Năm 2023, du lịch tỉnh Lào Cai tạo đột phá khi đón lượng khách lớn nhất từ trước đến nay với hơn 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng.
Hội xuống đồng đầu xuân ở Sa Pa, Lào Cai. |
Hai tháng đầu năm 2024, du lịch của tỉnh tiếp tục đà tăng khi thu hút tới 1.686.035 lượt khách, tổng thu đạt 5.174 tỷ đồng… Đó là thành quả của những chiến lược dài hơi và nỗ lực không mệt mỏi của những người làm du lịch…
Ở Sa Pa-“thánh địa” du lịch của Lào Cai, nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tự nhiên, trong đó, tiêu biểu là thương hiệu “Du lịch 5 mùa trong năm” với chuỗi các sự kiện trải đều trong 12 tháng.
Xác lập điểm đến “Du lịch 5 mùa”
Mở đầu mỗi năm là lễ hội tình yêu với chủ đề “Sa Pa - Xứ sở tình yêu” quảng bá về sự lãng mạn của mây và núi, sự tươi đẹp của kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa và những phiên chợ tình đầy sắc màu văn hóa. Lễ hội tình yêu trải dài trong năm, nhưng cao điểm là chùm sự kiện vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 - thời điểm cả Sa Pa phủ đầy hoa hồng.
Kế tiếp là lễ hội mùa xuân với chủ đề “Sa Pa - Xứ sở muôn sắc hoa”; lễ hội mùa hè với chủ đề “Sa Pa-Thiên đường nghỉ dưỡng núi”; lễ hội mùa thu “Sa Pa - Ngày hội mùa vàng”; và kết thúc năm là lễ hội mùa đông “Sa Pa - Thiên đường tuyết rơi” cùng chương trình Count-down đếm ngược đêm giao thừa - bữa tiệc âm nhạc đặc sắc để tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới.
Thông qua chuỗi du lịch 5 mùa, du lịch Sa Pa ngày càng được cải thiện cả về chất và lượng. Du khách cũng đã bình chọn Sa Pa là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, một trong 50 địa danh đẹp nhất châu Á, một trong 16 thị trấn xinh đẹp nhất thế giới… tạo ra thế và lực mới cho du lịch Sa Pa trong hành trình vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, Lào Cai không chỉ có Sa Pa. Cao nguyên trắng Bắc Hà với rất nhiều lễ hội như chợ phiên Bắc Hà, vó ngựa cao nguyên, dinh thự Hoàng A Tưởng, du lịch sông Chảy cũng đang trở thành điểm du lịch đặc sắc. Hay quần thể khu di tích lịch sử văn hóa Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và Tân An (huyện Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh và của quốc gia, gắn kết chặt chẽ với các hệ thống du lịch tâm linh dọc sông Hồng, sông Chảy và hệ thống làng du lịch cộng đồng tạo thành hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Nhờ đó, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt 265.200 lượt, trong đó Sa Pa đón 112.300 lượt; huyện Bắc Hà đón 25.000 lượt; huyện Bảo Yên đón 31.500 lượt…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung chia sẻ: Du lịch Lào Cai thời gian qua tăng trưởng mạnh và bền vững nhờ kiên định hướng làm du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; từng bước tạo lập thông điệp “an toàn-hấp dẫn-khác biệt”.
Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được cụ thể hóa bằng Đề án số 03 về phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2016-2020 và đề án phát triển văn hóa-du lịch Lào Cai giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2021-2025, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/TU, với mục tiêu: Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt nam và khu vực.
Tiệm cận mục tiêu 10 triệu lượt khách/năm
Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho rằng, từ những chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Lào Cai đã cụ thể hóa bằng các quyết sách, chỉ đạo sáng tạo, thiết thực, hiệu quả mang tính đột phá để phát triển du lịch địa phương. Trước hết, là đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc hấp dẫn. Từ năm 2015 đến nay, Lào Cai thu hút được hơn 50 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng, tạo lập được hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp.
Lào Cai cũng là địa phương tiên phong với nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá trong xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch, nổi bật là hình thành cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu) với Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình hợp tác phát triển du lịch hành lang kinh tế Đông-Tây (Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh)...
Song nhìn tổng thể, bức tranh du lịch Lào Cai không chỉ có mầu hồng. Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch chưa bảo đảm, nhiều tuyến đường tiếp cận điểm đến du lịch chưa được đầu tư; các dự án đầu tư phần lớn mới tập trung ở Sa Pa, việc thu hút các nhà đầu tư đến với các địa bàn tiềm năng như: Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên chưa cao. Vấn đề cấp nước sạch cũng đang là một thách thức. Theo Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa, quý I/2024 lượng khách du lịch đến Bắc Hà ước đạt 275.000 lượt, tăng 118.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023... Nhưng khách càng đông thì càng lo, vì thị trấn Bắc Hà chỉ cung cấp được 1.000m3 nước sạch/ngày đêm, trong khi nhu cầu mùa cao điểm du lịch cần 3.000m3/ngày đêm...
Dự báo năm 2024 và các năm tiếp theo, du lịch Lào Cai có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng bền vững, cải thiện cả về chất và lượng. Để đạt mục tiêu đón 10 triệu khách du lịch vào năm 2025 tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp:
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa trở thành khu du lịch xanh, bền vững.
Về vấn đề này, Bí thư Thị ủy Sa Pa, Phan Đăng Toàn cho biết: “Chúng tôi xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ; phát triển du lịch trên nguyên tắc đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên; tận dụng tốt những lợi thế của khoa học-công nghệ”.
Lễ hội nhảy lửa dân tộc Dao. |
Thị ủy Sa Pa đã ban hành Đề án số 03 về “Phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng Sa Pa thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế giai đoạn 2020-2025” với mục tiêu: Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng núi và văn hóa tầm cỡ quốc tế, với hạ tầng du lịch đồng bộ; dịch vụ du lịch hiện đại, chất lượng; sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú; nhân lực du lịch chuyên nghiệp, thân thiện; có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới...
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng tập trung phát triển huyện Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc, xây dựng các sản phẩm du lịch thật sự khác biệt hấp dẫn du khách; Phát triển quần thể khu di tích lịch sử văn hóa Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và Tân An (huyện Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh và của quốc gia, gắn kết với hệ thống du lịch tâm linh dọc sông Hồng, sông Chảy và hệ thống các làng du lịch cộng đồng tạo thành hệ thống các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trải nghiệm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin