Cù Lao Chàm - điểm du lịch kỳ thú

06:45, 11/08/2022

Một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại tỉnh Quảng Nam mà du khách khó bỏ qua là Cù Lao Chàm. Nằm cách bờ biển Cửa Đại, Hội An khoảng 15 km, Cù Lao Chàm được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” của biển khơi.

Sau 25 phút đi ca nô cao tốc từ bờ biển Cửa Đại, Cù Lao Chàm hiện ra trước mắt du khách tuyệt đẹp. Những bãi cát trắng mịn trải dài và làn nước trong xanh, mát lạnh. Cù Lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là khu bảo tồn biển thứ 2 của Việt Nam, với diện tích 5.175ha mặt nước.

Ở đây có sự đa dạng sinh học biển bậc nhất của nước ta với hơn 310ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển cùng nhiều loài thủy hải sản có giá trị. Năm 2009, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cù Lao Chàm gồm 8 đảo với các tên gọi lạ lẫm như: Hòn Lao, Tai, Dài, Mồ, Lá, Ông, Khô Mẹ và Khô Con. Trong đó, rừng chiếm khoảng 90% và có hơn 3.000 cư dân sinh sống.

Sau khoảng 25 phút đi ca nô cao tốc từ bờ biển Cửa Đại, du khách đặt chân đến Cù Lao Chàm.

Mùa Hè là mùa đẹp nhất thu hút đông đảo du khách đến đây khám phá thiên nhiên. Ngoài trải nghiệm lặn biển để ngắm san hô thì vào tháng 7, 8, trên đảo có một loài hoa đặc trưng nở rộ là Ngô đồng. Nếu đi trên thuyền, du khách có thể ngắm nhìn màu đỏ rực rỡ của Ngô đồng điểm tô trên những thảm thực vật xanh ngút mắt.

Muốn khám phá quanh các đảo, ngoài đi bộ, du khách có thể thuê xe máy tự đi hoặc đi xe ôm. Dọc những con đường bê tông uốn lượn qua các khu vực bãi Làng, bãi Xếp, bãi Bìm và bãi Hương, mùa này, thân Ngô đồng trơ cành vì lá đã rụng hết và chỉ còn màu hoa đỏ khoe sắc ven núi rừng. Theo người dân ở đây thì vào tháng 9, cây Ngô đồng sẽ ra lá non và đậu quả vào tháng 10. Sau đó, hạt chín đều và theo gió phát tán khắp nơi, gặp độ ẩm cao sẽ nảy mầm.

Không chỉ được khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về cuộc sống của người dân ở đây mà du khách còn được tham quan những di tích gắn với lịch sử hình thành Cù Lao Chàm.

Nằm ở bãi Hương, Miếu Tổ nghề Yến được người dân nơi đây xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19 để bái và lưu giữ vẻ đẹp của nghề Yến. Và hàng năm vào khoảng ngày 10 tháng 3 Âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến thường tổ chức giỗ Tổ nghề linh đình để mong một vụ khai thác yến thành công.

Địa điểm thứ hai gắn với sinh hoạt của người dân nơi đây là Giếng cổ Chămpa, hay còn có tên gọi khác là giếng Xóm Cấm. Giếng cổ Chăm có niên đại khoảng 200 năm và có cấu tạo đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An với cấu trúc hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Giếng là nguồn cung cấp nước ngọt dồi dào cho người dân trên đảo. Điểm đặc biệt là nước dưới giếng này không bao giờ cạn.

Giếng cổ Chăm có niên đại khoảng 200 năm.

Đến Cù Lao Chàm, một trong những dịch vụ thu hút đông du khách, nhất là giới trẻ, là tuor ngắm san hô ở Bãi Xếp hoặc Hòn Dài. Để đến được Hòn Dài, từ trung tâm của Cù Lao Chàm, du khách chỉ mất khoảng 3 phút di chuyển bằng cano, trải nghiệm 1 trong 2 hình thức lặn là lặn nổi và lặn chìm để có thể nhìn thấy từng rạn san hô đầy màu sắc được Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm bảo tồn và nuôi trồng.

Du khách nào không đi lặn biển có thể tắm biển ở nhiều bãi nằm dọc theo các hòn đảo. Bãi Ông là bãi tắm tự nhiên tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm, có nước xanh trong vắt, cát mịn và lặng sóng nên được nhiều du khách tìm đến để thư giãn sau một ngày dài tham quan các địa điểm du lịch giá rẻ trên đảo. Tại Bãi Ông, du khách có thể tham gia vào nhiều trò chơi trên biển như dù kéo, mô tô biển hay thuyền kéo…

Ẩm thực tại đây vô cùng phong phú bởi 60% người dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Nhiều hải sản làm nên nét đặc trưng của Cù Lao Chàm như cua đá, mực, cá, tôm, hải sâm, ốc… Tất cả hòa quyện và đậm đà hơn nhờ phong cách chế biến của người dân địa phương không giống bất cứ nơi nào.