Tỉnh Bình Phước mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” trên địa bàn. Kế hoạch nhằm mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ và đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững.
Phục dựng không gian văn hóa của đồng bào dân tộc S’Tiêng huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh BPTV) |
Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, lấy sự hài lòng của du khách và phúc lợi cho người dân làm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.
Định vị thương hiệu du lịch
Bình Phước xác định tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng năm khu du lịch có quy mô lớn, tạo dựng thương hiệu nổi bật, có sức lan tỏa, gồm các dự án: Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú); Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng); Quần thể văn hóa-cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long); Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh); và sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành).
Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, công tác bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Bình Phước phấn đấu năm 2025 đón 1,7 triệu lượt du khách (trong đó khách quốc tế khoảng 4%), doanh thu từ du lịch đạt 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao
Bình Phước đã tạo được bứt phá trong phát triển, như: tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp là trung tâm, theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao; tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023 bình quân đạt 7,92% (dẫn đầu các tỉnh vùng Đông Nam Bộ).
Xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, niềm tin, khát vọng phát triển của người dân, Bình Phước cũng đồng thời phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế với quan điểm “mỗi người dân là một động lực để phát triển”.
Đánh thức các giá trị văn hóa
Bình Phước hiện đang sở hữu 45 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (trong đó có sáu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm di tích quốc gia đặc biệt; 12 di tích quốc gia) cùng cộng đồng gần một triệu dân thuộc 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp. Bởi thế, tỉnh có nền văn hóa giao thoa, hội tụ và đa dạng với sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc nhiều vùng miền.
Nơi đây từng được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử và dấu mốc quan trọng với những chiến công vang dội trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và hôm nay, Bình Phước là một đô thị trẻ, năng động đang trên đà phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đây chính là lợi thế lớn và riêng có của địa phương về di tích, về giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng các phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Lần đầu tiên sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã tổ chức thành công hội nghị văn hóa với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa hàng đầu trong cả nước (tháng 8/2023), nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, ra các quyết sách phát huy ưu thế để phát triển văn hóa, con người thời kỳ mới. Và nhiều huyện, thị xã đã viết nên những câu chuyện văn hóa thú vị, quảng bá thu hút du khách đến Bình Phước ngày càng nhiều.
Năm 2023 huyện Bù Đăng tổ chức thành công lễ hội “Kết bạn cộng đồng của người M’nông” giữa hai thôn Sơn Hòa-Sơn Tùng (xã Thọ Sơn) và Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số với chủ đề “Bù Đăng - Vùng đất đỏ, nơi hội tụ những thanh âm”... Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bù Đăng Vũ Đức Hoàng chia sẻ: Tới đây, huyện chú trọng vào xây dựng môi trường văn hóa số, công dân số và xã hội số..., để người dân hiểu và tự hào về các giá trị văn hóa đặc trưng của đất và người Bù Đăng, từ đó khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng phát triển quê hương...
Tuy nhiên, Bình Phước vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Để khắc phục, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa để hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù, thực tiễn địa phương; chủ động đón nhận thời cơ, thách thức để tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch chất lượng cao mang đậm bản sắc, cốt cách con người Bình Phước. Tiến tới xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9%; đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số...
Quy hoạch chính là cơ sở, là điều kiện quan trọng giúp Bình Phước chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, biến tiềm năng thành động năng, thành nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó bao gồm cả hiện thực hóa nhanh hơn mục tiêu du lịch xanh, bền vững.
Bình Phước đã từng giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu của địa phương (Khu bảo tồn Văn hóa S’Tiêng sóc Bom Bo, Căn cứ Tà Thiết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập...) tại nhiều diễn đàn du lịch liên vùng. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu 512 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 379 Mã Đà (huyện Đồng Phú) có quần thể 162 “Cây Di sản” Việt Nam, với 15 loài, trong đó có 130 cây kơ-nia có tuổi đời trên 500 năm tuổi-hứa hẹn là một điểm du lịch thu hút du khách đam mê về lịch sử và thiên nhiên…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, Bình Phước đang từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch của mình, gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Để đạt mục tiêu này, Bình Phước thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các loại hình du lịch homestay, farmstay có sử dụng đất nông nghiệp...
Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của Bình Phước tại bốn khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên các sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Song song với đó, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, người lao động lĩnh vực du lịch tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nguồn vốn, gói kích cầu; mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường và thu hút khách du lịch...
Đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Bình Phước đạt 65%. Hiện, tỉnh đã có 1.432 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu cả nước và xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, tạo tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh cho tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ở góc độ chuyên ngành, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thế Anh cho biết, tỉnh tập trung phát triển bốn sản phẩm du lịch chính. Đó là: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú); Khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) và Khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành) là động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng cộng đồng người M’nông và S’Tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và chơi golf; Khu Quần thể văn hóa-cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp đông y; trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, chơi golf kết hợp với phục dựng khu dân cư và bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng tại thôn 7, xã Long Giang (50 ha).
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam (Tà Thiết-Lộc Ninh) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử; du lịch về nguồn; du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại và tham quan Khu Di tích căn cứ Tà Thiết...
Đặc biệt, xây dựng tour du lịch quốc tế “Một ngày Bốn quốc gia”, chọn Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam làm trung tâm-là “điểm dừng chân trong chuyến hành trình xuyên Á”- kết nối các điểm đến trên tuyến du lịch quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan).
Đi sau trong phát triển du lịch so với các địa phương khác, nhưng Bình Phước đã biết lựa chọn đúng xu hướng dài hạn là phát triển du lịch xanh, thân thiện, có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin