Đồng bào người Mông Thái Nguyên gọi ông Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) là một truyền nhân khèn. Bởi trong cộng đồng người Mông hiện nay, biết làm cây khèn, cùng khèn cất lên lời rừng, lời núi như ông được coi là… của hiếm. Chính vì vậy, ông được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên lần thứ 3 - năm 2021.
Nhà Sùng Văn Sinh ở trong một lũng núi. Từ sân nhà trông ra hướng nào cũng thấy núi chặn trước mặt. Núi xếp thành hình vòng cung, ôm vào lòng những ngôi nhà lấp xấp dưới tán rừng. Trong sự xếp đặt vô tình của tạo hóa còn có một âm hưởng tôn vinh sự sống được lưu truyền từ ngàn đời dong duổi. Đó là tiếng khèn Mông được cất lên từ sân nhà Sùng Văn Sinh.
Là hậu duệ về khèn của dòng họ Sùng Văn. Ông tự hào vì trong dòng họ có nhiều đời làm thầy khèn. Nên từ ấu thơ ông đã mắt mở, mắt nhắm nghe thấy tiếng khèn. Ông thích thú khi được theo các cụ đi làm lễ, đi hội, xuống chợ cùng tiếng khèn. Thấy thằng cháu 7 tuổi thích xem ông thổi khèn, múa khèn, ông nội mừng lắm, về nhà lấy từ gác bếp khúc gỗ thông và mấy ống trúc dài. Mất mấy ngày cặm cụi đẽo, gọt, soi lỗ…, ông ráp xong cây khèn nhỏ làm quà cho cháu.
Sùng Văn Sinh bắt đầu làm quen với những nốt nhạc trên cây khèn. Ông kể: Ban đầu tập, cái miệng, cái ngón tay mình như cứng lại, không chịu nghe theo ý mình muốn. Mình nhận ra việc học thổi khèn còn khó hơn đi học chữ. Nhưng mình kiên trì, nửa tháng sau thì cái tay nó quen, tự nhấn nhá vào phím khèn…
Qua lời ông kể chúng tôi được biết thêm: Việc học khèn được bắt đầu từ những động tác khèn, bài khèn cơ bản ban đầu, giống như ở các trường nghệ thuật, người học được làm quen với nốt nhạc và khí cụ. Trong khèn, nốt nhạc đầu tiên của bài khèn gốc có tên JAX NTIR.
Ông giải thích: JAX NTIR - tạm hiểu giống bài học dành cho trẻ làm quen với bảng chữ cái trong tiếng Việt. Từ đó phát triển lên cao hơn, tức là ghép các chữ cái lại với nhau thành một từ mới rồi tiếp tục phát triển lên theo tư duy của mình.
Như một thói quen, ông khum người, nâng cây khèn thổi bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Thổi một mạch đến hết bài, ông buông khèn, bảo: Nắm chắc cơ bản về nhạc lý thì mình làm chủ được cây khèn, có thể thiên biến vạn hóa, không chỉ chơi bài hát Mông mà còn chơi được cả bài hát của một số dân tộc khác…
Ông gọi vợ ra sân, lại khum người, ôm khèn và những âm hưởng của núi rừng ùa về. Vợ ông là bà Lý Thị Phinh, vì mê tiếng khèn mà theo về, nguyện chết cũng làm ma dòng họ Sùng. Dù đã có cháu gọi bằng bà nội, bà ngoại (vợ chồng bà có 5 người con đã lập gia đình) nhưng mỗi lần thấy chồng thổi khèn, múa khèn lại “ngơ ngẩn” như hồi mười tám. Bà đắm đuối nhìn chồng nhún nhẩy, đảo người, xoay tít thành vòng tròn cùng cây khèn.
Bà Phinh cảm nhận rất rõ đó là lời khèn của chồng dành cho mình. Còn tôi cũng thấy hay tai, thích mắt. Nhưng tôi biết chủ nhân của tiếng khèn ấy cũng có một thời lận đận chuyện áo, cơm. Năm 1979, ông cùng gia đình di cư từ xã Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng) về xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Năm 1985 tiếp tục chuyển từ Quang Sơn về Lân Quan lập nghiệp. Cuộc sống vật chất vốn dĩ thiếu khó, lại dời chuyển nhiều lần nên đói, nghèo luôn trực chờ bên bậu cửa. Khó khăn là thế nhưng cây khèn luôn được ông mang theo bên mình như một phần thân thể.
Ông nói mộc mạc: Với riêng tôi, cây khèn như người bạn tri âm, tri kỷ. Mỗi khi cầm vào cây khèn, tôi cảm nhận mình có thêm nhiều nghị lực để vượt lên những khó khăn về vật chất. Giúp tôi kiên cường hơn trong lao động sản xuất, chí ít là chăm lo cho tổ ấm của gia đình được no cơm, ấm áo.
Ông Sùng Văn Sinh cùng người thân làm việc nhà.
Gian khổ, có lẽ đó là liều thuốc tôi luyện lên những con người có tinh thần vững chãi hơn. Và đó cũng là mảnh đất màu mỡ nuôi lớn một tâm hồn nhiệt huyết. Sùng Văn Sinh là một tâm hồn ấy. Đeo mang, gìn giữ, nuôi dưỡng cả một niềm đam mê riêng để bảo tồn một nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đã bao năm ông mang tiếng khèn phiêu diêu qua những mùa ngô. Đằm đượm, nồng nàn chất men rừng, câu hát say mềm môi như để núi cúi đầu dưới đôi chân người Mông ngày hội. Những bài khèn luôn vui nhộn, mời gọi khiến người nghe quên đi buồn nản, khó nhọc và nắm lấy tay nhau cùng về chợ phiên.
Ông tâm sự: 11 tuổi tôi đã thổi thành thạo các làn điệu khèn và bài hát của dân tộc Mông. Như lời truyền dạy của các cụ thì có 4 loại nhạc là sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc. Theo nhạc là ca từ, gồm lời ca gốc; lời ca giao duyên; lời ca đưa, đón đám ma và lời ca tế vật nuôi. Tôi thường sử dụng khèn trong các ngày hội. Hoặc vào những đêm trăng, ngồi bên sân nhà cùng anh em uống trà, thổi khèn, bàn việc thời vụ và kinh nghiệm nuôi dạy con cháu.
Tiếng khèn mang âm điệu của núi rừng, đồng thời thể hiện sự dũng mãnh của chàng trai người Mông, lúc lại nhàn tản như buổi chợ phiên vừa mãn, lại như thứ men nồng ma mị, khiến người mê khèn không thể đừng được. Đã có rất nhiều chàng trai Mông tìm đến nhà ông học thổi khèn, múa khèn. Cũng đã có bao cô gái ngồi thâu đêm dưới ánh trăng động viên bạn tình không bỏ cuộc.
Anh Sùng Văn Cái, một học trò của ông Sinh chia sẻ: Học thổi khèn, múa khèn rất khó. Cũng như mình đi học chữ, càng lên lớp cao hơn càng phải kiên trì học tập.
Anh Sùng Văn Pao thì nói: Mình học không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa cho cộng đồng người Mông… Còn anh Hoàng Văn Vàng chia sẻ: Tôi may mắn được theo thầy Sinh học khèn. Tôi biết sẽ khó hơn việc lên nương tra hạt bắp, vào khe bắt con cua núi. Tôi luôn tự động viên mình phải cố gắng hơn để lĩnh hội tinh hoa về khèn. Hơn nữa, tôi nhận thức được trách nhiệm của mình khi được thầy Sinh lựa chọn, đặt vào tay cây khèn.
Lời khèn là vô tận. Bởi cho đến hiện tại chưa có ai thống kê được trong cộng đồng người Mông có bao nhiêu ca từ, khí nhạc. Ông Sinh rủ rỉ: Hầu như người biết thổi khèn, múa khèn đều trở thành thợ chế tác khèn giỏi. Bởi họ là người biết thẩm mĩ, thẩm âm và có đôi bàn tay khéo léo. Cây khèn có các bộ phận chính gồm: Bầu khèn làm bằng loại gỗ không bị nứt, mọt; 6 ống khèn làm bằng gióng trúc nhỏ, dài, trong đó ống chủ to hơn và 5 ống phụ nhỏ; dây đai làm bằng vỏ cây đào rừng và “lưỡi gà” được làm bằng lá đồng. Tỉ mẩn tí chút là có trong tay cây khèn đi dự hội.
Từ ngôi nhà bình dị của ông Sinh, tiếng khèn Mông đã theo những học trò lan tỏa, âm vọng về miền tương lai tươi sáng. Bản thân ông tự hào vì từng được tham gia nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ các cấp. Được ban tổ chức tặng nhiều giấy chứng nhận khen thưởng.
Ông nhớ nhất năm 1993 khi tham gia Liên hoan Sơn ca tỉnh Bắc Thái lần thứ II được trao giải A. Năm 2016 tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh được trao giải Bạc. Đặc biệt năm 2019, ông được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn kỹ năng biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng.
Ông hết mình truyền dạy cho lớp trẻ những bí quyết về cây khèn của dân tộc Mông. Kể từ bài mở đầu cho đến kỹ năng phát triển các ca từ trong bài hát và vũ điệu khèn. Dù đã nhuần nhuyễn các động tác như nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng… nhưng ông vẫn tự tập luyện khi rành việc.
Ông căn dặn học trò của mình: “Văn ôn, võ luyện”, phải kiên trì tập luyện thường xuyên thì cây khèn mới nói được tâm hồn mình, mới thể hiện được bản năng dũng mãnh, hào phóng của chàng trai người Mông giữa núi rừng Việt Bắc.