Võ Nhai ngày cuối Thu

11:03, 17/10/2021

Những ngày cuối Thu lặng lẽ bước qua, nhường chỗ cho những cơn gió giao mùa se se lạnh. Nhìn những áng mây ngăn ngắt xanh phía xa xa như lời mời gọi, chúng tôi nhằm hướng Võ Nhai làm đích đến của mình.

Rẽ ở ngã ba La Hiên, đi theo hướng về phía Cúc Đường, từng tán, từng tán na, nhãn xòe rộng, vươn ra tận phía mé đường. Người trồng na ở Võ Nhai nói chung và đặc biệt ở La Hiên vừa có một vụ thu na thắng lợi. Niềm vui của người dân dường như hân hoan hơn khi năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song không vì thế mà vụ na vừa rồi kém bội thu.

Hôm chúng tôi đến đúng ngày phiên nên chợ Cúc Đường khá đông đúc, nhộn nhịp. Nhìn về phía cuối chợ, thấp thoáng bóng mấy bà, mấy chị xúng xính váy xanh ríu ran mua bán. Những gương mặt hân hoan vì người bán đã hết hàng, còn người mua thì tìm được sản phẩm ưng ý.

Dọc đường đi, chúng tôi mê mải hít hà bầu không khí trong lành, bao trọn tầm nhìn là sắc xanh mướt mát của cỏ cây đầy sức sống. Hình như cây nào cây nấy đều như muốn trổ mã một cách mạnh mẽ nhất có thể trước khi bước vào Đông.

Vào đất Thần Sa, phía trước có gì mà đông vui vậy? Thì ra ở đây đang diễn ra chọi bò. Dưới mấy bãi đất trống phía bên phải đường, 2 con bò có màu lông chỗ vàng, chỗ nhạt đang ghì 2 cặp sừng cứng như đá cẩm thạch vào nhau mà tỉ thí. Những tiếng khuỳnh khuỵch phát ra từ những bộ sừng chát chúa. Người lớn, trẻ nhỏ đứng xem từ xa reo hò cổ vũ ở vòng ngoài. Còn ở vòng trong, năm, bảy thanh niên tay cầm smartphone, chân thoăn thoắt chuyển chỗ theo những cú di chuyển của 2 “đấu sĩ” bò để vừa ghi hình, vừa có thể đảm bảo an toàn.

Trận đấu mỗi lúc một gay cấn. Chỉ một loáng, những đám cây dại đã bị những bộ móng của các chú bò chiến dẫm nát. Cả 2 con thay nhau xoay vòng vòng thủ thế rồi tấn công. Chừng 10 phút sau, có lẽ đã “say đòn” nên một trong 2 con bò bỏ chạy. Cuộc đấu tạm kết thúc. Và tất nhiên, con còn lại đã thắng cuộc.

Các “tay máy” đang livestream và quay video trận đấu bò nhằm quảng bá bò tốt tới thương lái.

Ngay lập tức, một con bò khác có cặp sừng dài lại được dắt tới để bắt đầu tỉ thí cho lượt trận thứ 2. Hỏi chuyện một vài khán giả đang nhiệt tình cổ vũ, chúng tôi được biết: Các trận đấu bò như thế này thi thoảng vẫn diễn ra, nhưng không phải để thi thố giải thưởng hay phân thắng, bại mà chủ yếu để phục vụ cho việc livestream, quay video.

Các chú bò chiến này khi của người trong xã, khi của người ngoài xã. Mục đích của việc livestream hoặc quay video là để định giá cho bò. Nghĩa là qua các video được đăng tải trên mạng, người có nhu cầu mua bò sẽ phần nào dựa vào đó để trả giá cho từng con bò. Con bò nào thắng trận càng nhiều, khi bán sẽ có giá càng cao.

Bằng hình thức này, có chủ bò đã bán được những con bò thắng cuộc nhiều với giá cao hơn khoảng 20 - 30 triệu đồng một con so với những con bò cùng trọng lượng. Hóa ra, bà con vùng cao đang sử dụng mạng xã hội để PR sản phẩm kinh doanh đấy chứ!.

Người dân hào hứng theo dõi trận đấu bò.

Cách “xới” đấu bò không xa là thác Mưa Rơi. Mấy ngày trước vừa có cơn mưa lớn nên các dải thác từ trên đỉnh núi chảy xuống bọt tung trắng xóa. Một vẻ đẹp hoang sơ, lôi cuốn khiến bất kể ai đi qua cũng muốn dừng chân. Những bụi nước li ti từ những dòng thác khẽ chạm vào má, vào cằm, vào trán của người đứng lại ngắm nhìn. Nó tựa như một chiếc máy phun sương khổng lồ trong một spa cao cấp đang nhả ra những tinh thể nước, nhẹ nhàng chăm sóc cho làn da mặt của các “thượng đế” vậy. Nhưng ở “spa thiên nhiên” này thích hơn nhiều vì cùng với cảm giác khoan khoái, thư giãn, các “thượng đế” là người qua đường còn được thưởng thức những âm thanh của nước, tiếng xào xạc của cây và còn có thể cảm nhận được hương vị của núi rừng.

Dọc đường đi, chốc chốc chúng tôi lại gặp những người dân lưng gùi tải gì đó xem chừng nặng lắm. Gần vào đến xóm Tân Kim, chúng tôi tò mò khi phía trước là một người phụ nữ bé nhỏ, dáng đi lao về phía trước để gùi chiếc bao tải màu trắng đục, to gần gấp đôi cơ thể trên lưng. Chúng tôi vừa tới đỉnh dốc, cũng đúng lúc người phụ nữ đến nơi. Tôi để ý một chị vội vịn tay vào chiếc cột điện bê tông rồi từ từ hạ thấp người cho đến khi đáy chiếc bao chạm đất, chị cũng ngồi xuống và thở gấp. Mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt đỏ gay, chiếc nón trên tay quạt liên hồi để xua đi cái nóng.

Đợi chị bớt mệt, chúng tôi lại gần hỏi chuyện. Chị tên là Triệu Thị Duyên, người xóm Tân Kim, xã Thần Sa. Chị vừa đi lấy măng trong rừng về. Bao măng chị đang gùi trên lưng nặng khoảng 30kg. Hôm nào đi lấy măng về, ngược hết con dốc này chị cũng phải nghỉ chân, vì cõng bao măng nặng cộng với đi ngược dốc khiến hai đầu gối của chị như chùn lại, không bước tiếp được nữa.

Chị Duyên bảo, nhà chị ít ruộng, cấy may lắm mới đủ ăn. Diện tích rừng thì lớn nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ nên không thể khai thác. Đất trồng màu cũng không có. Ai “co kéo” giỏi lắm cũng chỉ có được khoảnh đất nhỏ để trồng rau ăn. Nhà ở thì làm dựa lưng vào núi, không có diện tích để làm chuồng trại chăn nuôi nên mọi chi tiêu hàng ngày chủ yếu nhờ vào việc đi kiếm măng rừng về bán. Tùy lúc măng đắt hay rẻ mà mỗi buổi đi như thế mỗi người trong làng chị kiếm được từ khoảng 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Nhưng vì người đi lấy măng mỗi lúc một đông nên càng ngày càng phải đi xa hơn mới tìm được nhiều măng. Ai phải có sức khỏe tốt lắm mới có thể đi được 2 chuyến/ngày. Còn như chị Duyên, cố gắng cũng chỉ có thể đi 1 buổi/ngày.

Thường những người đi lấy măng như chị Duyên về sẽ tập kết hết hàng ở một địa điểm quen thuộc. Thương lái đến tận nơi cân mua. Giá bán do thương lái quyết định, đắt, rẻ theo giá thị trường. Theo chị Duyên thì chị và bà con có thể đi kiếm măng vầu từ khoảng tháng 1 đến tháng 3, tiếp đó rừng lại có măng lứa từ độ tháng 4 đến tháng 8 Âm lịch.

Nhẩm đếm sơ sơ vậy là rừng cũng cho người dân khai thác măng những 8 tháng mỗi năm. Tôi trộm nghĩ, trong khi kế sinh nhai của một số bà con còn bấp bênh thì măng chính là một trong những món quà mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho những con người ăn đời ở kiếp cạnh tán rừng.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, lòng người bỗng trùng lại bởi dấu vết của những con nước lớn vừa qua. Bùn còn bám dính trên các cọc tiêu ở 2 bên đường tràn. Bên dưới, dòng nước đục ngầu, mấp mé mặt đường. Giao thông chia cắt vẫn luôn là một trong những nỗi lo nhất của đồng bào vùng cao. Ở đây, hệ thống sông, suối chằng chịt, địa bàn rộng, địa hình lại phức tạp. Đường đi, lối lại khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của con em họ.

Bất chợt, tôi nhớ tới thông tin, nhờ nguồn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện và Công đoàn ngành Giáo dục cùng các nhà hảo tâm, năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Thần Sa đã tổ chức được mô hình bán trú cho gần 200 học sinh tại điểm trường chính, đồng thời xóa được lớp học bán trú tại một số điểm trường trong các cụm dân cư… mà lòng ấm lại. Vậy là sẽ có thêm nhiều em không phải nghỉ học trong những ngày mưa lớn nữa…