Ngày 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển”. Hội nghị nhằm nhìn lại 1 năm ngành Du lịch thực hiện phục hồi và phát triển du lịch sau dịch COVID-19, từ đó đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, tăng tốc phục hồi và phát triển du lịch. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023. Ảnh: VGP |
Nhận diện rõ nguyên nhân “đi sớm, về chậm”
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch COVID-19 có tác động, ảnh hưởng “mà chúng ta không hình dung được” đối với nền kinh tế cũng như ngành du lịch. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch, mở cửa sớm. Tuy nhiên, với hoạt động du lịch, mặc dù có điều kiện thuận lợi mở sớm, song so với các nước trong khu vực, năm 2022, Việt Nam chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
Vì thế, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong đầu tư phát triển du lịch?...
Thủ tướng khẳng định, cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển; du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải chung tay phát triển du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước; linh hoạt, không máy móc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu "hiến kế" phát triển du lịch. Ảnh: VGP |
Báo cáo về hoạt động du lịch trong 1 năm thực hiện phục hồi, phát triển du lịch kể từ ngày 15-3-2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, lượng khách và doanh thu du lịch thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh, là bệ đỡ khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam.
Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch.
Mặc dù hoạt động đón khách quốc tế đã có chuyển biến, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường, đẩy mạnh khai thác thị trường mới, vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Việc chậm kết nối hàng không quốc tế đã ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam; thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được phát huy hiệu quả; chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ, song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú; nguồn nhân lực làm du lịch thiếu; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn...
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều giải pháp để giúp cho hoạt động du lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, có thể tăng tốc phục hồi, có sức cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, cần có chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch, trong đó, cần có chính sách điều chỉnh giá điện, ưu đãi về sử dụng đất cho các doanh nghiệp để giúp các doanh nghiêp du lịch khắc phục khó khăn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigontourist Võ Anh Tài đề xuất sớm kiện toàn Ban chỉ đạo cấp trung ương về du lịch, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết, phối hợp của các bộ, ngành giúp nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường quảng bá, tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á bắt đầu mở cửa phục hồi như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Trung Quốc.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phá về chính sách visa. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SunGroup đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung thủ tục xuất nhập cảnh, tăng thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày, cho phép khách có thể được nhập cảnh nhiều lần…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực để việc đón khách thời gian tới hiệu quả hơn, đặc biệt là tập trung vào việc đón khách quốc tế, nhất là khi Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, từ ngày 15-3.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, ngành Du lịch đã có nhiều cố gắng trong việc phục hồi. Lượng khách du lịch trong nước tăng trưởng nhanh là minh chứng cho những cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phấn đấu, nỗ lực của ngành Du lịch. Kết quả này cũng giúp ngành Du lịch thêm tự tin trong việc phát triển du lịch ngày càng tiến bộ, hiệu quả để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng về con người, thiên nhiên đang có. So với năm 2019, đến nay, lượng khách quốc tế vẫn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra; nhiều thủ tục về xuất nhập cảnh, lưu trú… còn bất cập; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; công tác quản lý du lịch chưa đồng bộ, vấn đề vệ sinh, môi trường chưa được quan tâm đầy đủ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi thúc đẩy hoạt động du lịch không chỉ cần nhanh, mà còn phải kiên trì, bình tĩnh để phân tích rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức, từng bước tháo gỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, ngành Du lịch cần chú trọng xây dựng, phát triển ngành Du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, bền vững; xây dựng các sản phẩm du lịch 4 mùa; phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị về môi trường thiên nhiên, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và có tính đặc trưng riêng, hướng đến những dòng sản phẩm du lịch cao cấp; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo đảm tính độc đáo riêng của Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin