Mặc dù thị trường du lịch quốc tế ở mảng outbound (đưa khách đi nước ngoài) đã sôi động trở lại, song để thu hút được nhiều du khách hơn, các đơn vị lữ hành đã khai thác thêm nhiều tuyến, điểm mới. Nhiều liên minh lữ hành đã được hình thành để cùng tìm kiếm, xây dựng sản phẩm mới ở châu Phi, Trung Đông, Nam Á… hứa hẹn tạo được sức bật mới của du lịch quốc tế trong năm 2023.
Tour du lịch trải nghiệm Mông Cổ thu hút nhiều du khách Việt Nam. |
Sức hấp dẫn của tuyến du lịch mới
Theo các đơn vị lữ hành, hiện thị trường outbound đã sôi động sau khi các quốc gia mở trở lại hoạt động du lịch. Một số thị trường quốc tế trọng điểm đang được các đơn vị khai thác thành công với lượng khách tăng cao, đó là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bali (Indonesia), Đài Loan (Trung Quốc)…
Mặc dù các thị trường truyền thống đã có sự ổn định, song để thu hút thêm khách du lịch, từ cuối năm 2022 đầu năm 2023, nhiều đơn vị lữ hành đã mở rộng khai thác các thị trường ở châu Phi, Trung Đông, Nam Á, Tây Á... Cụ thể, cuối tháng 8-2022, gần 20 đơn vị lữ hành Hà Nội đã tổ chức khảo sát và khai thác tour du lịch Mông Cổ với hành trình 8 ngày 7 đêm. Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa (đơn vị khởi xướng xây dựng liên minh) cho rằng, du lịch Mông Cổ mang đến sự khác biệt so với trước kia, giúp du khách được khám phá nhiều điểm du lịch mới với nhiều hoạt động trải nghiệm trên thảo nguyên.
Cuối năm 2022, một số đơn vị lữ hành Hà Nội phối hợp với các đơn vị điểm đến của Sri Lanka thành lập liên minh Let’s go Sri Lanka (cùng khám phá Sri Lanka). Giám đốc Công ty Lữ hành Pattours Vũ Giang Biên cho biết, đơn vị đã khai thác được thị trường Sri Lanka với lượng khách đặt kín hết tháng 2-2023. “Sri Lanka là đất nước có nền văn hóa Phật giáo lâu đời, với nhiều di sản thế giới rất đẹp, như: Pháo đài đá Sigiriya, vườn quốc gia Yala, cố đô Anuradhapura và Polonnaruwa… Ngoài ra, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, con người thân thiện của đất nước này là điểm rất thu hút khách Việt Nam”, bà Vũ Giang Biên nói.
Không chỉ khai thác những điểm đến mới ở Nam Á, Trung Á, gần đây, các đơn vị lữ hành còn mở rộng khai thác sang những thị trường xa hơn. Ngày 8-2 vừa qua, tại Hà Nội, Sors Travel Services tổ chức buổi gặp gỡ, kết nối với 120 doanh nghiệp lữ hành outbound về việc khai thác các điểm đến: Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Dubai, Jordan, Israel, Georgia, Ai Cập... Giám đốc Điều hành Sors Travel Services - Ulgen Yesil nhận định, thời gian tới, thị trường du lịch outbound Việt Nam sẽ tăng trưởng rất nhanh tại những tuyến, điểm mới.
Đánh giá về sức hấp dẫn của những tuyến du lịch mới, Giám đốc Công ty Lữ hành Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường bày tỏ, đây là những sản phẩm mang đến sự hấp dẫn mới cho du khách. Vào năm 2023, đơn vị sẽ khai thác trở lại một số tuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc - Tây Ban Nha và sản phẩm Ai Cập. Còn theo nhận định của Giám đốc Công ty Lữ hành Golden Tour Phạm Tiến Dũng, trong số những tuyến mới, Ai Cập được dự báo có lượng khách đặt tour đông, bởi đây là quốc gia từng được các đơn vị khai thác trước dịch Covid-19, cũng là điểm đến hấp dẫn.
Tăng cường liên minh
Mặc dù những thị trường mới đang tạo ra sự sôi động trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách, song các sản phẩm này còn gặp không ít khó khăn.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Golden Tour Phạm Tiến Dũng, đây vẫn là những thị trường kén du khách, thường dành cho người đam mê khám phá hành trình khác lạ, mới mẻ. Những sản phẩm này thường có hành trình dài, giá tour cao, số lượng hướng dẫn viên cho những tour đặc thù còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều tuyến, điểm còn ít chuyến bay, chưa có đường bay thẳng. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường, một trong những khó khăn lớn của thị trường outbound hiện nay là giá vé máy bay và nhiều chi phí khác đang tăng, khiến giá các tour, tuyến quốc tế tăng 10-25% so với trước. Ngoài ra, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu du lịch, sức chi tiêu của du khách.
Trước những khó khăn trên, các đơn vị lữ hành đang nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục. Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho biết, để có thể khai thác tốt những tuyến, điểm mới, các đơn vị cần bắt tay để cùng xây dựng liên minh khai thác tour một cách hiệu quả, chi phí hợp lý. Còn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du khách thường e dè khi khai thác những tuyến, điểm du lịch mới. Để giải tỏa tâm lý cho du khách, các đơn vị lữ hành cần kết hợp chặt chẽ với đại sứ quán, cơ quan quản lý du lịch, đối tác kinh doanh tại các nước để xây dựng hành trình an toàn, chất lượng, bảo đảm thủ tục nhanh, gọn, xử lý nhanh những tình huống phát sinh…
Có thể thấy rằng, thị trường du lịch outbound đang có nhiều khởi sắc, dù còn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh nhiều tour, tuyến du lịch đang thu hút lượng lớn khách Việt Nam, thì những tuyến, điểm mới hứa hẹn mang đến nhiều sự lựa chọn, trải nghiệm khác lạ cho du khách vào năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin