na loại ngon có thể lên tới 25 đến 30 nghìn đồng/kg thì chính vụ chỉ còn khoảng 15 nghìn đồng/kg (giá bán buôn). Tỷ lệ nghịch với việc tiêu thụ na gặp khó khăn là chất lượng na tăng lên khi người trồng na ngày càng trau dồi được nhiều kinh nghiệm hay trong trồng, chăm bón, thu hái, bảo quản quả na chín.
Với nhiều người dân Thái Nguyên, na La Hiên là thứ quà đặc sản để làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Chị Nguyễn Mai Hương, tổ 6, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mỗi năm chỉ có một vụ na. Bởi thế, thay vì mua các loại quả nhập khẩu như nho móng tay, quả cherry, táo Envy có xuất xứ từ nước ngoài… tôi lựa chọn mua na La Hiên làm quà cho bạn bè. Tôi tin rằng, những trái na mở mắt căng tròn, múi trắng, hạt đẹn, vị thanh ngọt sẽ làm mọi người hài lòng.
Đúng như chia sẻ của chị Hương, nếm thứ quả thơm mát ấy, vị ngọt từ những múi na thấm vào đầu lưỡi làm hài lòng tất cả những người thưởng thức. Hiếm nơi nào, quả na dai cho những múi vừa to, vừa chắc, vừa dóc hạt như na La Hiên.
Không chỉ thơm ngon, na còn là một loại quả chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Na chứa nhiều các vitamin C và vitamin A, giúp cải thiện thị lực cho mọi người. Ngoài ra, riboflavin, vitamin B2 có trong quả na cũng giúp tiêu diệt các gốc tự do, từ đó bảo vệ đôi mắt của chúng ta khỏi những vấn đề về thị giác khác nhau.
Trái cây này cũng giàu chất xơ và đồng, giúp giữ cho đường tiêu hóa khỏe mạnh, điều trị chứng khó tiêu và ngăn ngừa táo bón. Với hàm lượng vitamin A cao, na đóng vai trò như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vết loét và mụn nhọt hiệu quả; ngăn ngừa đau răng và sâu răng. Na chứa nhiều magne và kali, giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh tim mạch và kiểm soát huyết áp. Niacin và chất xơ có trong trái cây này cũng giúp giảm mức cholesterol trong máu…
Đậm đà vị ổi Linh Sơn
Mùa này, về Linh Sơn, những vườn ổi trĩu trịt những quả là quả. Ổi Linh Sơn ra quả bốn mùa nhưng vào tiết Thu là thời điểm chính vụ. Khi tháng tám Âm lịch về, những cơn mưa ngâu không còn nên mỗi trái ổi lớn lên từ đất, từ nước và tình người Linh Sơn thường có vị ngọt đậm đà hơn những vụ ổi khác trong năm.
Ổi chín được người dân địa phương thu hái và bày bán dọc tuyến đường liên xã cũng như tại các chợ của thành phố Thái Nguyên. Người Linh Sơn vẫn luôn tự hào khi trên mảnh đất Thái Nguyên này nơi nào cũng có ổi nhưng riêng ổi Linh Sơn không bị hòa trộn với bất cứ loại ổi loài. Hợp khí hậu và thổi nhưỡng, cây ổi Linh Sơn dường như đã hội tụ những gì tinh túy nhất của đất trời và con người nơi đây.
Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Linh Sơn chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm, ngọt đậm, cùi dày, giòn, ít hạt. Thứ sản vật “trời cho” này còn được nhiều người biết đến nhiều hơn khi sản phẩm ổi đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ cho nhãn hiệu “Ổi Linh Nham xã Linh Sơn” vào tháng 8-2019.
Chị Nguyễn Thị Yên ở phường Phùng Chí Kiên (Bắc Kạn) nói: Lần nào về Thái Nguyên, tôi cũng về tận Linh Sơn mua ổi. Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những lợi thế về thổ nhưỡng thì người dân Linh Sơn đã rất chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái nên mới tạo ra món sản vật “đáng giá” như vậy.
Người dân Linh Sơn thu hái ổi.
Với giá bán từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, ổi Linh Sơn đang trở thành thứ quà được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa thích. Dù sang mùa Thu, các loại quả khá đa dạng từ nhãn, hồng, bưởi… nhưng ổi Linh Sơn vẫn là sự lựa chọn của nhiều thực khách. Đây chính là lý do để diện tích ổi của địa phương này đang ở con số 70ha (tăng hơn 4 năm trước khoảng 20ha), mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn quả.
Béo bùi quả trám Hà Châu
Trong các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Thái Nguyên thì trám đen Hà Châu (Phú Bình) là một trong những đặc sản nổi tiếng. Được trồng ở Hà Châu từ hàng trăm năm trước, nay, nhiều cây trám cổ thụ đang tỏa bóng sum sê. Là cây thân gỗ, ra hoa vào tháng hai, quả trám bắt đầu chín từ tháng 7 Âm lịch và thường kết thúc vụ trám vào cuối tháng 8 Âm lịch. Quả hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, bên trong hạt trắng ngần, trám được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi vụ trám về, mẹ lại mua một ít để dành. Ngày ấy, vì chưa có tủ lạnh bảo quản như bây giờ nên sau khi mua được thứ trám đen Hà Châu ấy, mẹ thường ỏm bằng nước nóng già rồi cắt đôi, phơi khô dưới nắng Thu xong mới cất đi. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái giá rét, mẹ lại bỏ trám ra kho với thịt, cá. Những lúc “sang” hơn, mẹ thường mua gạo nếp về đồ xôi trám cho chúng tôi ăn.
Vị dẻo thơm của lúa nếp quện với vị bùi béo của quả trám Hà Châu tạo thành món xôi màu tím đẹp mắt và ngon vô cùng. Chỉ một lần được ăn thứ xôi đồ cùng quả trám Hà Châu là nhớ mãi không quên. Sau này, lớn lên, được về tận Hà Châu ngắm những cây trám cổ thụ, được ăn nhiều món ngon như gỏi trám và đặc biệt là món nham trám (đã trở thành đặc sản nổi tiếng của người dân Hà Châu), tôi mới biết, loại quả này có thể chế biến được nhiều món ăn như thế.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay: Tôi về thăm quê Thái Nguyên đúng dịp Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, tôi mới có dịp ở lại thưởng thức trám Hà Châu. Xa quê hương đã lâu, nay lại được tìm về những món ăn tuổi thơ, tôi thấy hạnh phúc biết bao nhiêu. Đang mùa trám chín rộ nên tôi đã đặt mua cả chục cân về ỏm và bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần…
Bao năm nay, na La Hiên, ổi Linh Sơn, trám đen Hà Châu đã trở thành món đặc sản của vùng quê Thái Nguyên. Để mỗi độ Thu về, Thái Nguyên không chỉ “quyến rũ” bởi hương thu, gió thu mà còn bởi những thứ quả ngon ngọt, dịu thơm, béo bùi như tình đất và con người nơi vùng chiến khu xưa. Để những ai đến Thái Nguyên vào mùa Thu, khi được thưởng thức những món quà này sẽ nhớ mãi không quên.