Chuyện chưa kể của những người trở về từ tâm dịch

10:26, 12/12/2021

Những ngày Hè tháng 7 và tháng 8, khi miền Bắc đang bước vào cao điểm của mùa nắng nóng cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam. Với suy nghĩ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, trên 640 người con của Thái Nguyên đã tình nguyện lên đường hỗ trợ cho tâm dịch miền Nam. Giờ đây, dù đã trở về quê hương, được sống trong vòng tay ấm áp của người thân, đồng nghiệp nhưng những ngày đi hỗ trợ tâm dịch đã để lại cho họ những kỷ niệm không thể nào quên.

Sự chênh lệch của những con số

Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngày 11-8, bác sĩ Tô Thị Hường, sinh năm 1996, đang công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên đã tham gia Đoàn tình nguyện của tỉnh lên đường hỗ trợ tâm dịch miền Nam. Biết trước sẽ gặp nhiều vất vả nhưng bác sĩ Hường luôn kiên định với sự lựa chọn của mình. Chị tâm sự: Mình còn trẻ, chưa có gia đình, không vướng bận gì nên đã tình nguyện đi hỗ trợ tâm dịch. Dù đã lường trước những vất vả nhưng mình không nghĩ lại gặp nhiều khó khăn đến thế.

Theo lời kể của chị Hường, sau khi đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Đoàn tình nguyện của tỉnh Thái Nguyên (30 người) đã được xe ô tô đón về Bà Rịa - Vùng Tàu. Chị và 7 đồng nghiệp được phân công làm việc tại Bệnh viện dã chiến KTX Trường Cao đẳng Dầu Khí, điều trị cho bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng.

Lúc này, Bệnh viện chỉ có 2 cán bộ y tế của địa phương mà có tới trên 100 bệnh nhân mắc COVID-19. Các bệnh nhân chưa một ai có bệnh án. Vậy là chị cùng 9 đồng nghiệp vừa điều trị vừa hoàn thiện hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân. Khi công việc vẫn còn dang dở thì số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Có thời điểm, Bệnh viện dã chiến điều trị cho hơn 600 bệnh nhân.

Chị Hường bảo: Cán bộ y tế ít trong khi bệnh nhân quá đông nên dù là bác sĩ, tôi vẫn phải kiêm cả công việc của điều dưỡng, phải làm hết các phần việc từ khám bệnh, kê đơn, phát thuốc điều trị đến đến đo nhiệt độ... Có thời điểm, một bác sĩ của Bệnh viện dã chiến phải theo dõi, điều trị, chăm sóc từ 70 đến 90 bệnh nhân. Điều đáng nói là bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển biến nặng rất nhanh nên bác sĩ phải tiên lượng được tình trạng của từng người để chuyển tuyến kịp thời. Bởi vậy, mỗi ngày, chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến tận 23 giờ. Bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian điều trị không có người thân bên cạnh, nên họ coi các bác sĩ, điều dưỡng như người thân của mình. Hiểu được những lo lắng của người bệnh, tôi luôn động viên họ yên tâm điều trị, nhất là với những người xét nghiệm nhiều lần vẫn dương tính với SARS-CoV-2 hoặc có người thân mắc bệnh đã được chuyển tuyến trên. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự sẻ chia, động viên mà y, bác sĩ dành cho người bệnh cũng là “liều thuốc” tinh thần quý giá giúp họ vượt qua bệnh tật và vượt lên chính mình.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hường kể về những bệnh nhân vô cùng đặc biệt trong niềm vui và cả sự xót xa. Chị nói: Tôi rất nhớ hai bệnh nhân nam, đều đã ngoài 50 tuổi. Một người vào viện với triệu trứng ho, sốt, khó thở nhưng cuối cùng lại được ra viện, trở về bên người thân. Trong khi đó, người kia nhập viện trong tình trạng tỉnh táo lại trở nặng phải chuyển tuyến và sau đó đã tử vong.

Quãng thời gian đi qua những ngày gian khó ở tâm dịch đã cho chị Hường những trải nghiệm đáng nhớ, giúp chị có thêm ý chí, nghị lực và tinh thần trách nhiệm để làm tròn bổn phận của người thầy thuốc.

Mở dòng tin nhắn của những người từng mắc COVID-19 ở Bà Rịa – Vũng Tàu, khuôn mặt chị bừng sáng. Chị Khoe: Các cô, bác; các anh, chị đã khỏi bệnh, được trở về với gia đình thỉnh thoảng vẫn nhắn tin hỏi thăm khiến tôi rất xúc động. Họ không chỉ coi tôi là bác sĩ mà còn như con, cháu trong  gia đình. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Những hy sinh thầm lặng

Trò chuyện cùng chàng điều dưỡng có khuôn mặt sáng láng và dáng người cao ráo Phạm Hà Huy, sinh năm 1995, đang công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên, chúng tôi cảm nhận ở anh một nguồn năng lượng rất tích cực. Tình nguyện lên đường hỗ trợ tâm dịch T.P Hồ Chí Minh vào ngày 30-8, Huy đã phải ở lại tâm dịch (nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2) lâu hơn các đồng nghiệp khác khi anh trở thành F0.

Theo anh Huy, trong môi trường đậm đặc vi rút SARS-CoV-2 việc bị phơi nhiễm là khó tránh khỏi. Không ít cán bộ y tế của T.P Hồ Chí Minh và các đơn vị tình nguyện hỗ trợ cũng đã trở thành F0. Trong số 30 cán bộ y tế tình nguyện lên đường hỗ trợ tâm dịch vào ngày 30-8 của Đoàn Thái Nguyên thì có 7 người mắc COVID-19.

Anh Huy cho biết: Thời điểm chúng tôi nhận nhiệm vụ ở thành phố mang tên Bác là lúc số ca mắc COVID-19 mới của địa phương này đang ở ngưỡng 5 con số. Đi hỗ trợ ở tâm dịch, khó khăn, vất vả và cả nguy cơ cao mắc COVID-19 là điều chúng tôi đã lường trước. Bởi vậy, khi nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, mọi người đều động viên nhau cùng vượt qua những ngày phải giam mình trong khu điều trị.

Do đều đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên sau 2 tuần điều trị, khi xét nghiệm nhiều lần âm tính, anh Huy và các cán bộ y tế trong Đoàn Thái Nguyên trở lại với công việc chuyên môn như những ngày trước đó. Bị mắc COVID-19 ở ngày thứ 40 nên anh Huy đã ở lại tâm dịch lâu hơn các đồng nghiệp khác gần 2 tuần. Tuy nhiên anh không buồn vì điều đó bởi những ngày điều trị bệnh càng giúp anh thấu hiểu và cảm thông với người bệnh nhiều hơn.

Nỗi đau không thể nói thành lời

Đi qua những ngày căng thẳng ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Long An, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác sĩ Lâm Văn Tài, sinh năm 1989, người dân tộc Sán Dìu, đã có 8 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn còn mãi những nhức nhối ở trong tim. Anh bảo: Dù đã cố gắng hết mình nhưng vẫn phải nhìn những người bệnh yếu đi từng ngày, từng giờ rồi tử vong, chúng tôi vô cùng xót xa. Dịch bệnh quá khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của bao con người.

Kể cho tôi những ngày ở tâm dịch Long An, bác sĩ Tài không khỏi xót xa khi nhắc đến trường hợp một sản phụ bị mắc COVID-19 và trở nặng. Sau đó, các bác sĩ buộc phải đưa chị sang khoa phụ sản mổ lấy thai nhi rồi mới quay lại tiếp tục điều trị bệnh tại Trung tâm. Tuy nhiên, người mẹ đã không qua khỏi.

Hay như trường hợp của một cặp vợ chồng cùng mắc COVID-19. Chị vợ bị trở nặng còn người chồng chỉ có triệu chứng nhẹ nên xin được vào viện chăm sóc cho vợ. Phải chứng kiến vợ yếu dần rồi ra đi, anh vô cùng đau đớn. Có lẽ sự ám ảnh này sẽ mãi là khoảng lặng trong tâm hồn của một người chồng yêu thương vợ hết mực.

Theo bác sĩ Tài, đáng thương nhất là có những gia đình có tới 4, 5 người mắc COVID-19 và đều tử vong. Khi liên hệ gọi người thân làm thủ tục tổ chức tăng lễ cho những con người xấu số ấy thì chỉ còn mấy đứa trẻ hoặc các cụ già…

Nỗi đau của các bác sĩ, điều dưỡng cũng được xoa dịu khi nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống. Đáng nhớ nhất là một nam bệnh nhân, sinh năm 1993 được chuyển tuyến trong tình trạng hết sức nguy kịch, phải thở máy. Sau nhiều lần rút ống thở thất bại, các bác sĩ, điều dưỡng rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh. Nhưng thật may mắn, sự nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc ở Trung tâm và nghị lực, khát vọng sống đã giúp anh thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”…

Với các bác sĩ, khó khăn, vất vả nào rồi cũng sẽ vượt qua, nhưng làm thế nào để đẩy lùi dịch bệnh mới là điều quan trọng nhất. Bác sĩ Tài và những cán bộ y tế của Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung chỉ mong những người dân chấp hành tốt các quy định trong phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và giảm tải cho lực lượng y tế tuyến đầu.