Tháng Tám, nắng đã không còn gay gắt nữa, vùng chè đặc sản Tân Cương nằm ở phía tây TP. Thái Nguyên thật đẹp mỗi khi bình mình lên. Những nương chè mướt xanh lung linh trong nắng ban mai, đâu đó, hình ảnh các chị, các bà cười đùa rộn ràng bên luống chè đang trổ búp non mỡn. Dưới đôi bàn tay thuần thục của người làng chè, từng búp chè một tôm, hai lá được thu hái và mang về chế biến ngay sau giờ nghỉ trưa. Qua những công đoạn chế biến tỉ mỉ, nhiều mẻ trà mới ra lò mang theo niềm vui và cả tâm huyết của người làm chè Tân Cương.
Sức hút của vùng chè đặc sản
Với trên 1.300ha, vùng chè đặc sản Tân Cương gồm các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP.Thái Nguyên). Thổ nhưỡng, khí hậu chính là ưu thế giúp cho những búp chè ở vùng chè đặc sản này có hương thơm vị đậm riêng có. Tuy nhiên, sự tần tảo sớm hôm và tình yêu với cây chè; sự bền bỉ, tỉ mẩn trong chăm sóc, chế biến của người làm chè mới chính là nhân tố quyết định để tạo ra thứ chè đặc sản nức lòng những người thưởng trà.
Là kết tinh của tình đất và tình người nơi đây, ngay từ khâu thu hái, những búp chè Tân Cương được nâng niu, yêu thương. Thường, các bà, các chị sẽ thu hái chè vào buổi sáng, khi tiết trời còn mát mẻ để mỗi búp chè một tôm, hai lá luôn tươi rói từ khi thu hái cho đến khi chế biến.
Khi chế biến, những tôm chè được làm héo nhẹ (xao hoặc xào); diệt men; vò và làm tươi, sấy khô (sấy sơ bộ); xao lăn tạo hình và làm khô; phân loại, thành phẩm. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ của người chế biến. Cả khi pha trà, người vùng chè đặc sản Tân Cương cũng nâng niu từng cánh chè mỏng mảnh bởi ở trong đó không chỉ có hương vị của đất, của trời mà còn có những giọt mồ hôi mặn mòi của những người con đất chè.
Qua 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, người làm chè vùng đặc sản không bao giờ ngơi nghỉ. Đây chính là sự khác biệt ở vùng chè đặc sản Tân Cương với một số vùng sản xuất chè trong và ngoài tỉnh (ở nhiều địa phương, bà con thường nghỉ, không đầu tư sản xuất chè vào những ngày giá rét). Chính những nét riêng có đã tạo nên sức hút của vùng chè đặc sản Tân Cương với bạn bè trong nước, quốc tế.
Vào mùa Xuân, thời tiết ấm áp, cây chè đâm chồi nẩy lộc. Đến một khoảng thời gian nhất định người nông dân bắt đầu thu đợt trà của vụ xuân. Đây là vụ thu hoạch được trà ngon, vị trà nhẹ, đậm đà, khi pha có hương thơm nhẹ nhàng của cốm non.
Mùa Hè tới, thời tiết nắng nóng rất dễ phát sinh sâu bệnh gây hại, nhất là bọ trĩ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, người vùng chè đặc sản Tân Cương có ý thức sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hữu cơ nên đã chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh hại. Bởi lẽ đó, chè vụ hè vẫn giữ được vị đậm đà vốn có, dù không được nước như lứa chè vụ xuân.
Sang Thu, dù vẫn có ánh nắng chói chang nhưng tiết trời lại mát mẻ dễ chịu hơn mùa Hè rất nhiều. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), cho hay: Hương vị của trà Thái Nguyên là sự tổng hợp của Khí- Trời- Đất - Nước. Trà mùa này thường rất ngon, mang đầy đủ cả 4 đặc trưng là Hương - Sắc - Vị - Thần. Khi tráng trà là cảm nhận được hương thơm ngậy ngậy, đưa lên mũi ngửi có chút hương vị của mùa Thu miền Bắc kết hợp với hương cốm non tạo nên mùi hương quyến rũ đặc trưng. Khi uống trà, cảm giác ban đầu là chát dịu sau đó ngọt sâu trong đầu lưỡi khiến người thưởng trà say đắm.
Mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, sương muối nhiều, mưa phùn làm cho cây chè cũng chậm phát triển hơn. Chính vì vậy, thời gian để thu được một mẻ trà mùa Đông thường lâu hơn so với các mùa khác trong năm, sản lượng cũng giảm. Dù vậy, các hộ dân ở vùng chè đặc sản này đã đầu tư khoan giếng, làm giàn tưới để cung cấp nước cho những nương chè phát triển xanh tốt cả trong mùa Đông. Sản phẩm trà vụ đông luôn giữ được hương cũng như vị “tiền chát hậu ngọt” của cây chè xứ Thái.
Tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế
Có lịch sử phát triển lâu đời, không thể phủ nhận, đi qua bao thăng trầm, cây chè vẫn là cây trồng chủ lực, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở các xã phía Tây thành phố (Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu). Hiện nay, vùng chè đặc sản Tân Cương có khoảng 1.000/1.300ha chè đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 1.400 tấn.
Qua nhiều năm, người làm chè đã chủ động cải tạo những nương chè trung du truyền thống. Đồng thời chuyển đổi những diện tích chè giống cũ, thoái hóa xuống cấp, năng suất thấp để trồng các giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng (LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…). Bởi lẽ đó, vùng chè Tân Cương đang là địa chỉ cung ứng ra thị trường nhiều loại chè đặc sản với các mức giá khác nhau, như: Chè đinh có giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg; chè nõn tôm từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg; chè móc câu từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg…
Tại xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, hầu hết người dân đã cùng nhau liên kết trong sản xuất, chế biến chè, tạo thành chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người làm chè. Đến nay, mỗi xã có hàng chục HTX và các tổ hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Từ cây chè, khoảng 200 hộ dân ở xã Tân Cương đã có thu nhập từ 120 triệu đồng/năm trở lên… Một trong nhưng hộ làm chè nổi tiếng ở xã Tân Cương phải kể đến là ông Phạm Văn Suất, xóm Hồng Thái 2. Với 1ha chè, gia đình ông đã tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất nên mỗi năm thu khoảng 8 đến 9 lứa chè (thay vì 7 lứa như hơn 10 năm trước). Không chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp diện tích chè trung du hiện có, ông còn mạnh dạn đưa giống chè Keo Tích lan vào trồng, tao ra sản phẩm chè hảo hạng, có giá bán bình quân từ 300 đến 800 nghìn đồng/kg. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, nguyên liệu chè búp Keo Tích lan có thể sản xuất ra thứ chè có giá lên đến 2,5 đến 3 triệu đồng/kg. Ông Suất cho hay: Loại này hái 30kg chè búp tươi loại 1 (một tôm hai lá) mới chế biến được 3-4kg chè búp khô nên giá bán ra thường cao hơn các loại chè khác.
Ở thời điểm hiện tại, có đến trên 90% hộ dân ở Phúc Trìu (xã có khoảng 1.580 hộ dân) đang có nguồn thu nhập ổn định từ chè. Còn tại xã Phúc Xuân, hiện có trên 330ha trồng chè, hàng năm cho sản lượng trên 5.000 tấn chè tươi. Cây chè đang được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, với xấp xỉ 80% số hộ dân trong xã có đời sống kinh tế chủ yếu trông vào cây chè.
Chị Tống Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và chế biến chè VietGAP Kim Thoa, xã Phúc Xuân, nói: Chuyển đổi sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ giúp cây chè của chúng tôi nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm và ổn định thị trường tiêu thụ. Hiện, nhiều hộ làm chè ở Phúc Xuân đã sản xuất chè theo hướng hữu cơ và tham gia vào Tổ hợp tác. Giá chè búp khô của thành viên trong Tổ đang dao động từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 150-200 nghìn đồng/kg so với trước đây, thị trường tiêu thụ chè cũng ngày càng được mở rộng.
Ngắm những chiếc máy sao chè trị giá cả trăm triệu đồng hoạt động không ngưng nghỉ, hương chè thơm lan tỏa khắp không gian; tận mắt chứng kiến người làm chè đang có cuộc sống đủ đầy, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở vùng đất phía Tây thành phố. Hiện, không chỉ đưa hương chè đặc sản Tân Cương bay xa đến mọi miền Tổ quốc, người làm chè còn chủ động tạo dấu ấn bằng các mô hình du lịch trải nghiệm để thu hút du khách.
Giờ đây, ở vùng chè đặc sản, những hộ dân, dòng họ giầu lên từ cây chè, có thu nhập tiền tỷ mỗi năm không còn hiếm. Đến vùng chè, du khách không chỉ được tham gia thu hái, chế biến, thưởng trà mà còn được ngắm những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ nằm xen kẽ giữa những vườn chè mướt xanh, tạo nên bức tranh trù phú, yên vui.