Cùng kiểm lâm giữ rừng

Mai An 11:07, 03/12/2024

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Võ Nhai đã gắn bó với rừng. Rừng mang đến cho họ những cây gỗ để dựng nhà, cung cấp mật ong, cây măng, cây thuốc để lo cho cuộc sống hằng ngày. Theo thời gian, khi tài nguyên rừng bị khai thác quá đà, cộng thêm sự tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, bà con dần nhận thức được việc tận dụng nguồn lợi của rừng phải đúng quy định của pháp luật và cần giữ rừng để bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn sống xanh.

Người dân địa phương tham gia tuần tra tại khu vực rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai).
Người dân địa phương tham gia tuần tra tại khu vực rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai).

Một ngày đi tuần

Gần 6 giờ sáng, bầu trời những ngày đầu Đông mịt mù sương, thời tiết khá lạnh nhưng chị Đặng Thị Thêm, ở xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường (Võ Nhai), vẫn thức dậy từ sớm để chuẩn bị cho chuyến tuần rừng định kỳ hằng tháng. Sau khi kiểm tra đầy đủ hành trang mang theo gồm dao phát, áo mưa, cơm nắm, nước uống, chị Thêm lên đường đến nhà văn hóa để cùng 10 thành viên khác trong Tổ bảo vệ rừng số 2 của xóm lên đường tuần tra.

Hơn 10 năm qua, các thành viên trong tổ đã quen thuộc với những chuyến tuần rừng như thế này. Khi vừa đến nơi, họ nhanh chóng phân chia thành các nhóm nhỏ, rồi rẽ theo các cung đường khác nhau. Sau khi nai nịt gọn gàng mũ, áo gió, ủng, chúng tôi cùng nhóm 3 người gồm đồng chí Bí thư Chi bộ Triệu Chiến Thắng, Trưởng xóm Dương Tiến Bình và Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Đặng Thị Thêm đi tuần rừng. Trước khi đi, anh Thắng cảnh báo: Sáng sớm đường trơn trượt, những người quen đi rừng như chúng tôi có lúc còn trượt chân ngã, nên anh chị phải cẩn thận!

Quả là như vậy, sau quãng đường mòn có thể chạy xe máy, chúng tôi chuyển sang đi bộ, men theo các sườn dốc trơn trượt, luồn lách dưới những tán cây rậm rạp, có đoạn chằng chịt dây keo. Sau hơn 1 tiếng đi bộ, các thành viên tạm dừng chân để nghỉ ngơi.

Lấy nước từ trong chiếc bình lớn mang theo bên người, anh Bình khẽ thở nhẹ rồi kể: Tôi không nhớ mình và thành viên trong tổ đã in bao nhiêu dấu chân tại những cánh rừng này. Khu rừng do tổ phụ trách rộng khoảng 300ha, chủ yếu là rừng già tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm. Do địa hình hiểm trở nên để đi tuần hết các khu vực được giao phải mất 2-3 ngày, vất vả vô cùng.

May mắn là hiện nay có một số khu vực đã có thể đi bằng xe máy, nên chúng tôi tiết kiệm được kha khá thời gian. Dù vậy, mỗi chuyến tuần rừng cũng mất cả ngày, khi ra khỏi bìa rừng trời đã tối đen. - Trưởng xóm Thượng Lương Dương Tiến Bình

Ngồi nghỉ cạnh đó, chị Thêm bảo: Có những hôm đang đi tuần rừng thì thời tiết chuyển xấu nên chúng tôi phải quay về sớm. Bởi khi trời mưa, trong rừng tiềm ẩn mối nguy đất bị sạt trượt, rắn cắn…

Còn anh Thắng thì nói: Sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng nên hơn ai hết tôi rất yêu và muốn bảo vệ rừng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù đã tích cực tuyên truyền nhưng nhiều hộ dân trong xóm vẫn giữ thói quen lấy gỗ rừng làm nhà hay chặt cây để lấy đất canh tác. Bởi vậy, ngoài những chuyến tuần rừng định kỳ hằng tháng, chúng tôi còn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của các hộ để báo cho kiểm lâm địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời những vụ xâm hại rừng.

Cùng với câu chuyện rôm rả, các thành viên lại tiếp tục lên đường. Cứ khoảng hơn 1 tiếng, họ lại tạm dừng chân nghỉ ngơi, đến trưa thì đem cơm nắm, ruốc, muối vừng ra ăn. Chị Thêm nói đùa: Có khác gì du lịch trải nghiệm đâu, nhưng đây là du lịch trách nhiệm. Trách nhiệm bảo vệ những cánh rừng của quê hương!

Để người dân chung tay

Võ Nhai hiện có trên 65.000ha đất rừng, bao gồm cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Rừng chiếm đến 80% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ rừng.

Đồng chí Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Võ Nhai: Do diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên việc huy động sự tham gia của người dân trong công tác bảo vệ rừng rất quan trọng. Bằng kinh nghiệm sống gắn bó với với rừng, thời gian qua, gần 300 tổ bảo vệ rừng ở cơ sở, với hơn 500 thành viên đã giúp sức đắc lực cho lực lượng kiểm lâm trong việc phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia công tác bảo vệ rừng ở cơ sở, hằng năm, lực lượng chức năng của tỉnh, huyện phối hợp với UBND xã tổ chức các buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của rừng, cũng như các chính sách, quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thái, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Sảng Mộc, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai: Trên địa bàn xã chỉ có một kiểm lâm, phụ trách diện tích hơn 10.000ha rừng, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của người dân địa phương thì rừng dễ bị xâm hại. Qua các chuyến đi tuần rừng cùng bà con, tôi cũng tích cực tuyên truyền để người dân hiểu hơn về vai trò của việc bảo vệ rừng, giữ rừng.  

Ngoài các tổ bảo vệ rừng ở cơ sở, những năm gần đây, chính sách giao khoán rừng của Nhà nước cũng mang lại lợi ích đáng kể. Đồng chí Ma Văn Thuật, Bí thư Chi bộ xóm Tân Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chia sẻ: Bà con trong xóm được Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh giao khoán bảo vệ 400ha rừng đặc dụng, phòng hộ với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm. Số tiền này không lớn, nhưng với nhiều gia đình ở vùng cao đã là nguồn thu nhập đáng kể.

Đồng chí Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Để giữ rừng, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì nhân dân có vai trò rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng và chung tay giữ rừng. Bên cạnh đó, huyện sẽ xem xét tận dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cây, con giống, xây dựng công trình công cộng cho những xóm bản làm tốt công tác bảo vệ rừng.