Chiều cuối tuần đầu tháng Tám, chở con trai một vòng khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên và đi bộ trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôi chợt nghe ngân nga trên sóng phát thanh bài hát “Em đi chợ Thái” của nhạc sĩ Lê Tú Anh: “…Ai qua chợ Thái mời người ghé thăm/ Quảng trường lộng gió, Tượng đài trang nghiêm… Lời bài hát với giọng điệu trong trẻo, ngọt ngào của ca sĩ Anh Thơ đã liệt kê nhiều địa danh mà bất cứ ai sinh ra, lớn lên hay sinh sống, làm việc ở TP. Thái Nguyên đều cảm thấy thân thuộc…
Không sinh ra ở TP. Thái Nguyên, nhưng hơn nửa cuộc đời sống và làm việc ở đây nên nhạc sĩ Lê Tú Anh đã dành trọn tình yêu cho Thành phố Thép. Tình yêu ấy được ông thể hiện trong nhiều nhạc phẩm dành tặng TP. Thái Nguyên, như: “Cô gái hái chè”, “Em đi chợ Thái”, “Thái Nguyên - thành phố mùa Xuân”… được mọi người yêu mến.
Cũng như nhạc sĩ Lê Tú Anh, có thể liệt kê rất nhiều tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa đã được sáng tác bằng sự rung cảm chân thành, xuất phát từ tình yêu, sự gắn bó với Thành phố Thép của các văn nghệ sĩ trong tỉnh thời gian qua.
Đối với nhà văn Nguyễn Thị Kim Tình, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, chị càng tự hào hơn khi mình là người sinh ra và gắn bó máu thịt với thành phố bên sông Cầu thơ mộng. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị bồi hồi: Đứng từ nhà tôi, nhìn qua con đường là thấy sông Cầu và cầu Gia Bẩy. Năm 1965, máy bay Mỹ thả bom đánh sập cầu, cướp đi sinh mạng của hơn 100 người dân vô tội và Tiểu đội pháo bảo vệ cầu trên đồi Két Nước. Ngay đêm đó, gia đình tôi gồng gánh nhau sơ tán vào khu vực quán Ba Trăm, xã Phúc Trìu. Gần 10 năm ở nơi sơ tán, hình ảnh tôi nhớ nhất là bố, mẹ luôn đứng ngóng ra phía thành phố. Nghe tiếng bom nổ, họ lại xót xa: Nó đánh thành phố đấy, không biết vào chỗ nào?...
Gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người nơi đây, nên thật dễ hiểu khi nhà văn Kim Tình đã sáng tác, xuất bản 6 tập sách (thơ, ký, truyện ngắn) về mảnh đất và con người xứ Thái. Đặc biệt ở thể loại ký, hầu hết các tác phẩm của chị đều viết về thành phố nơi mình sinh ra. Chị bảo: Ký ức của cha mẹ, anh chị, của những người Thái Nguyên xưa cũng trở thành ký ức của tôi. Các địa điểm gắn với tuổi thơ tôi như sông Cầu, rạp Quyết Tiến, phố Ngọc Lan, vườn hoa Tròn, cà phê Thỏ, bánh giò ông Côi… và nhiều “người già” ở Thái Nguyên, trong đó có bố mẹ, người nhà tôi như kho ký ức cho tôi nhìn thấy thành phố mình ngày trước. Tôi dự định sẽ xuất bản 1 tập sách “Người xưa cảnh cũ” viết về các địa danh của thành phố Thái Nguyên; gặp gỡ những người xứ Thái xưa. Hy vọng việc làm này sẽ góp phần lưu lại giá trị văn hóa còn tiềm ẩn ở mảnh đất tôi yêu thương.
Nghe nhà văn Kim Tình trải lòng, tôi càng hiểu, chính sự gắn bó và tình yêu với thành phố bên bờ sông Cầu thơ mộng mà các tác phẩm ký, phóng sự viết về thành phố của chị đều lay động trái tim người đọc, như: “Rạp cỏ may ngày ấy”; “Thương nhớ một người”… Đặc biệt là bút ký “Phố xưa”, viết về sự đổi thay của phố Đầm Đục, Đầm Xanh (cũ) nay là phố Phan Bội Châu, phường Phan Đình Phùng đoạt giải cao trong cuộc thi Bút ký, phóng sự do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến.
Cũng như nhà văn Kim Tình, tác giả Phan Thái, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thấy mình thật may mắn khi được gắn bó, đồng hành với những bước thăng trầm của TP. Thái Nguyên từ thuở ấu thơ đến hôm nay.
“Như mọi công dân của Thành phố Thép, tình cảm và sự gắn bó của tôi với thành phố càng thêm sâu sắc khi hiểu rõ về cội nguồn nơi mình sinh ra và lớn lên. Tiếp cận với các tư liệu lịch sử, các nhân chứng nhiều thế hệ và được biết tường tận về tinh thần của quân và dân thành phố, tôi tự hào và yêu mến thêm mảnh đất này. Vì thế, không riêng những tác phẩm ảnh, thơ, bút ký, phóng sự, tôi còn viết 3 cuốn tiểu thuyết tái hiện lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào, kiêu hãnh của mảnh đất và con người thành phố Thái Nguyên là: “Nắng phía sau mặt trời”, tái hiện cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 915; “Linh Sơn tử chiến” viết về trận chiến chống quân xâm lược nhà Tống và cuốn “Thanh gươm và cây tính tẩu” viết về các tộc trưởng, tù trưởng Thái Nguyên trong đội ngũ các chiến binh Đại Việt chống kẻ thù xâm lược. Với tôi, đây là cách thể hiện tình yêu với nơi mình sinh ra và lớn lên” – anh Phan Thái chia sẻ.
Chia sẻ của nhà văn Phan Thái khiến tôi nhớ đến buổi sinh hoạt nhóm ảnh ở tư gia của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn, tổ 23, phường Phan Đình Phùng, mà tôi có dịp tham gia.
Trong câu chuyện với các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn, Bùi Khắc Thiện, Trịnh Việt Hùng, Đỗ Khánh Vân, tôi cảm nhận được tình yêu của họ dành cho TP. Thái Nguyên, sự vui mừng, tự hào trước những đổi thay, phát triển từng ngày của thành phố.
Để thể hiện tình yêu của mình với thành phố, họ đã xách máy đi “săn” ảnh ở nhiều công trình, dự án, nhiều địa phương, từng ngôi nhà, góc phố để bắt trọn những khoảnh khắc tươi đẹp về cảnh vật thiên nhiên, về cuộc sống lao động, sản xuất của con người đất Thép.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh xem lại tác phẩm chụp về TP. Thái Nguyên.
Có những bức ảnh đã được triển lãm, có bức đăng báo, có những hình ảnh họ chụp chỉ để lưu giữ kỷ niệm. Với các nghệ sĩ, hàng nghìn những bức ảnh tư liệu quý giá về TP. Thái Nguyên từ 20, 30 năm trước đến nay mà họ đang sở hữu chính là khối tài sản vô giá của người cầm máy.
“Thỉnh thoảng ngồi mở những clip được dựng lại từ các bức ảnh tư liệu xưa và nay, tôi lại thấy yêu hơn thành phố mình đang sống. Rất nhiều điểm như đường tròn trung tâm với cột đồng hồ bốn phía, khách sạn năm tầng, bảo tàng, công viên hay hình sản xuất trong nhà máy gang thép… đều lưu giữ những ký ức tươi đẹp của chúng tôi về TP. Thái Nguyên”- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Khánh Vân tâm sự.
Sau những gặp gỡ, trò chuyện với các văn nghệ sĩ, đi trên những con đường thân quen của thành phố, tôi chợt nhớ đến lời tâm tình của nhà văn Nguyễn Thị Kim Tình: “Với tôi, mỗi con đường, hàng cây, góc phố đều có tâm hồn và kỷ niệm. Mỗi tấc đất dưới chân đều có thể kể một câu chuyện lạ kỳ”.
Vâng, chính sự rung cảm chân thành, sâu sắc, tình yêu, gắn bó với thành phố đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho các văn, nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm hay về thành phố. Và với mỗi tác phẩm nhạc, ảnh, họa, văn chương…, các văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã và đang kể lại, lưu giữ một câu chuyện đẹp cho đời nay và cả những thế hệ sau thêm yêu, tự hào về mảnh đất này.
Xin được cảm ơn các văn nghệ sĩ, bằng những ca từ, hình ảnh, câu chuyện, bài thơ… đã giúp ai chưa từng sống, đặt chân đến mảnh đất này cũng thấy thân quen, gần gũi về tình đất, tình người xứ Thái. Còn ai đã gắn bó với nơi đây như tôi thêm tự hào và ngày càng yêu mến về một đô thị thật đẹp, trẻ trung, năng động, phát triển hiện đại mỗi ngày!