“...Mắt người Việt Nam là rất sáng, trong mắt người Việt Nam thì mắt các chiến sĩ radar sáng hơn tất cả mọi người...”, lời nhắn nhủ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn luôn được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 291, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) khắc sâu ghi nhớ và hiện thực hóa bằng những thành tích cả trong thời chiến và thời bình.
Chiến sĩ Trung đoàn 291 thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý hoạt động bay trong kíp trực tại sở chỉ huy Trung đoàn. |
Từ chiến công phát hiện sớm B-52
Dẫn chúng tôi tham quan phòng truyền thống, Đại tá Trương Văn Chiến, Chính ủy Trung đoàn 291, tự hào giới thiệu: “Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Trung đoàn 291 là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ cảnh giới vùng trời, đã xác định chính xác, phát hiện từ sớm, từ xa máy bay B-52 của Mỹ, thông báo kịp thời để Bộ đội PK-KQ và các lực lượng ở Hà Nội, Hải Phòng chuyển cấp chiến đấu sớm, bắn rơi tại chỗ "siêu pháo đài bay" ngay từ đêm đầu và ngày càng bảo đảm tốt hơn cho các đơn vị hỏa lực của ta bắn rơi thêm nhiều máy bay B-52 trong suốt chiến dịch”.
Phát hiện tốp B-52 đầu tiên của Mỹ bay vào đánh phá miền Bắc và báo động sớm cho Hà Nội trước 35 phút-đó là chiến công được lập nên nhờ quá trình khổ luyện kiên trì, bền bỉ và sự sáng tạo trong những tình huống chiến đấu đầy thử thách, cam go của những người lính radar Đại đội 45, Trung đoàn 291.
Trong phòng truyền thống, các tư liệu, hiện vật liên quan đến chiến dịch phòng không tháng 12-1972 được đặt ở những vị trí trang trọng. Đó là sa bàn tái hiện sinh động trận địa đồi Si (Đô Lương, Nghệ An), nơi Đại đội 45 anh hùng đứng chân, vươn cánh sóng tìm “ngáo ộp” B-52.
Gần đó là màn hiện sóng của radar P37-hiện vật ghi dấu chiến tích của thế hệ cha anh trong 12 ngày đêm “rực lửa”. Cách đây 50 năm, vào ngày 18-12-1972, nhận thấy tình hình khác lạ khi mức độ đánh phá của không quân địch ở Khu 4 giảm đột ngột, đặc biệt tất cả các đài radar mở máy trực ban đều không phát hiện được dấu hiệu máy bay B-52, Ban chỉ huy Trung đoàn 291 đã yêu cầu các đơn vị nâng cao cảnh giác: “Hết sức chú ý khả năng B-52 đánh ra Hà Nội”.
Đúng như dự đoán, tối hôm đó, nhờ kinh nghiệm theo dõi, phát hiện, Đại đội 45 đã xác định được những dải nhiễu đặc trưng của “pháo đài bay” và lập tức báo về sở chỉ huy Trung đoàn. Sau những phân tích, đánh giá cụ thể, thận trọng từ các cấp, Bộ đội PK-KQ đã nhận lệnh báo động chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao nhất. Người dân Hà Nội cũng được báo động xuống hầm trú ẩn... Với lưới lửa phòng không của ta giăng sẵn, 3 máy bay B-52 đã bị tiêu diệt ngay đêm đó. Chiến công trong đêm đầu chiến dịch có sự đóng góp quan trọng của những chiến sĩ “vạch nhiễu, tìm thù” ở Trung đoàn 291. Trong cả chiến dịch, Trung đoàn đã phát hiện, thông báo kịp thời 151/165 tốp B-52 (đạt 91,5%).
...đến quyết tâm không để Tổ quốc bị bất ngờ
Tiếp tục phát huy truyền thống, những năm qua, Trung đoàn 291 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. “Thực mục sở thị” một ca trực ở sở chỉ huy Trung đoàn, có thể thấy các thành viên kíp trực luôn tập trung cao độ, không một phút rời mắt, ngơi tay. Không khí nghiêm túc đó đến từ chính nhiệm vụ nặng nề và quan trọng là quản lý chặt chẽ vùng trời trên hướng Đông Bắc Tổ quốc, với số lượng trung bình mỗi ngày khoảng 1.100-1.200 tốp bay.
Quan sát Trung sĩ Đặng Hiếu Nhân (nhân viên tiêu đồ xa) thao tác kẻ vẽ đường bay nhanh chóng, có vẻ dễ dàng, nhưng chúng tôi khá bất ngờ sau những “bật mí” của Trung úy Phan Văn Đức, Đại đội trưởng Đại đội chỉ huy, Ban Tham mưu. Anh Đức cho biết: “Nhân viên tiêu đồ như Nhân thường phải mất một năm huấn luyện mới có thể đưa vào trực. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ trực, nhân viên tiêu đồ còn phải thường xuyên huấn luyện ngoài giờ, thực hành đi bài tập. Nếu được chọn tham gia hội thi, hội thao thì thời gian huấn luyện phải thêm 4-5 tháng nữa”.
Thông qua tổ chức huấn luyện cơ bản, đúng quy trình, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, huấn luyện cá nhân trước, hiệp đồng sau, thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm sau mỗi nội dung, Trung đoàn 291 đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý vùng trời, không để xảy ra hoang báo, sai sót, lọt, chậm thông tin. Đặc biệt, trong đợt diễn tập tháng 10 vừa qua, với tình huống bị chế áp điện tử và gây nhiễu sát thực tế, song hoạt động xử lý thu tình báo trong nhiễu của các đơn vị thuộc Trung đoàn đều đạt giỏi và xuất sắc.
Thượng tá Trần Minh Cường, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 291, cho biết: “Hiện nay, vũ khí, trang bị, khí tài của đơn vị ngày càng hiện đại. Trình độ, phương thức, thủ đoạn và trang bị của đối tượng tác chiến cũng có sự phát triển. Do đó, công tác huấn luyện, SSCĐ đặt ra yêu cầu cao hơn với đơn vị”.
Bên cạnh huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, khí tài, Trung đoàn tăng cường huấn luyện đội ngũ chiến thuật, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động; càng trong điều kiện thời tiết khó khăn, thời điểm nhạy cảm càng tăng cường huấn luyện; tận dụng các chuyến bay của hàng không dân dụng và hoạt động của máy bay quân sự để luyện tập bắt, bám sát mục tiêu. Việc huấn luyện bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, biết nhiệm vụ trên một cấp...
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, trong những năm qua, Trung đoàn 291 luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “mắt sáng” vùng Đông Bắc, ngày đêm canh gác, quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc thân yêu.
Trung đoàn 291 (Đoàn Ba Bể) được thành lập ngày 21-3-1958, là đơn vị radar đầu tiên của Quân đội ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã đi sâu nghiên cứu, kịp thời xử trí, làm thất bại các thủ đoạn kỹ, chiến thuật của địch trong chiến tranh điện tử hiện đại. Với những thành tích xuất sắc đạt được, Trung đoàn đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin