Ký ức không quên trên nước bạn Lào

Lương Hạnh 09:32, 15/11/2024

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong tâm trí các cựu chiến binh Thái Nguyên là quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào vẫn không quên những năm tháng từng sống, chiến đấu trên đất bạn. Đó là những ký ức hào hùng góp phần rèn luyện bản lĩnh, ý chí kiên cường của người lính, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào.

Các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên vui ngày gặp mặt.
Các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên vui ngày gặp mặt.

Trong căn nhà cấp 4 nằm giữa vườn bưởi Diễn quả đã chín vàng, ông Trần Văn Phú, ở xóm Làng Dõ, xã Tân Quang (TP. Sông Công), kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu trên nước bạn Lào. Giọng ông trầm ấm: Ở Lào có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Vào mùa mưa, chúng tôi hành quân trèo đèo lội suối, quần áo ướt sũng cả ngày, tối về phải ngâm chân nước muối để tránh bị lở loét.

Dù khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi đều xác định rõ phương châm của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam "giúp bạn là mình tự giúp mình" nên sẵn sàng hy sinh, quyết chiến, quyết thắng bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc Việt Nam - Lào. - ông Trần Văn Phú

Ông Phú nhớ lại, trong quá trình chiến đấu, ông đã có 3 lần bị thương. Lần đầu vào năm 1970, trong trận đánh chốt giải phóng thị xã Sầm Nưa, ông bị mảnh đạn cứa ngang cổ. Lần 2, ông bị địch bắn xuyên đùi phải, về tỉnh Thanh Hóa điều trị 4 tháng, khi sức khỏe ổn định, ông lại về đơn vị chiến đấu. Lần 3, trong quá trình chiến đấu, không may ông bị trượt chân ngã xuống thác đá, bất tỉnh tại chỗ.

Đồng đội đã lần tìm đường xuống cứu ông, nhưng phải đến tận ngày hôm sau mới tìm được để đưa ông ra. Lúc đó, ông đã tỉnh nhưng mặt bị sưng, mắt bị tụ máu không nhìn thấy đường, phải bám vào thắt lưng đồng đội dẫn đi xuyên rừng. Ông cười bảo, tôi “cao số”, vào sinh ra tử mấy lần nhưng “thần chết” vẫn tha mạng.

Cựu chiến binh Trần Văn Phú, ở xóm Làng Dõ, xã Tân Quang (TP. Sông Công), chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch.
Cựu chiến binh Trần Văn Phú, ở xóm Làng Dõ, xã Tân Quang (TP. Sông Công), chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 42%, ông Phú lấy vợ, sinh con và tích cực tham gia lao động sản xuất. Gia đình ông hiện có hơn 450 gốc bưởi diễn và 200 gốc thanh long, cho nguồn thu nhập ổn định.

Giống như ông Phú, cựu chiến binh Trần Quốc Việt, ở tổ dân phố Đền, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) cũng là người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước Lào. Gần 80 tuổi nhưng ông Việt vẫn còn minh mẫn.

Ông Trần Quốc Việt: Tôi nhớ nhất là trận chiến giải phóng thị xã Sầm Nưa. Quân tình nguyện đóng ở trên sườn núi, còn quân địch đóng ở thị xã với hầm hào kiên cố, vũ khí hiện đại. Địch bố trí 1 sư đoàn, ta chỉ có 2 trung đoàn. Hai bên chiến đấu ác liệt, thương vong nhiều. Cuối cùng, với tinh thần quyết chiến, quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Lào đã giải phóng được thị xã Sầm Nưa. Trong trận chiến này, tôi bị mảnh bom văng trúng, bị thương ở phần mông và đùi.

Trở về địa phương, ông Việt tích cực tham gia các hoạt động. Ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Quân Chu. Năm 2024, ông đã vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Trong dịp gặp mặt các đồng đội từng một thời vào sinh ra tử mới đây, cựu chiến binh Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên trào dâng bao cảm xúc.

Ông Dương Mạnh Việt: May mắn trở về sau chiến tranh nhưng những ký ức về những ngày tháng chiến đấu trên đất bạn Lào, chúng tôi không thể nào quên. Trong những năm tháng ấy, tôi đã đi qua bao dòng sông bên nước bạn như: Nậm Khan, Nậm Xiêm, Nậm Ngừm, Mê Kông; đặc biệt, bên dòng sông Nậm Khan, tôi đã gói hàng nghìn bộ xương đồng đội, họ đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Trải qua các thời kỳ, tỉnh Thái Nguyên có hàng ngàn người con đứng trong hàng ngũ các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào. Nhà nước Lào đã trao tặng trên 2.000 bộ Huân chương Tự do cho các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Lào.

Trở về cuộc sống đời thường, các cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào vẫn luôn là những cựu chiến binh gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Các cựu chiến binh đã thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Thái Nguyên, hiện có 1.500 hội viên.

Ban liên lạc thường xuyên thăm hỏi các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ, tặng quà lưu học sinh Lào. Qua đó, góp phần xây đắp tình cảm đoàn kết, hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.