Đêm năm ấy – Đèo Giàng

04:26, 29/12/2021

Tôi tìm được trong chồng báo lưu năm 1982 thấy có bài thơ Đêm Đèo Giàng, tôi sáng tác và in năm đó, có mấy câu:                     

     “Đêm đèo Giàng

      Bản làng đều thức

     Khoán sản phẩm rồi

      Nhà nhà náo nức

    Ai cày lật rạ đêm trăng?”

Đèo Giàng nằm trên Quốc lộ 3, giáp ranh giữa hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn. Ảnh: Tư liệu

Nghe thấp thoáng văn khẩu hiệu, vậy mà có một thời như thế! Thấm thoát cũng đã 40 năm tôi làm bài thơ và 25 năm Bắc Kạn tái lập... Cơ may của việc “hoài cổ” này là do chúng ta đang chuẩn bị cho Ngày kỷ niệm lớn: 25 năm tái lập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn và tôi cũng đã từng làm việc trong cơ quan báo một quãng thời gian dài…

Cũng như không ít tờ báo địa phương, tờ báo này cũng trải qua vài lần thay tên, đổi khổ. Bởi qua vài lần nhập vào rồi lại tách ra, nhập thì lẽ thường là lấy hai chữ đầu tên mỗi tỉnh để làm tên mới. Còn tách thường cũng là trở về vị trí ban đầu. Thế nhưng cũng có tỉnh nhập vào không lấy tên của tỉnh nào cho dễ xử lý, tránh đôi co. Tỷ như Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ khi nhập vào gọi là Hoàng Liên Sơn… Bắc Kạn (tên xưa) nhập với Thái Nguyên gọi là Bắc Thái (Thông thường thì tỉnh đông dân hơn, tập trung hơn hay đứng đầu, tức là Thái Bắc) ngặt nỗi nó ngang phè phè nên anh nhường em tẹo cho thuận tai…Vả lại người Việt ta hay nói tắt. Đi tầu Hải Phòng thường chỉ nói đi tầu Phòng, cho nên nói đi Thái thuận hơn đi Bắc, nên quyết.

Bây giờ cũng thế, cán bộ đi làm việc dưới Bộ Tài nguyên Môi trường thường nói đi làm việc tại bộ Tài Môi ai cũng hiểu. Còn sau 31 năm chung sống, từ tháng 1 năm 1997 trở đi anh em lại về tên cũ. Thái Nguyên không có gì mới còn Bắc Kạn thay được chữ C bằng chữ K. Lý giải rằng C chả ý nghĩa gì, còn K có gốc từ chữ Pắc Káp gì đó, là nguồn gốc của tên tỉnh, có từ năm 1900 khi cấu từ Thái Nguyên thành lập Bắc Kạn. Tuy hậu sinh nhưng anh em chúng tôi làm việc cho Báo Bắc Thái khá nhiều năm. Bây giờ ngẫm lại cũng nhiều kỷ niệm. 

Người dân thị trấn Phủ Thông đã đưa máy móc vào thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Báo BK

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chúng ta bắt tay vào tái thiết đất nước cùng với xử lý các xung đột biên giới phía Nam, phía Bắc. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản xuất đình trệ, lưu thông chia cắt bởi nạn ngăn sông cấm chợ. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long to lớn là thế nhưng không chi phối nổi cho các miền. Thành thị đói khát, suy dinh dưỡng bởi chỉ ăn hạt bo bo thay cơm. Phía Nam, không ít người dân tìm cách ra đi đến một nước nào đó tìm cách mưu sinh. Phía Bắc mặc dù nhiều năm sống trong cơ chế quản lý quan liêu bao cấp đến đầu thập kỷ 80 cũng thấy hết chịu nổi vì ngạt thở. Nông thôn tiêu điều vì năng suất lao động quá thấp do nạn rong công phóng điểm, cường hào mới nổi lên vừa ăn cắp, vừa la làng. Công chức, thành thị thì cơ khổ vì nạn tem phiếu, cửa quyền. Các giá trị bị đảo lộn…

Tôi phải thực hiện một bài báo mà cho đến nay nghĩ lại vẫn mếu máo cười. Số là có một hôm, Tổng biên tập Phạm Hồng Dương đi họp tỉnh về cho đòi tôi (Phóng viên phụ trách phân phối lưu thông) lên trao đổi, phủ dụ, ông bảo: Tình hình rất khó khăn. Phó Chủ tịch Đôn Văn Cước báo cáo Thường trực Tỉnh ủy bên thương nghiệp anh Bùi Kiến Truy nói là không thể thu mua đủ lợn bán tem phiếu tháng này… Tỉnh cho ý kiến là cho phép bán lạc nhân thay thịt, tỷ lệ 2 lạc bằng 1 thịt. Hàng thì không lo, chỉ lo dân ý kiến nọ kia nên báo phải tuyên truyền để dân thấm nhuần…

Tôi xin ý kiến phương pháp tuyên truyền, Tổng biên tập gợi ý: Phải lồng ghép. Phải có các bài viết về cuộc sống mới, thay da đổi thịt hôm nay. Cái mạch này tinh thần xuyên suốt là “Trước khổ bây giờ sướng”. Có nghĩa là ngày xưa ta bị thực dân phong kiến, đế quốc sài lang nó bóc lột, hà hiếp… bây giờ tự do làm ăn trong hợp tác xã, khó khăn chỉ là tạm thời, giai đoạn… Còn muốn cho cán bộ, nhân dân thông suốt thì phải có những bài báo định hướng dẫn dư luận. Tỷ như lạc trông vậy nhưng nhiều dinh dưỡng hơn thịt. Căn cứ như Giáo sư dinh dưỡng học Từ Giấy thì nhiều thành phần của lạc cao hơn hẳn thịt… Tóm lại là lạc hơn thịt…

Những năm ấy tôi được phân công theo dõi huyện Bạch Thông và Chợ Đồn, vừa xa tỉnh lại là những nơi khó khăn. Ai đời, ngàn đời đồng bào có câu “Tài ất Hà Vị, tài nhị Phương Linh” (hai cánh đồng thứ nhất, thứ nhì huyện nằm dưới chân Phia-pi-óc) này lại đói quay đói quắt là sao? Đồng bào xưa nay chỉ uống rượu men lá từ sắn, ngô thôi mà đến giờ cũng không có là sao?... Bởi tại cái phương thức sản xuất và cơ chế quản lý nó trói. Đấu tranh, hy sinh xương máu để “Người cày có ruộng” bây giờ là của tập thể, là của “Cha chung không ai khóc”, bỏ hoang cũng được nhưng tiếc đất mà gieo cấy là vi phạm.

Mà đã vi phạm thì mấy đời con cháu không ngóc lên được. Do 3 cùng (Cùng ăn, cùng ở, cùng làm) nên chúng tôi thấu hiểu khao khát của nông dân muốn cởi trói như thế nào... Giữa lúc bế tắc như vậy thì Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Nghĩa là ruộng đất được giao khoán cho từng nhóm hoặc từng người lao động. Hợp tác xã chỉ lo các khâu có tính chất cộng đồng như nước, thuốc trừ sâu gì đó… Có vậy thôi nhưng Chỉ thị như cứu sống một đất nước.

Hiểu được tầm quan trọng, Chỉ thị này được Bí thư Bắc Thái Vũ Ngọc Linh; Chủ tịch tỉnh Doanh Hằng chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bạch Thông là huyện điểm nên từ Trưởng Ban kinh tế Huỳnh Hữu Ích đến chuyên viên như Nguyễn Quốc Minh ngày đêm lăn lộn với cơ sở, cởi mở việc thực hiện. Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp huyện Bạch Thông lúc ấy là anh Hà Sỹ Toàn vui ra mặt. Anh miệng nói tay làm nên Bạch Thông rôn ràng hẳn. Dịp rằm tháng Bảy năm ấy vui lắm. Tôi đi từ xã Nguyên Phúc lên Phủ Thông, Vi Hương, Sỹ Bình, Vũ Muộn… đâu cũng mời ăn rằm với bánh rợm, bánh gio, nếp mới, vịt quay, cá suối chiên giòn… Nghỉ một đêm bên bếp lửa nhà sàn tại bản Pò Đeng, ngắm trăng nơi thâm sơn, lưng chừng Đèo Giàng lộng gió, cảm nhận không khí đổi mới mà viết rằng:

         “Đêm đèo Giàng

           Trăng ngàn gió núi

           Bếp nhà sàn thơm mùi nếp mới

           Chày ai gõ nhịp canh khuya

           Đêm đèo Giàng

            Bản làng đều thức

            Sản phẩm khoán rồi, nhà nhà náo nức

            Ai cày lật rạ đêm trăng…”

Mấy chục năm rồi, nghĩ lại những ngày ấy tôi như thấy có một quy luật tự nhiên nào đó. Những năm 40, khi chưa được giác ngộ, nhân dân các dân tộc miền núi chịu nhiều thiệt thòi đã biết ra nhập cứu quốc quân đánh Pháp, đánh Nhật, rồi suốt 15 năm cách mạng và kháng chiến, nhân dân nơi đây dù đói khổ đã “bát cơm sẻ nửa” với kháng chiến. Vậy nên khi được cởi trói, được giải phóng sức lao động, họ vui đến vậy!

             Đêm nay ở bản Pò Đeng

             Trẻ nhỏ nô đùa trong nhà, ngoài ngõ

             Người lớn ủ phân đống to, đống nhỏ

             Mai kia lúa sẽ ngập đồng

             Đêm mênh mông

             Trăng vàng như lụa

            Ước hẹn mùa sau lúa vàng rực rỡ

            Từ việc làm hôm nay

            Đêm trong mùa cấy cày

            Đêm trong bản nhỏ

           Trăng rọi sáng ngoài đồng trong ngõ

           Bừng lên những nét mặt ngày mai.

Đèo Giàng là nơi diễn ra trận phục kích và chiến đấu ác liệt của Trung đoàn Thủ Đô tiêu diệt đoàn xe cơ giới của Pháp, ngày 12/12/1947. (Ảnh tư liệu: Bia di tích Đèo Giàng)

 “Khoán 100” mở đường cho “khoán 10”, xóa bỏ rào cản, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp. Thực ra, đây là đêm trước của đổi mới để đất nước đi lên. Hơn 40 mùa ăn rằm tháng Bẩy rồi, nhớ lại và tự đặt câu hỏi rằng lúc ấy những chủ nhiệm, ban quản trị hợp tác xã với lợi ích nhóm do cơ chế tạo ra, là rào cản lớn mà chúng ta vẫn làm thành công? Câu trả lời chỉ có ở nơi dân, sức dân, mà có.

Bắc Kạn sau 25 năm dựng xây đã tươi đẹp nhiều rồi. Ký ức một thời tôi xin kể./.